Chủ tịch UBND H.Bình Chánh: 'Bên kia là đô thị, bên đây chỉ đất nông nghiệp thôi'
Chủ tịch UBND H.Bình Chánh (TP.HCM) trăn trở khi so sánh với những khu vực giáp ranh phát triển đô thị, trong khi địa phương còn bất cập về quy hoạch, chức năng quy hoạch đất nông nghiệp còn hơn 9.400 ha.
Sáng 21.12, Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tổ chức buổi giám sát đối với UBND H.Bình Chánh về việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch. UBND H.Bình Chánh đã báo cáo trước đoàn giám sát về tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch tại địa phương.
Chức năng quy hoạch đất nông nghiệp vẫn còn hơn 9.400 ha
Cụ thể, liên quan Đồ án Quy hoạch chung xây dựng H.Bình Chánh, UBND H.Bình Chánh cho biết, địa phương nằm ở vị trí cửa ngõ, kết nối với các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số tăng trung bình khoảng 30.000 người/năm. Thế nhưng, trong cơ cấu sử dụng đất theo đồ án quy hoạch thì chức năng quy hoạch đất nông nghiệp vẫn còn hơn 9.400 ha.
|
Ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch UBND H.Bình Chánh, phát biểu những tồn tại liên quan quy hoạch ở địa phương. Phạm Thu Ngân
|
Trong khi đó, người dân sử dụng đất có chức năng quy hoạch đất nông nghiệp để sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp, nhỏ lẻ. Chưa kể, đất đai ở nhiều khu vực trên địa bàn huyện (như ở xã Lê Minh xuân, xã Tân Nhựt, xã Bình Lợi, Vĩnh Lộc A...) bị nhiễm phèn, nguồn nước mặt bị ô nhiễm nên việc sản xuất không đạt hiệu quả kinh tế cao.
Tại một số khu vực giáp ranh (như giáp ranh Q.Bình Tân, Q.8, H.Hóc Môn thuộc TP.HCM và H.Đức Hòa, H.Bến Lức, H.Cần Giuộc thuộc tỉnh Long An...) hình thành nhiều dự án dân cư đô thị cùng với các khu công nghiệp với quy mô sản xuất lớn, hoạt động xả thải gây ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước sông, kênh rạch phục vụ cho tưới tiêu sản xuất nông nghiệp.
Ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch UBND H.Bình Chánh, cho hay Đồ án Quy hoạch chung xây dựng H.Bình Chánh được phê duyệt từ 2012 đến nay đã cũ (năm 2003, sau khi chia tách huyện, UBND H.Bình Chánh đã khẩn trương lập Quy hoạch chung xây dựng huyện định hướng đến năm 2020 và đã được UBND TP.HCM phê duyệt Đồ án Quy hoạch năm 2012. Quy hoạch này là cơ sở định hướng không gian đô thị, phát triển đô thị trên địa bàn huyện đến năm 2020), không còn phù hợp để triển khai áp dụng, vì vậy phải xem xét điều chỉnh với định hướng, lộ trình xa hơn, mang tầm chiến lược.
"Liên quan chức năng sử dụng đất trong định hướng quy hoạch thời gian tới, vừa qua, H.Bình Chánh có tổ chức hội thảo tiềm năng phát triển đô thị và định hướng lập quy hoạch xây dựng vùng H.Bình Chánh đến năm 2040. Trong hội thảo, chúng tôi quay clip flycam những vùng giáp ranh địa phương như với H.Hóc Môn, Q.Bình Tân, Q.7 của TP.HCM hay một số nơi của tỉnh Long An... để so sánh, thấy rằng sau bao nhiêu năm tách biệt, huyện cũng không phát triển. Những nơi khác, như Q.Bình Tân, Q.7 sử dụng đất rất hiệu quả, thu ngân sách cao, trong khi, đất của H.Bình Chánh rất rộng, dân số đông nhưng tổng thu ngân sách chưa bằng các quận giáp ranh. Nhìn vào bức tranh, thấy Long An là một đô thị rất phát triển, còn bên đây thì chỉ có đất nông nghiệp thôi", Chủ tịch UBND H.Bình Chánh trăn trở.
Theo ông Vượng, nhu cầu của người dân về xây dựng, giao thông, tái sửa... rất nhiều. Chính vì vậy, H.Bình Chánh yêu cầu được sớm xem xét, điều chỉnh lại cơ cấu sử dụng đất và chức năng sử dụng đất tại các khu vực bất cập nêu trên.
'Nhìn vào bức tranh, thấy Long An là một đô thị rất phát triển, còn bên đây thì chỉ có đất nông nghiệp thôi...'
Ông Đào Gia Vượng, Chủ tịch UBND H.Bình Chánh
|
Lên danh mục 583 dự án cần đầu tư với tổng kinh phí 50.000 tỉ đồng
Tại buổi giám sát, các đại biểu Quốc hội và HĐND TP.HCM cũng đặt nhiều câu hỏi và thảo luận vấn đề về quy hoạch khu dân cư xây mới chậm triển khai; tại các khu vực vùng ven, nhiều nhà đầu tư làm dự án để thu lợi, ảnh hưởng đến giao thông đi lại, cuộc sống, quyền lợi người dân...
Ông Đào Gia Vượng cho hay: "Các đại biểu cho ý kiến về việc để H.Bình Chánh lên thành phố, lên quận, hay muốn phát triển thì phải quan tâm hạ tầng, đầu tư công. Liên quan việc này, tôi cũng làm việc với các phòng, ban, đơn vị lên danh mục sẽ đầu tư 583 dự án trong 5 - 10 năm tới với tổng mức đầu tư 50.000 tỉ đồng. Chúng tôi đưa lên con số này để thấy nhu cầu của huyện rất lớn, TP.HCM duyệt được bao nhiêu, còn lại huyện sẽ xin chủ trương để huy động nguồn lực xã hội hóa để đầu tư cho dự án này", ông Vượng nói.
Lãnh đạo H.Bình Chánh cũng đề xuất cho phép thí điểm thành lập trung tâm phát triển quỹ đất trực thuộc huyện có chức năng bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch, trên cơ sở đó để đấu giá, dùng tiền để tái đầu tư.
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa nêu vấn đề về tình hình xây dựng trái phép, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân, nhất là dân nhập cư. Phạm Thu Ngân
|
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho hay quy hoạch của H.Bình Chánh chậm, lạc hậu so với sự phát triển; các loại quy hoạch còn chồng chéo, xung đột lẫn nhau... Đại biểu Nghĩa đặt câu hỏi địa phương có giải pháp gì khi gần đây nổi lên tình hình xây dựng trái phép vốn cũng từ hạn chế, tồn tại từ quy hoạch. Người dân, nhất là dân nhập cư, rất khổ sở khi mua một miếng đất không hợp pháp, khi vỡ lẽ thì đối tượng đã biến mất.
Liên quan vấn đề này, Chủ tịch UBND H.Bình Chánh cho hay hiện nay, công tác quản lý đất đai xây dựng trên địa bàn cơ bản kiểm soát được. Số lượng vi phạm xây dựng xảy ra trong năm 2021 là 17 trường hợp, giảm 38 trường hợp so với cùng kỳ (giảm 69%) năm 2020.
"Trong thời gian qua, chúng tôi cố gắng kiểm soát tình hình xây dựng trên địa bàn, yêu cầu lãnh đạo xã báo cáo các công trình xây dựng (có phép, không phép, sửa chữa) hằng ngày trên đầu việc, từ đó, lãnh đạo huyện sẽ đối chiếu danh sách, kiểm tra ngẫu nhiên, đánh giá tính trung thực của cơ sở, cũng như giải quyết những phản ánh của người dân", ông Đào Gia Vượng nói.
Quy hoạch của H.Bình Chánh chậm, lạc hậu so với sự phát triển; các loại quy hoạch còn chồng chéo, xung đột lẫn nhau...
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa
|
Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, đề nghị qua 2 năm phòng chống dịch Covid-19 vừa qua, những vấn đề liên quan đến thiết chế y tế, nhà ở công nhân, nhà trọ trên địa bàn cần được H.Bình Chánh xét phù hợp đưa vào những quy hoạch đất, quy hoạch chung, đặc thù với địa lý của địa phương.
"H.Bình Chánh cũng cần tiếp tục phát huy sự hợp tác, hỗ trợ với Ban quản lý khu Nam, sở ngành thường xuyên để giải quyết vướng mắc liên quan; tiến hành kiểm tra, hỗ trợ các nhà đầu tư cho các dự án nhà ở kết hợp với hạ tầng, công trình công cộng; ứng dụng công nghệ để quản lý công trình xây dựng trên địa bàn...", ông Thắng nói.
Phạm Thu Ngân
Thanh niên
|