Thứ Năm, 09/12/2021 20:08

Bà Nguyễn Thị Lệ: 'TP.HCM thiệt hại gần 12 tỷ USD trong 2 năm qua'

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ cho biết ước tính thiệt hại kinh tế năm 2020 và 2021 của TP.HCM khoảng 273.000 tỷ đồng, tương đương 11,9 tỷ USD.

Phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 4 HĐND TP.HCM khóa X diễn ra chiều 9/12, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhận định năm 2021, đại dịch Covid-19 lần thứ 4 đã tác động nặng nề đến nhiều mặt của TP.HCM. Kinh tế tăng trưởng âm, chuỗi cung ứng đứt gãy, thiếu hụt lao động đã ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe người dân.

"Ước tính thiệt hại kinh tế năm 2020 và 2021 của thành phố khoảng 273.000 tỷ đồng, tương đương 11,9 tỷ USD", bà Lệ cho hay.

Xử lý dứt điểm nhằm phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ nhấn mạnh chủ đề năm 2022 của thành phố là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”.

Năm 2022, HĐND TP.HCM sẽ tập trung giám sát việc thực hiện chủ đề năm; củng cố hệ thống y tế cơ sở và việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho ngành y tế; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp...

Bà Nguyễn Thị Lệ đề nghị UBND TP.HCM thực hiện có hiệu quả các kịch bản về tăng trưởng để bảo đảm mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, trong đó có chỉ tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2022 từ 6% đến 6,5%.

TP.HCM cũng cần quan tâm kiểm tra, thanh tra các nguồn quỹ theo quy định, thực hiện nghị quyết về tập trung đầu tư hoàn thành Khu đô thị mới Thủ Thiêm trước năm 2030. Thành phố phải tăng cường giám sát các vụ việc tồn tại, kéo dài để kịp thời đề xuất, kiến nghị Thành ủy lãnh đạo xử lý dứt điểm nhằm phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm như kỳ vọng của nhân dân.

giải ngân vốn đầu tư công TP.HCM ảnh 1

Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ tại kỳ họp thứ 4 HĐND TP.HCM khóa X. Ảnh: Phạm Ngôn.

Năm 2022 cũng là năm tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội để đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bên cạnh đảm bảo an sinh xã hội cho người dân, TP.HCM cần chủ động có phương án mở cửa trường học cho các bậc học phù hợp với lộ trình tiêm vaccine theo quy định. UBND thành phố cũng cần tạo điều kiện thuận lợi để HĐND giám sát, giải quyết kiến nghị, bức xúc của nhân dân...

"Toàn hệ thống chính trị đang và sẽ nỗ lực tối đa để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2021 ở mức cao nhất có thể và chuẩn bị tổ chức cho nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần (2022) bình yên, an toàn nhất", Chủ tịch HĐND Nguyễn Thị Lệ cam kết.

Đặt mục tiêu giải ngân đầu tư công 95%

Tại kỳ họp này, HĐND TP.HCM thảo luận và biểu quyết thông qua 25 nghị quyết. Trong đó, 13 nghị quyết về kinh tế - ngân sách, 3 nghị quyết về cơ chế - chính sách; 3 nghị quyết về văn hóa - giáo dục; 2 nghị quyết về quy hoạch đô thị và 4 nghị quyết về một số nội dung quan trọng khác.

Theo Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2022, dự kiến nguồn vốn ngân sách Nhà nước của TP.HCM42.508 tỷ đồng. Nghị quyết này thống nhất với phương án bố trí nguồn vốn Trung ương cho TP.HCM năm 2022 là 2.479 tỷ đồng. Trong đó, 4 dự án có nguồn vốn trong nước và 5 dự án dùng vốn ODA.

STT

Dự án

Số vốn (tỷ đồng)

Nguồn vốn ngân sách Trung ương

1

Xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên (kết nối tỉnh Long An qua sông Chợ Đệm và tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai qua sông Sài Gòn)

1.000
2

Xây dựng nút giao thông An Phú

365
3

Xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM

283,640
4

Xây dựng, mở rộng Quốc lộ 50, huyện Bình Chánh

120

Nguồn vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương

5

Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2

190
6

Vệ sinh môi trường TP.HCM - giai đoạn 2 (WB)

400
7

Hỗ trợ kỹ thuật cho dự án Phát triển Giao thông xanh TP.HCM (SECO)

50
8

Cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở tại TP.HCM

11
9

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên

60

HĐND TP.HCM đề nghị UBND thành phố có giải pháp hỗ trợ chủ đầu tư tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn được giao, đảm bảo đạt trên 95% theo quy định. Thành phố cần có giải pháp hữu hiệu trong quản lý nợ công, kiên quyết không bố trí vốn kế hoạch năm 2022 đối với dự án có phát sinh, thay đổi, phải điều chỉnh (về thời gian, tổng mức đầu tư và các nội dung khác liên quan đến dự án) nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh.

Các dự án xây dựng trường học, y tế, giao thông phục vụ dân sinh, các dự án phục vụ công tác phòng chống dịch cần được quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ.

Riêng với nguồn vốn hơn 13.043 tỷ đồng còn lại chưa được bố trí cho các dự án trong danh mục kế hoạch đầu tư công năm 2022, HĐND TP.HCM đề nghị khẩn trương trình HĐND điều chỉnh kế hoạch đầu tư công năm 2022, chậm nhất đến hết tháng 7/2022.

Đồng thời, kỳ họp cũng thông qua dự toán thu - chi ngân sách năm 2022 của TP.HCM.

Theo đó, dự toán tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn TP.HCM năm 2022 là 386.568 tỷ đồng, tăng 5,94% so dự toán năm 2021 và tăng 4,34% so với ước thực hiện năm 2021. Tổng thu ngân sách địa phương là 84.121 tỷ đồng. Trong khi đó, dự toán chi năm 2022 là 99.669 tỷ đồng.

Năm 2022, TP.HCM dự định tổng mức vay là 10.919,7 tỷ đồng và sẽ chi 1.038,7 tỷ đồng để trả nợ gốc các khoản vay.

Năm thứ 4 TP.HCM giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất

Cũng tại phiên bế mạc kỳ họp thứ 4, các đại biểu HĐND thành phố đã thống nhất giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 như năm 2021. Như vậy, đây là năm thứ 4 thành phố không thay đổi hệ số điều chỉnh giá đất.

HĐND TP.HCM cũng thông qua Nghị quyết về danh mục dự án cần thu hồi đất. Theo đó, TP.HCM sẽ thu hồi đất của 15 dự án tại quận 1, 7, Tân Bình, Tân Phú, Gò Vấp, huyện Cần Giờ, huyện Hóc Môn, huyện Củ Chi, TP Thủ Đức; và 12 dự án cần thu hồi đất (trong đó có một phần đất trồng lúa) tại quận 8, huyện Hóc Môn, huyện Nhà Bè, huyện Củ Chi, huyện Bình Chánh.

Thu Hằng

ZING

Các tin tức khác

>   Kinh tế số Việt Nam: Nhìn từ “chỉ số” tin cậy của người dân (09/12/2021)

>   Kỳ họp HĐND TP.HCM: Những cam kết từ chính quyền (09/12/2021)

>   Chủ tịch Phan Văn Mãi: Tăng trưởng kinh tế của TP.HCM thấp nhất 35 năm qua (08/12/2021)

>   Bí thư TP.HCM đặt hàng giải pháp cho mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% (07/12/2021)

>   Phục hồi nền kinh tế: Dư địa chính sách tiền tệ vẫn còn, lạm phát ở mức chấp nhận (07/12/2021)

>   Thủ tướng: Bối cảnh đặc biệt cần tầm nhìn, hành động, giải pháp đặc biệt (06/12/2021)

>   Giảm thuế, phí xăng dầu là cách hiệu quả giúp phục hồi kinh tế (06/12/2021)

>   Liệu lạm phát thế giới đã đạt đỉnh? (06/12/2021)

>   Lạm phát nhất thời hay dai dẳng đều chưa đáng ngại (06/12/2021)

>   Nói mãi lạm phát, lạm phát và lạm phát, sẽ tạo thành kỳ vọng lạm phát (06/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật