Nhiều định hướng phát triển TP.HCM trong năm 2022
Chiều 8.12, kỳ họp thứ 4 HĐND TP.HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 bế mạc sau hơn 2 ngày làm việc.
Tại kỳ họp, HĐND TP.HCM đã thông qua 25 nghị quyết về kinh tế - ngân sách, cơ chế - chính sách, văn hóa - giáo dục, quy hoạch đô thị..., định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân TP.HCM trong thời gian tới.
Dự tính tổng thu ngân sách nhà nước tăng 5,94%
Theo nghị quyết về quyết toán ngân sách TP.HCM năm 2020, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn hơn 372.559 tỉ đồng, đạt 91,8% dự toán. Đồng thời, năm 2021, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn TP.HCM ước đạt 101,53% dự toán được giao (cụ thể là 370.483 tỉ đồng) mặc dù địa phương gặp nhiều khó khăn khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
|
Do đại dịch Covid-19, kinh tế TP.HCM đã bị thiệt hại nặng nề. Ngọc Dương
|
Với việc thông qua nghị quyết về dự toán thu ngân sách nhà nước và thu, chi ngân sách TP.HCM năm 2022, dự tính tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là hơn 386.568 tỉ đồng, tăng 5,94% so dự toán năm 2021 và tăng 4,34% so ước thực hiện năm 2021. Trong đó, ước thu nội địa là 259.568 tỉ đồng; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 116.500 tỉ đồng và thu từ dầu thô là 10.500 tỉ đồng. Về ngân sách địa phương, TP.HCM cũng ước tổng thu 89.739 tỉ đồng; chi ngân sách địa phương là 99.669 tỉ đồng, bội chi ngân sách địa phương là 9.929,8 tỉ đồng.
45.000 tỉ đồng để đầu tư công
Tại kỳ họp, HĐND TP.HCM cũng thông qua nghị quyết dự kiến dành khoảng 45.000 tỉ đồng (gồm nguồn vốn từ T.Ư và địa phương) cho đầu tư công trong năm 2022. Trong đó, dự kiến bố trí hơn 2.479 tỉ đồng mà T.Ư bố trí cho TP.HCM (gồm nguồn vốn ngân sách T.Ư và nguồn vốn ODA) để đầu tư các dự án như: xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên; xây dựng nút giao thông An Phú; xây dựng mới Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM; xây dựng, mở rộng QL50, H.Bình Chánh; dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên... Đồng thời, dự kiến bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước của TP.HCM là 42.508 tỉ đồng, trong đó vốn đầu tư công cân đối từ nguồn bội chi ngân sách TP.HCM trong năm 2022 là hơn 9.929 tỉ đồng; vốn đầu tư công cân đối từ ngân sách TP.HCM là hơn 32.578 tỉ đồng.
Giải quyết việc làm cho 300.000 lao động
Các đại biểu HĐND TP.HCM thông qua nghị quyết về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2022, thống nhất chủ đề năm 2022 là năm “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị, cải thiện môi trường đầu tư, đồng hành cùng doanh nghiệp”. Đồng thời, đề ra các chỉ tiêu cụ thể về kinh tế - xã hội, đô thị và môi trường, cải cách hành chính, trật tự an toàn xã hội như: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa trên địa bàn TP (GRDP) dự kiến từ 6 - 6,5% tùy tình hình; giải quyết việc làm cho 300.000 lao động; phấn đấu đạt tỷ lệ 20,4 bác sĩ/vạn dân, 42 giường bệnh/vạn dân; tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 6,6 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 21,2 m2/người; phấn đấu nằm trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và nhóm 15 địa phương dẫn đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính (PAR-index)...
Phát biểu bế mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM, ước tính 2 năm qua, diễn biến của dịch Covid-19 đã khiến TP.HCM thiệt hại kinh tế khoảng 273.000 tỉ đồng. Trong năm 2022, HĐND TP.HCM tập trung giám sát chuyên đề về thực hiện chính quyền đô thị, giám sát việc củng cố hệ thống y tế cơ sở và việc đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất cho ngành y tế…
Hỗ trợ học phí gần 1.000 tỉ đồng
HĐND TP.HCM cũng thông qua chính sách đặc thù hỗ trợ học phí cho trẻ mầm non, học sinh phổ thông công lập, ngoài công lập và học viên giáo dục thường xuyên trên địa bàn trong học kỳ 2 năm học 2021 - 2022, không áp dụng với các cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài. Tính cả học phí học kỳ 1 và học kỳ 2, tổng kinh phí mà TP.HCM hỗ trợ cho học sinh trên địa bàn là 961 tỉ đồng, nhằm chia sẻ gánh nặng với phụ huynh trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài.
* HĐND TP.HCM thống nhất đề ra Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trên địa bàn TP.HCM gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ nay đến hết năm 2022): khắc phục các hệ lụy, khôi phục những đứt gãy chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng; giúp những doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tái gia nhập thị trường, phục hồi sản xuất, kinh doanh; tạo việc làm, chăm lo an sinh xã hội, và các hoạt động văn hóa - xã hội trên cơ sở thích ứng an toàn, kiểm soát dịch Covid-19. Giai đoạn 2 (từ năm 2023 - 2025): Tiếp tục kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19; giải quyết các điểm nghẽn đối với sự phát triển nhanh và bền vững của TP; tập trung mọi nguồn lực để phát huy các thế mạnh của TP.
|
Thu Ngân
Thanh niên
|