Thứ Hai, 13/12/2021 16:17

VNDirect: GDP 2022 dự kiến tăng trưởng 7.5%

Chứng khoán VNDirect (VND) cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại trạng thái “bình thường mới” vào năm 2022 với triển vọng tăng trưởng tươi sáng và vững chắc hơn nhờ đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 7.5% vào năm 2022, với tốc độ phục hồi cao trên mọi phương diện.

Các bước đi vững chắc hướng tới “bình thường mới”

Theo báo cáo chiến lược đầu tư 2022 của VND, Việt Nam đã tiêm chủng đầy đủ cho khoảng 56% dân số, trong khi khoảng 19.5% đã được tiêm chủng lần một (số liệu tính đến ngày 06/12/2021). Bộ Y tế cho biết, đến đầu tháng 12 năm 2021, Việt Nam đã nhận được khoảng 147.5 triệu liều vắc-xin ngừa Covid-19. Việt Nam cũng đã sản xuất thành công vắc-xin

Sputnik-V trong nước sau khi nhận chuyển giao công nghệ từ đối tác Nga. Nhờ những tiến bộ trong nghiên cứu và tự sản xuất vắc xin, Việt Nam có thể tăng cường tự chủ về vắc xin kể từ quý 1/2022. Chính phủ đặt mục tiêu trên 70% dân số sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào nửa đầu năm 2022.

VND tin rằng Việt Nam sẽ hoàn thành vượt mức chỉ tiêu của Chính phủ và hoàn thành tiêm chủng cho hơn 70% dân số vào quý 1 năm 2022. Với độ phủ rộng rãi của vắc xin, nền kinh tế Việt Nam sẽ thích ứng với bình thường mới và quá trình mở cửa trở lại của nền kinh tế Việt Nam sẽ được đẩy nhanh kể từ quý đầu tiên của năm 2022.

4 động lực tăng trưởng chính cho vĩ mô 2022

VND cho rằng ngành dịch vụ sẽ phục hồi và có tốc độ tăng trưởng cao hơn kể từ năm 2022, với động lực chính đến từ việc mở lại các dịch vụ không thiết yếu và sự phục hồi của cầu tiêu dùng nội địa.

Xuất khẩu kỳ vọng duy trì đà tăng tích cực nhờ nhu cầu toàn cầu phục hồi. Các chuyên gia lạc quan về triển vọng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2022 và kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam sẽ duy trì tốc độ cao, tăng trưởng 12.5% vào năm 2022 (so với dự báo trước đó của VND là 15% cho năm 2021). Xuất khẩu sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính cho nền kinh tế Việt Nam vào năm 2022. Đối với nhập khẩu, VND duy trì quan điểm rằng nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam sẽ vẫn ở mức cao trong năm 2022, do các yếu tố sau: (1) Nhu cầu trong nước phục hồi đối với các sản phẩm tiêu dùng nhập khẩu (2) nhu cầu cao về nguyên liệu và sản phẩm đầu vào trong bối cảnh hoạt động sản xuất phục hồi, (3) giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu nhập khẩu có thể vẫn ở mức cao trong năm 2022.

Động lực thứ ba là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phục hồi vào năm 2022. VND tin rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam sẽ phục hồi mạnh trong năm 2022 nhờ: (1) Việt Nam có kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế từ đầu năm 2022, điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư và chuyên gia quay trở lại Việt Nam và thúc đẩy đầu tư trong năm tới; (2) Việt Nam vẫn là một địa điểm hấp dẫn đối với các công ty nước ngoài trong chiến lược đa dạng hóa '' Trung Quốc + 1 '' do các lợi thế như giá nhân công cạnh tranh và dân số lớn; (3) Việt Nam đã ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) rất tiến bộ với các đối tác lớn trên thế giới như CPTPP, EVFTA, RCEP...

Với những lợi thế đó, VND kỳ vọng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam sẽ tăng khoảng 9-10% và vốn FDI giải ngân tăng 8-9% vào năm 2022.

Thêm nữa, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ là yếu tố quan trọng. VND nhìn nhận Việt Nam vẫn còn khá nhiều dư địa cho chính sách tài khóa. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư quy mô các gói hỗ trợ tài khóa Covid-19 của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua chỉ chiếm khoảng 2.85% GDP, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế châu Á. Ngoài ra, ước tính tỷ lệ nợ công/GDP của Việt Nam vào cuối năm 2020 chỉ chiếm khoảng 45% GDP (GDP sau khi tính toán lại), thấp hơn nhiều so với mức trần nợ công của Việt Nam là 60% GDP.

Do lãi suất trái phiếu Chính phủ đang ở mức thấp so với lịch sử và lạm phát được kiểm soát tốt, VND cho rằng Chính phủ có thể tung ra nhiều gói hỗ trợ tài khóa hơn để hỗ trợ phục hồi kinh tế, tập trung vào: Trợ cấp tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch Covid-19, giảm thuế và tăng vốn đầu tư công vào phát triển hạ tầng giao thông và các dự án nhà ở xã hội.

Cùng với các gói hỗ trợ tài khóa sắp tới, Chính phủ có kế hoạch tăng cường đầu tư công vào năm 2022 để bù đắp cho sự suy giảm của các động lực tăng trưởng khác. Chính phủ dự kiến chi 566 nghìn tỷ đồng cho đầu tư công vào năm 2022 (tăng 10% so với kế hoạch đầu tư công năm 2021) để hỗ trợ phát triển.

Dự báo các chỉ tiêu vĩ mô năm 2022

VND cho rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại trạng thái “bình thường mới” vào năm 2022 với triển vọng tăng trưởng tươi sáng và vững chắc hơn nhờ đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. GDP của Việt Nam dự kiến sẽ tăng trưởng 7.5% vào năm 2022, với tốc độ phục hồi cao trên mọi phương diện.

Các yếu tố nền tảng vĩ mô tiếp tục được củng cố với thặng dư thương mại cao hơn, cũng như thặng dư tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối. Những yếu tố hỗ trợ này có thể giúp Việt Nam đối phó với những rủi ro bên trong và bên ngoài, bao gồm áp lực lạm phát cao hơn, đồng USD mạnh lên và điều kiện thị trường tài chính toàn cầu kém thuận lợi hơn so với năm 2021.

Duy Na

FILI

Các tin tức khác

>   Thủ tướng: Phấn đấu đến hết quý 1/2022 hoàn thành tiêm vaccine mũi thứ 3 (10/12/2021)

>   Chính phủ cần thiết kế gói hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá (09/12/2021)

>   Bà Nguyễn Thị Lệ: 'TP.HCM thiệt hại gần 12 tỷ USD trong 2 năm qua' (09/12/2021)

>   Kinh tế số Việt Nam: Nhìn từ “chỉ số” tin cậy của người dân (09/12/2021)

>   Kỳ họp HĐND TP.HCM: Những cam kết từ chính quyền (09/12/2021)

>   Chủ tịch Phan Văn Mãi: Tăng trưởng kinh tế của TP.HCM thấp nhất 35 năm qua (08/12/2021)

>   Bí thư TP.HCM đặt hàng giải pháp cho mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% (07/12/2021)

>   Phục hồi nền kinh tế: Dư địa chính sách tiền tệ vẫn còn, lạm phát ở mức chấp nhận (07/12/2021)

>   Thủ tướng: Bối cảnh đặc biệt cần tầm nhìn, hành động, giải pháp đặc biệt (06/12/2021)

>   Giảm thuế, phí xăng dầu là cách hiệu quả giúp phục hồi kinh tế (06/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật