Ông Lê Tấn Hùng đã làm gì để che giấu hành vi tham ô tài sản?
Khi vướng thanh tra, bị cáo Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn- TNHH Một thành viên) chỉ đạo cấp dưới hợp thức hóa hồ sơ, tài liệu, dòng tiền để che giấu hành vi tham ô tài sản.
Chiều 8-12, tại TAND TP HCM, đại diện cơ quan công tố hoàn tất việc công bố cáo trạng truy tố 19 bị cáo trong vụ án chuyển nhượng dự án nhà ở (tọa lạc tại TP Thủ Đức, TP HCM) sai nguyên tắc giữa Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn- TNHH Một thành viên (viết tắt: SAGRI) với Tổng Công ty Phong Phú gây thất thoát hơn 672 tỉ đồng.
Ngoài những cáo buộc liên quan đến hành vi sai phạm chuyển nhượng dự án trái quy định, đại diện VKSND TP HCM công bố nhiều luận cứ thể hiện rõ hành vi tham ô tài sản của bị cáo Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng Giám đốc SAGRI) cùng thuộc cấp.
Bị cáo Lê Tấn Hùng (phải) đóng vai trò chủ chốt, chủ mưu tham ô gần gần 13,4 tỉ đồng
|
Tại tòa, người thừa hành quyền công tố nhận định năm 2016, bị cáo Lê Tấn Hùng đã bàn bạc, chỉ đạo bị cáo Nguyễn Thị Thúy (khi đó là Kế toán trưởng kiêm Trưởng phòng Tài chính kế toán), bị cáo Nguyễn Thị Tuyết Mai (khi đó là Trưởng phòng Nhân sự hành chính SAGRI) liên lạc với Công ty Du lịch Thanh niên xung phong, Công ty Lữ hành Hòa bình Quốc tế lập hồ sơ ký khống 10 hợp đồng tham quan học tập kinh nghiệm ở nước ngoài cho cán bộ SAGRI.
Hai nữ bị cáo đã gặp gỡ các bị cáo Trần Văn Trường (giám đốc) và Đỗ Sĩ Hoài Thanh (Kế toán trưởng Công ty Du lịch Thanh niên xung phong); Đoàn Quang Hồi (giám đốc) và Nguyễn Thị Nguyên (Phó Giám đốc Tài chính kế toán Công ty Lữ hành Hòa Bình Quốc tế thời điểm sai phạm).
Những bị cáo này thống nhất thủ đoạn lập hồ sơ giả, ký khống 10 hợp đồng tham quan, học hỏi kinh nghiệm ở nước ngoài. Thực tế, SAGRI không đưa cán bộ, nhân viên đi du lịch, học tập như 10 hợp đồng này thể hiện.
Sau đó, 3 doanh nghiệp hợp thức chứng từ, SAGRI chuyển tiền theo giá trị hợp đồng. Nhận đủ tiền qua tài khoản ngân hàng, 2 đối tác rút ra rồi chuyển về lại SAGRI. Sau đó, họ chia nhau số tiền tham ô kể trên. Thông qua 10 hợp đồng khống, bị cáo Lê Tấn Hùng và đồng phạm chiếm đoạt gần 13,4 tỉ đồng.
Tháng 12-2016, Thanh tra TP HCM thanh tra toàn diện SAGRI. Nhằm che giấu hành vi phạm tội, bị cáo Lê Tấn Hùng chỉ đạo bị cáo Thúy và bị cáo Mai soạn thảo một số văn bản, liên hệ Công ty Du lịch Thanh niên xung phong và Công ty Lữ hành Hòa bình Quốc tế để hợp thức hóa hồ sơ, tài liệu, dòng tiền.
Giữ cương vị Phó Trưởng phòng Nhân sự hành chính SAGRI giai đoạn đó, bị cáo Lê Thị Diệp Cẩm dù không tham gia giúp sức tham ô tài sản nhưng biết rõ hành vi phạm tội của cấp trên và đồng nghiệp gây ra. Sau đó, bị cáo này cũng nghe theo chỉ đạo, cùng nhân viên rút tiền từ 2 công ty du lịch, đứng tên gửi tiết kiệm. Lúc chuyện sắp bại lộ, bị cáo Lê Thị Diệp Cẩm cùng những bị cáo khác hợp thức hồ sơ, hợp đồng...
Tại cơ quan điều tra, các bị cáo Lê Tấn Hùng và đồng phạm đều khai nhận hành vi phạm tội như trên.
Đại diện cơ quan công tố xác định 5 cá nhân khác là lãnh đạo, cán bộ SAGRI có vai trò thừa hành, phụ thuộc cũng như chấp hành mệnh lệnh hành chính từ cấp trên. Họ không bàn bạc, không hưởng lợi. Do đó, cơ quan pháp luật không có căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, đại diện cơ quan công tố cho rằng đơn vị có thẩm quyền cần kiến nghị xử lý kỷ luật nghiêm về Đảng, chính quyền.
Chiều nay, cơ quan xét xử tiến hành thẩm vấn 19 bị cáo nhiều vấn đề liên quan đến vụ án.
Bị cáo Lê Tấn Hùng (nguyên Tổng Giám đốc SAGRI) và bị cáo Nguyễn Thị Thúy (cựu Kế toán trưởng SAGRI ) cùng ra tòa về hai tội, gồm: "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Tòa sơ thẩm xét xử tội danh "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" đối với bị cáo Dư Huy Quang (cựu Trưởng phòng, Phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM), bị cáo Nguyễn Thị Thanh Anh (nguyên Phó Giám đốc Nhân sự hành chính SAGRI).
Ra tòa về tội "Tham ô tài sản" có 5 bị cáo từng làm việc tại một số doanh nghiệp nhà nước thời điểm xảy ra sai phạm.
Bị cáo Lê Thị Diệp Cẩm bị cáo buộc tội danh "Che giấu tội phạm".
Liên quan đến sai phạm chuyển nhượng dự án trái luật định gây thiệt hại hơn 672 tỉ đồng, bị cáo Trần Vĩnh Tuyến (cựu Phó Chủ tịch UBND TP HCM) cùng 9 đồng phạm (từng là cán bộ, lãnh đạo cơ quan-đơn vị trực thuộc UBND TP HCM) ra tòa về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
|
Bài và ảnh: Di Lâm
Người lao động
|