Chính phủ cần thiết kế gói hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi và bứt phá
Các lãnh đạo doanh nghiệp kỳ vọng sớm được tham dự chương trình đối thoại công-tư với lãnh đạo Chính phủ để đóng góp các giải pháp, hiến kế cho mục tiêu đảm bảo tăng trưởng hậu COVID-19.
Nghị quyết 128 của Chính phủ đã góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất. (Ảnh: TTXVN)
|
Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) cho biết sau một tháng Chính phủ ban hành và áp dụng Nghị quyết 128/NQ-CP, chuyển trạng thái phòng chống dịch trên toàn quốc sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh, đã có những tín hiệu tích cực của việc phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và việc làm cho người lao động.
Những tín hiệu tích cực
Qua 2 cuộc khảo sát diện rộng do Ban IV thực hiện trong tháng 10/2021, gồm khảo sát nhanh khó khăn về lao động của doanh nghiệp với 3.440 ý kiến trả lời và khảo sát nhanh khó khăn của người lao động với 8.835 ý kiến trả lời cho thấy, số doanh nghiệp “đang hoạt động” là 39%, cao gấp 2 lần so với tỷ lệ này vào thời điểm tháng 8/2021 và số người trả lời hiện đang có việc là 47%, tăng gần 10 điểm phần trăm so với tỷ lệ người có việc ở khảo sát tháng 8.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban IV, mặc dù tình hình chung còn nhiều khó khăn, nhưng 43% lãnh đạo các doanh nghiệp ở diện “đang hoạt động” vẫn luôn “tỏ ra lạc quan để chèo lái doanh nghiệp.”
Tuy vậy, do mức độ ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch lần 4 tới hoạt động của doanh nghiệp là rất lớn, đồng thời do tình hình các chuỗi cung ứng trên thế giới vẫn đang đứt gãy, chưa phục hồi hoàn toàn nên doanh nghiệp và người lao động tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong bối cảnh “sống chung với dịch.”
Về phía doanh nghiệp, 30% trả lời cho biết họ gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động nói chung và đặc biệt là lao động có trình độ chuyên môn. Hơn 45% doanh nghiệp cho là phải đưa ra mức thu nhập cao hơn so với trước dịch để thu hút lao động trở lại.
Bên cạnh khó khăn về thiếu lao động, chi phí cho lao động tăng, khó khăn cố hữu như vấn đề về vốn lưu động, các doanh nghiệp đang đối mặt với khó khăn mới như: giá nguyên liệu đầu vào tăng, nhu cầu thị trường yếu chưa đảm bảo kinh doanh có lãi, chi phí xét nghiệm cho lao động là áp lực rất lớn, cấu thành lớn trong chi phí của doanh nghiệp.
Về phía người lao động, có đến 59,3% cho biết không có nguồn tiết kiệm để hỗ trợ cuộc sống trong bối cảnh dịch, phải dựa vào vay nợ hoặc trông chờ sự hỗ trợ từ gia đình/xã hội; 41% không tìm được việc; 59% mong muốn được ký hợp đồng lao động nếu có việc mới, 54% muốn đề nghị doanh nghiệp phải có cam kết đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.
Trong bối cảnh đó, đánh giá về triển vọng phục hồi, 22% doanh nghiệp ở diện “đang hoạt động” cho biết đã phục hồi như trước dịch, 45% doanh nghiệp cho biết nếu các địa phương thực hiện đúng Nghị quyết 128 thì doanh nghiệp sẽ phục hồi trong khoảng thời gian từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.
Hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn
Qua trao đổi, thảo luận với lãnh đạo của gần 40 hiệp hội doanh nghiệp những ngày qua, Ban IV vừa đề xuất Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy, điều quan trọng là tạo lập môi trường làm việc an toàn và năng lực y tế trong doanh nghiệp để duy trì liên tục sản xuất kinh doanh.
Việc “thích ứng, sống chung với dịch” là chiến lược lâu dài, nên ngoài khía cạnh doanh nghiệp tự chủ để cải thiện môi trường làm việc và các quy trình nội bộ, Ban này đề xuất Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Y tế đẩy mạnh truyền thông về các biện pháp doanh nghiệp có thể lựa chọn trong việc tạo lập môi trường lao động an toàn, nâng cao năng lực y tế tại cơ sở, như việc doanh nghiệp có thể được ký hợp đồng với các đơn vị y tế đủ năng lực để xử trí các vấn đề phòng, chống dịch nếu không tự thiết lập được bộ phận chuyên môn y tế tại đơn vị.
Bộ huy động đội ngũ chuyên gia y tế dự phòng nghiên cứu, hình thành các quy trình hướng dẫn dễ hiểu, dễ áp dụng (tương tự 5K cho toàn dân) để doanh nghiệp và người lao động áp dụng trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tương tác với khách hàng; ban hành hướng dẫn cụ thể về quy trình xử lý khi phát hiện F0 tại doanh nghiệp.
“Trong điều kiện hiện nay, khi phần lớn người lao động của doanh nghiệp đã được tiêm từ 1-2 mũi vaccine, doanh nghiệp cũng đã chủ động thích ứng và phòng bị bằng 5K và test nhanh, cũng như phân chia ca kíp, phân nhóm để hạn chế tối đa rủi ro, nguy cơ lây lan, đồng thời cũng để thuận tiện khi khoanh vùng, truy vết, giảm thiểu thiệt hại về lao động, thì việc có hướng dẫn riêng về quy trình xử lý F0 tại doanh nghiệp là cần thiết để đảm bảo các doanh nghiệp luôn duy trì được hoạt động. Trường hợp doanh nghiệp có F0 nhưng có tổ chức phân ca kíp, phân nhóm thì dựa trên hướng dẫn của Bộ Y tế, chính quyền cơ sở có thể cùng doanh nghiệp đánh giá bóc tách theo cấp độ nguy cơ nhỏ nhất để doanh nghiệp vẫn duy trì được sản xuất kinh doanh,” bà Thủy nói.
Về việc hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động vượt qua các khó khăn về lao động, việc làm trong bối cảnh dịch, Ban IV kiến nghị Chính phủ, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành, địa phương liên quan xem xét cải thiện các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến thời gian, chế độ làm việc của người lao động trong bối cảnh dịch; đặc biệt là quy định về giờ làm thêm của người lao động để doanh nghiệp có điều kiện bố trí nhân lực đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng các đơn hàng bị chậm trong thời gian qua, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thể bứt phá trong thời gian tới.
Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng các quy định pháp lý mới (như các chế độ bảo hiểm tai nạn lao động) với hình thức làm việc mới như làm việc trực tuyến, làm việc tại nhà…, vì đây là xu hướng tăng mạnh trong và sau đại dịch; tăng cường công tác kết nối ba bên “người lao động-doanh nghiệp-cơ sở đào tạo” để đẩy mạnh cơ hội tìm kiếm việc làm cho nhóm lao động mất việc và nâng cao chất lượng nguồn lao động trước bối cảnh có nhiều thay đổi, phát sinh như đại dịch.
Doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ, các bộ, ngành liên quan xem xét điều chỉnh giảm mức đóng bảo hiểm xã hội đi kèm với việc phát triển các quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện với những cơ chế linh hoạt cho phép người lao động được vay từ quỹ bảo hiểm hưu trí khi gặp khó khăn về tài chính, khi mà điều này không thể thực hiện được đối với quỹ bảo hiểm xã hội.
Đây có thể là giải pháp hạn chế việc rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động, đồng thời là giải pháp giúp doanh nghiệp có thêm một chính sách để thu hút hoặc giữ chân người lao động.
Một giải pháp khác được Ban IV đề xuất để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các khó khăn về tài chính và khó khăn khác, để phục hồi và phát triển, đó là Chính phủ thiết kế các gói hỗ trợ đủ sâu, đủ rộng, có tính toán tới đặc thù của từng ngành và triển khai ngay trong đầu năm 2022 nhằm tạo đà cho doanh nghiệp có sức phục hồi và bứt phá, tận dụng được cơ hội mang lại từ Nghị quyết 128.
Các lãnh đạo doanh nghiệp cũng rất kỳ vọng sẽ sớm được tham dự chương trình đối thoại công-tư với lãnh đạo Chính phủ để đóng góp các giải pháp, hiến kế cho mục tiêu đảm bảo tăng trưởng hậu COVID-19./.
Chu Thanh Vân
Vietnam+
|