Thứ Ba, 07/12/2021 08:20

Giải ngân chậm: Có nguyên nhân khách quan, nhưng cơ bản là tổ chức thực hiện

Tại sao trong cùng khu vực có tỉnh giải ngân cao, nhưng có địa phương lại rất thấp, nguyên nhân do đâu? Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu vấn đề và đề nghị các địa phương có tiến độ giải ngân chậm phải làm rõ hơn, đánh giá sâu hơn, cụ thể hơn để có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị các địa phương có tiến độ giải ngân chậm phải làm rõ hơn, đánh giá sâu hơn, cụ thể hơn để có giải pháp khắc phục hiệu quả. Ảnh VGP/Quang Thương

Chiều 6/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Tổ trưởng Tổ công tác số 02 về giải ngân vốn đầu tư công đã họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg, ngày 21/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn ngân sách nhà nước năm 2021 cho 6 địa phương Cần Thơ, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Hậu Giang là 27,463 tỷ đồng. Số vốn các địa phương đã phân bổ chi tiết là 26,898 tỷ đồng, bằng 98% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao…

Về giải ngân vốn đầu tư công tính đến ngày 30/11/2021, tổng hợp theo số liệu báo cáo của các địa phương, số vốn giải ngân kế hoạch năm 2021 của 6 địa phương trên là 13,740 tỷ đồng, đạt 50.3% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm và thấp hơn bình quân cả nước (60.86%). Trong đó có 2 địa phương giải ngân dưới 50% kế hoạch (TP. Cần Thơ giải ngân 30.1%, Kiên Giang giải ngân 45.2%); tỉnh Hậu Giang có mức giải ngân cao, đạt 74.4% kế hoạch; còn lại, tỉnh Trà Vinh giải ngân 65.9%, tỉnh Long An giải ngân đạt 58.6%; tỉnh Sóc Trăng đạt 54.2% kế hoạch…

Phát biểu tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương bày tỏ thống nhất cao với nội dung báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời làm rõ hơn các khó khăn, vướng mắc, qua đó đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới. Các tỉnh: Long An, Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng cam kết phấn đấu sẽ giải ngân đạt trên 95% theo kế hoạch đề ra; thành phố Cần Thơ phấn đấu giải ngân đạt 70-71%; tỉnh Kiên Giang phấn đấu giải ngân cả năm sẽ đạt được khoảng 83%,…

Tại cuộc họp, đại diện các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng,… đã phát biểu giải đáp các kiến nghị của tỉnh, thành phố; phân tích, đánh giá nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án cụ thể của từng tỉnh thành.

Tổng hợp lại ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Qua báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ý kiến phát biểu của các bộ ngành, địa phương, tình hình trong năm 2021, bên cạnh những thuận lợi, có rất nhiều khó khăn ảnh hưởng đến việc giải ngân vốn đầu tư công, nhất là tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với các tỉnh phía Nam,…

Tuy nhiên các cấp chính quyền của 6 tỉnh thành đã có nhiều cố gắng, nỗ lực. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, các địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, theo tinh thần vừa lo những công việc chung của đầu nhiệm kỳ, vừa triển khai các nhiệm vụ của năm, trong đó, có kế hoạch đầu tư công trung hạn và đầu tư công năm 2021.

Theo báo cáo, toàn vùng đã giải ngân trên 50%, trong đó có địa phương giải ngân rất cao như tỉnh Hậu Giang; có tỉnh giải ngân trên mức bình quân chung của cả nước; một số tỉnh tuy giải ngân thấp hơn, nhưng cũng xấp xỉ gần bằng mức bình quân chung của cả nước, tuy nhiên vẫn có địa phương mức giải ngân còn thấp.

Tại cuộc họp, đại diện các bộ ngành, địa phương đã đánh giá rõ những khó khăn, tồn tại, vướng mắc, đặc biệt là tìm ra các nguyên nhân. Thay mặt tổ công tác, Phó Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao những nỗ lực và các kết quả đã thực hiện được; đồng thời chia sẻ với những khó khăn của địa phương, nhất là các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, làm cho các hoạt động KT-XH và đời sống người dân nói chung và việc triển khai đầu tư công nói riêng bị ảnh hưởng đáng kể.

Lãnh đạo các địa phương bày tỏ thống nhất cao với nội dung báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng thời làm rõ hơn các khó khăn, vướng mắc, qua đó đưa ra các giải pháp, kiến nghị nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian tới. Ảnh VGP/Quang Thương

Theo Phó Thủ tướng, các ý kiến tại cuộc họp đã nêu những nguyên nhân của các khó khăn, vướng mắc lớn liên quan đến: Trình tự thủ tục chuẩn bị, tiến hành tổ chức đấu thầu, triển khai dự án; năng lực của nhà thầu, chủ đầu tư, tư vấn, giám sát,…; công tác giải phóng mặt bằng; tác động do tăng giá nguyên vật liệu xây dựng; vướng mắc liên quan đến các dự án ODA;…

Một khó khăn nữa được các ý kiến đề cập là do tác động rất lớn của dịch bệnh COVID-19 đối với các tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Về nhận định này, Phó Thủ tướng đề nghị “cần đánh giá sâu hơn”. Tại sao trong cùng khu vực nhưng có tỉnh giải ngân cao, có địa phương lại rất thấp, nguyên nhân do đâu? Phó Thủ tướng nêu vấn đề và đề nghị các địa phương có tiến độ giải ngân chậm phải làm rõ hơn, đánh giá sâu hơn, cụ thể hơn để có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Theo Phó Thủ tướng, việc giải ngân chậm có nguyên nhân khách quan, nhưng cơ bản là khâu tổ chức thực hiện, sự quyết liệt của các ngành, các cấp, đặc biệt là các chủ đầu tư chưa sát sao, cấp trên chưa kiểm tra, kiểm soát để thúc đẩy, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc…

Nghị quyết 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ đã yêu cầu phải giải ngân để tạo điều kiện, động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế cao hơn, do đó việc giải ngân trong thời gian còn lại của năm (cùng lắm là đến ngày 31/1/2022) đòi hỏi rất cao và cấp bách. Nhấn mạnh điều này, Phó Thủ tướng đề nghị các ngành, các cấp, nhất là 6 địa phương cần tập trung, quan tâm, chỉ đạo, cố gắng giải ngân theo đúng cam kết đã nêu trong cuộc họp.

Phó Thủ tướng yêu cầu, các ngành, các cấp sau khi kiểm tra, phải gắn trách nhiệm giải ngân vốn đầu tư công với việc đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các cán bộ công chức có liên quan; tăng cường kiểm tra, kiểm soát, thanh tra công vụ trách nhiệm thực hiện công vụ, không để xảy ra tình trạng gây khó khăn, phiền hà; nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật, nếu có những vướng mắc, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi kịp thời.

Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp lại các ý kiến phát biểu tại cuộc họp, hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần thúc đẩy giải ngân theo cam kết. Nếu cần thiết, có thể làm việc riêng với 1-2 địa phương để bàn sâu hơn với từng dự án, nội dung cụ thể, để tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Chia sẻ với những khó khăn của các địa phương, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị cấp ủy, chính quyền, nhất là những người đứng đầu, tập trung rà soát, đánh giá lại để làm sao thúc đẩy giải ngân sớm nhất, tốt nhất trong điều kiện có thể./.

Nhật Quang

FILI

Các tin tức khác

>   Giải pháp phục hồi thị trường lao động (07/12/2021)

>   Trưởng ban Kinh tế T.Ư: Xác định rõ triết lý công nghiệp hóa, hiện đại hóa (06/12/2021)

>   Đề xuất nới bay quốc tế, xét nghiệm với khách bay nội địa (06/12/2021)

>   Lời giải cho điểm nghẽn logistics ngành nông nghiệp (06/12/2021)

>   Giải mã mô hình kinh doanh ngành dịch vụ vận chuyển hàng hóa (05/12/2021)

>   Nhiều mối lo ngại trong giao thương gỗ nguyên liệu (05/12/2021)

>   Bộ Tài chính Mỹ: Việt Nam không thao túng tiền tệ (04/12/2021)

>   Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 7% trong năm 2022 (04/12/2021)

>   ‘Ông trùm’ đường dây sản xuất xăng giả Trịnh Sướng chuẩn bị hầu toà (03/12/2021)

>   Đề xuất cho hàng không tư nhân vay 4.000-6.000 tỷ đồng với lãi suất 0% (03/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật