Chủ Nhật, 05/12/2021 11:00

Nhiều mối lo ngại trong giao thương gỗ nguyên liệu

Kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ sang Trung Quốc có dấu hiệu sụt giảm, trong khi nhập khẩu các mặt hàng gỗ từ Trung Quốc vào nước ta đang tăng rất mạnh, dẫn đến nguy cơ ngành gỗ sẽ không còn xuất siêu vào thị trường này trong vài năm tới…

Nhiều mối lo ngại trong giao thương gỗ nguyên liệu

Nguy cơ "chảy máu" ván bóc.

Đây là một trong nhiều vấn đề lo ngại mà các chuyên gia nêu lên tại tọa đàm “Thương mại gỗ Việt Nam - Trung Quốc: Cơ hội, thách thức và phát triển ngành gỗ Việt bền vững trong tương lai”, do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) phối hợp với các Hiệp hội gỗ và Tổ chức Forest Trend tổ chức vào chiều 3/12/2021.

“CHẢY MÁU” GỖ NGUYÊN LIỆU

Nhóm nghiên cứu của Vifores và Forest Trends cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc từ 1,2 tỷ USD năm 2019, đã giảm nhẹ vào năm 2020, và tiếp tục giảm trong năm 2021.

Trong giao thương ngành gỗ với Trung Quốc, cán cân thương mại luôn nghiêng về xuất khẩu. Năm 2018 kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc vào Việt Nam năm 2018 tương đương 43% kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam sang Trung Quốc. Tuy nhiên, tỷ trọng này tăng rất nhanh kể lên 54% năm 2019, lên 70% năm 2020 và tiếp tục ở mức 70% trong 9 tháng đầu 2021.

Cơ cấu các mặt hàng gỗ xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc có nhiều thay đổi trong thời gian gần đây. Các mặt hàng như sản phẩm gỗ, gỗ tròn, gỗ xẻ giảm mạnh trong khi dăm gỗ và ván bóc tăng mạnh. Trong đó, mặt hàng ván bóc có lượng xuất khẩu tăng đột biến. Ván bóc được làm nguyên liệu đầu vào để sản xuất các loại gỗ dán.

Lượng ván bóc xuất khẩu sang Trung Quốc năm 2020 tăng 126% so với lượng xuất của năm 2019. Lượng xuất trong 9 tháng đầu năm 2021 cao hơn 116% so với tổng lượng xuất của cả năm 2020.

Tại tọa đàm, nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ bày tỏ sự lo ngại khi xuất khẩu mặt hàng ván bóc sang Trung Quốc tăng trưởng mạnh trong thời gian gần đây. Ông Thang văn Thông, Giám đốc Công ty Hào Hưng chuyên sản xuất gỗ dán, cho hay hiện đang có sự cạnh tranh trực tiếp giữa các doanh nhân Trung Quốc và các đơn vị thu mua ván bóc của Việt Nam tại chính thị trường Việt Nam. Mạng lưới thương nhân Trung Quốc hiện đã phủ tới các xưởng ván bóc ở các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Phú Thọ để thu mua nguyên liệu.

“Cứ khi nào thương lái Trung Quốc sang mua hàng là các doanh nghiệp Việt Nam lại bị căng thẳng vì giá sản phẩm tăng cao và các doanh nghiệp Việt khó cạnh tranh để mua được nguyên liệu”, ông Thông phản ánh.

Cơ cấu các sản phẩm gỗ Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc

TS. Tô Xuân Phúc nhận định, hình thức cạnh tranh giúp đẩy giá gỗ nguyên liệu đầu vào và ván bóc lên cao, đem lại lợi ích cho người trồng rừng. Tuy nhiên, cạnh tranh này cũng đặt ra bài toán đối với các đơn vị sản xuất các loại ván của Việt Nam khó thu mua nguyên liệu.

Ông Phúc cho rằng, Việt Nam đang nỗ lực tạo nguồn gỗ rừng trồng là gỗ lớn. Tuy nhiên điều này không đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp chế biến sâu của Việt Nam có thể tiếp cận với nguồn nguyên liệu này trong tương lai.

Trong chính sách nhằm tăng nguyên liệu cho ngành gỗ, Chính phủ áp dụng cả công cụ “củ cà rốt” - với việc đầu tư kinh phí hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn và “cây gậy” là thuế áp dụng đối với mặt hàng dăm và ván bóc xuất khẩu (ở các mức thuế tương ứng là 2% và 10%) nhằm giữ lại gỗ rừng trồng trong nước.  

“Thế nhưng, xuất khẩu ván bóc có nguồn gốc từ gỗ rừng trồng của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh trong những năm gần đây, bấp chấp mức thuế xuất khẩu 10%, cho thấy các công cụ “cây gậy” và “củ cà rốt” của Chính phủ là chưa đủ để có thể đảm bảo nguồn nguyên liệu rừng gỗ lớn được tạo ra trong tương lai sẽ được giữ lại cho chế biến sâu tại Việt Nam”, ông Phúc nhận định.

LO NGẠI GIAN LẬN XUẤT XỨ

Ở chiều ngược lại, 3 mặt hàng từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam tăng nhanh trong thời gian gần đây là gỗ dán, ván lạng và ván sợi. Cụ thể, lượng gỗ dán nhập khẩu tăng từ gần 409.000 m3 năm 2018 lên tới gần 558.000 m3 năm 2020. Lượng nhập 9 tháng năm 2021 cao hơn cả lượng nhập năm 2018.

Đối với mặt hàng ván sợi, lượng năm 9 tháng đầu 2021 đạt gần 344.000 m3, tăng 4,2 lần so với lượng nhập năm 2018. Lượng ván lạng nhập khẩu năm 2020 đạt gần 220.000 m3, tăng 1,6 lần so với lượng nhập năm 2018.

Cơ cấu các sản phẩm gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam

Tương tự như nhóm mặt hàng sản phẩm gỗ, gỗ dán nhập khẩu từ Trung Quốc ẩn chứa rủi ro về gian lận xuất xứ. Từ khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao đối với đồ gỗ Trung Quốc, thì nhiều doanh nghiệp chế biến gỗ của Trung Quốc đã chuyển hướng sang đầu tư vào Việt Nam.

“Đang có nghi ngờ một số doanh nghiệp Trung Quốc gian lận xuất xứ, mượn đường Việt Nam để xuất khẩu gỗ Trung Quốc vào Mỹ để né thuế chống bán phá giá. Chỉ cần Hoa Kỳ phát hiện ra một lô hàng nào trong 7 tỷ USD xuất khẩu gỗ và đồ gỗ của Việt sang Mỹ gian lận xuât xứ thì cả ngành gỗ của Việt Nam sẽ gặp rủi ro rất lớn”, ông Phúc cảnh báo.

Lý giải vì sao gỗ dán Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro vẫn được các doanh nghiệp nhập khẩu nhiều, ông Nguyễn Văn Đông, đại diện Chi hội Gỗ dán Việt Nam cho biết các sản phẩm này của Trung Quốc được quảng bá nhiều hơn, có giá cạnh tranh, hàng đồng đều và dễ gia công hơn nên được các doanh nghiệp lựa chọn.

Dư địa ngành gỗ dán Việt Nam còn nhiều tiềm năng phát triển, vì vậy các doanh nghiệp nên dần có sự chuyển đổi, đầu tư nâng cấp công nghệ sản xuất gỗ dán để đảm bảo phát triển ngành gỗ bền vững.

Ông Nguyễn Văn Đông, đại diện Chi hội Gỗ dán Việt Nam

Bà Nguyễn Phạm Như Hà, Tổng cục Hải quan cho biết Tổng cục Hải quan đã nhận thức được những tiềm ẩn rủi ro từ nhập khẩu nguyên liệu gỗ Trung Quốc. Mỹ đã có nhiều cuộc điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ dán. Vì vậy, Tổng cục Hải quan đã tiến hành các chuyên đề kiểm tra, thanh tra các doanh nghiệp có dấu hiệu nghị vấn tại Bình Dương và Đồng Nai.

“Các doanh nghiệp có vốn đầu tư Trung Quốc ở Việt Nam đang sử dụng hai thủ đoạn gian lận để lợi dụng lấy xuất xứ Việt Nam xuất khẩu hàng đi Hoa Kỳ. Đó là, các doanh nghiệp này nhập khẩu gỗ ván dán từ Trung Quốc sau đó không thực hiện gia công sản phẩm hoặc mua một số thành phần linh kiện từ Trung Quốc lắp ráp thành phẩm lấy xuất xứ Việt Nam và xuất đi”, bà Hà cảnh báo.

Khẳng định nhập khẩu nguyên liệu gỗ là nhu cầu thực sự và chính đáng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Vifores cũng cho rằng, giảm rủi ro về gian lận thương mại trong các mặt hàng gỗ nhập khẩu từ Trung Quốc có vai trò quan trọng nhằm duy trì và phát triển ngành gỗ xuất khẩu của Việt Nam.

“Điều này đòi hỏi sự quan tâm sát sao từ các cơ quan quản lý và thực thi pháp luật, đặc biệt là các cơ quan kiểm soát cửa khẩu. Liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan này với các hiệp hôi gỗ và các bên liên quan khác cho phép định vị được các rủi ro trong các mặt hàng nhập khẩu một cách kịp thời, từ đó đưa các các biện pháp chế tài xử lý phù hợp”, ông Đỗ Xuân Lập nhấn mạnh.

Chu Khôi

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Bộ Tài chính Mỹ: Việt Nam không thao túng tiền tệ (04/12/2021)

>   Hà Nội đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 7% trong năm 2022 (04/12/2021)

>   ‘Ông trùm’ đường dây sản xuất xăng giả Trịnh Sướng chuẩn bị hầu toà (03/12/2021)

>   Đề xuất cho hàng không tư nhân vay 4.000-6.000 tỷ đồng với lãi suất 0% (03/12/2021)

>   TPHCM đặt mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% trong năm 2022 (03/12/2021)

>   Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế có thể kéo dài hơn 2 năm (03/12/2021)

>   Việc mở đường bay quốc tế có thể chậm lại vì biến chủng Omicron (02/12/2021)

>   Bộ Công an: Tập đoàn Vimedimex do bà Nguyễn Thị Loan làm chủ tịch có biểu hiện 'vây thầu' (02/12/2021)

>   FPT đồng hành đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số ngành ngân hàng, giao thông, y tế… (02/12/2021)

>   Vì sao công nghiệp chế biến chế tạo vẫn mãi tụt hậu? (02/12/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật