Chủ Nhật, 28/11/2021 09:00

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa tư bản vô hình

Nền kinh tế số hóa, phi vật chất hóa, dựa trên tri thức đã và đang ngày một mở rộng, đồng thời nó có thể đem lại giá trị to lớn cho chúng ta. Thách thức đối với các doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách là quản lý quá trình chuyển đổi theo cách có lợi cho phần đông mọi người chứ không chỉ giúp ích một nhóm nhỏ.

* Bài viết thể hiện quan điểm của Eric Hazan, Jonathan Haskel Và Stian Westlake

Đầu tư vào tài sản vô hình tăng mạnh

Vào năm 2014, nhà kinh tế học đoạt giải Nobel Joseph E. Stiglitz và Bruce C. Greenwald đã lập luận rằng tài sản quý giá nhất mà một xã hội sở hữu là khả năng học hỏi. Ngày nay, chúng ta có thể thấy “xã hội học tập” không chỉ đóng vai trò tạo lập mà còn là động lực thúc đẩy nền kinh tế của chúng ta.

Từ thế kỷ 19 cho đến cuối thế kỷ 20, các doanh nghiệp chủ yếu đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật chất và máy móc, từ đường sắt đến phương tiện giao thông. Nhưng trong khoảng 25 năm qua, đầu tư vào tài sản vô hình - tài sản trí tuệ, nghiên cứu, phần mềm và kỹ năng quản lý - đã tăng vọt. Nghiên cứu gần đây của McKinsey Global Institute (MGI) cho thấy, vào năm 2019, đầu tư vào tài sản vô hình chiếm 40% tổng vốn đầu tư vào Hoa Kỳ và mười nền kinh tế lớn nhất châu Âu, tăng 29% so với năm 1995. Đầu tư vào tài sản vô hình tiếp tục tăng mạnh vào năm 2020 khi quá trình số hóa được tăng tốc để đối phó với đại dịch COVID-19.

Xu hướng này cho thấy sự xuất hiện của một mô hình chủ nghĩa tư bản mới, trong đó thành công của các công ty sẽ được đo lường bởi con người và năng lực của họ hơn là máy móc, sản phẩm hoặc dịch vụ được tạo ra. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển này là không thể thay đổi. Các công ty lớn như Amazon, Apple, Facebook và Microsoft trong thời gian qua đã và đang mở rộng quy mô đáng kể và đạt được tốc độ phát triển vượt bậc.

Các nền kinh tế đẩy mạnh đầu tư vào tài sản vô hình cũng đang ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ về năng suất. Đáng chú ý, những công ty có thể duy trì tốc độ tăng trưởng sau khi đại dịch COVID-19 xuất hiện đều là những công ty đã đầu tư toàn diện để cải thiện các yếu tố vô hình: khả năng sáng tạo, cơ sở dữ liệu, trung tâm phân tích, nguồn nhân lực và thương hiệu.

Trong một thế giới phi vật chất hóa, số hóa, dựa trên tri thức thì lợi nhuận của doanh nghiệp, năng suất và tăng trưởng kinh tế sẽ ngày càng gắn liền với những tài sản đó. Nhưng việc phát huy hết những giá trị thực của chúng không chỉ đòi hỏi đầu tư mà còn phải phát triển các kỹ năng và khả năng quản lý phù hợp để sử dụng chúng một cách hiệu quả. Một cuộc khảo sát của MGI với hơn 860 giám đốc điều hành chỉ ra rằng, sự khác biệt lớn giữa các công ty tăng trưởng nhanh và chậm, là trước đây, các công ty không chỉ đầu tư nhiều hơn vào tài sản vô hình và đề cao tầm quan trọng của chúng trong việc thúc đẩy lợi thế cạnh tranh, mà còn tập trung vào việc triển khai chúng một cách hiệu quả.

Thiếu kiến thức và kỹ năng về công nghệ là một bất lợi lớn

Tiền đầu tư vào tài sản vô hình ngày càng tăng mạnh đã kéo theo yêu cầu về kỹ năng và năng lực cấp thiết hơn bao giờ hết. Hình thức chủ nghĩa tư bản mới đang xuất hiện này có tiềm năng rất lớn đối với những người có trình độ cao cùng với những kỹ năng mang nhiều tính ứng dụng. Ngược lại, những người thiếu kiến thức và kỹ năng về công nghệ lại gặp bất lợi lớn. Các công ty thiếu nguồn lực để thực hiện các khoản đầu tư cần thiết vào tài sản vô hình cũng có thể bị tụt lại phía sau. Nền kinh tế phi vật chất hóa, nếu không được quản lý tốt, có thể tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến sự bất bình đẳng trong xã hội càng trở nên sâu sắc hơn.

Nghiên cứu trước đây của MGI cho thấy đặc điểm nổi bật chính của các công ty “siêu sao” là đầu tư vào tài sản vô hình, bao gồm chi tiêu quy mô lớn để nâng cao kỹ năng và năng lực cho chính nhân viên của họ. Ví dụ, năm 2019, Amazon đã công bố kế hoạch chi 700 triệu USD trong sáu năm để đào tạo lại 100,000 nhân viên. Những gã khổng lồ công nghệ khác, bao gồm cả Google và IBM, cũng có các kế hoạch tương tự.

Nhưng sự tập trung tỷ trọng doanh thu và lợi nhuận của thị trường về tay của số ít các công ty thành công, có nguy cơ nới rộng chênh lệch thu nhập và tài sản trong xã hội. Các công ty “siêu sao” đầu tư mạnh cho các yếu tố vô hình có xu hướng sử dụng ít nhân viên hơn, thay vào đó là tập trung thuê những người làm việc năng suất hơn bằng cách tuyển những người có kỹ năng cao hơn và trả cho họ mức lương tốt hơn. Nếu những công ty “siêu sao” này phát triển hơn nữa xu hướng trên thì tỷ lệ thu nhập lao động trên tổng thu nhập quốc gia - tỷ lệ phần trăm trả cho người lao động - có thể giảm nhiều hơn nữa.

Điều này không có nghĩa là các công ty thành công dựa trên nền tảng các yếu tố vô hình nên bị hạn chế mở rộng hoặc bị giới hạn trong việc đẩy mạnh chương trình đào tạo nhân lực trong nội bộ công ty. Những công ty kiểu như vậy là nguồn lực quan trọng cho quá trình đổi mới và cải thiện năng suất lao động; là nơi thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư vào những giá trị vô hình tương tự. Thay vào đó, các công ty và chính phủ nên cố gắng hết sức trong khả năng cho phép để làm rõ những kỹ năng nào là cần thiết và sẽ đem đến cơ hội người lao động và cũng như doanh nghiệp trong nền kinh tế kỹ thuật số.

Chúng ta đang nói đến một lượng giá trị khổng lồ có thể được tạo ra nhờ vào hướng phát triển này. Với bằng chứng ngày càng tăng về mối tương quan giữa đầu tư tài sản vô hình và tăng trưởng kinh tế (GVA growth), các giám đốc điều hành và nhà hoạch định chính sách nên tự hỏi mình cần phải làm gì để nhận được lợi ích từ những giá trị vô hình đấy. Nếu có thêm 10% công ty đạt được cùng một tỷ lệ đầu tư vào tài sản vô hình và tăng trưởng kinh tế như những công ty hàng đầu thì điều này có thể tạo ra thêm 1,000 tỷ USD tăng trưởng hoặc tăng trưởng 2.7% trên nhiều lĩnh vực trong các nền kinh tế OECD.

Các chính phủ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc đào tạo lại những kỹ năng then chốt cho người lao động và đảm bảo rằng doanh nghiệp có cơ sở hạ tầng tri thức phù hợp để phát triển. Điều đó có nghĩa là tập trung vào giáo dục, internet, công nghệ truyền thông, quy hoạch đô thị và chi tiêu cho nghiên cứu khoa học.

Nền kinh tế số hóa, phi vật chất hóa đã đang ở đây với chúng ta và sự mở rộng của nó là điều không thể ngăn cản lại được. Thách thức lại nằm ở khả năng quản lý quá trình chuyển đổi số theo cách có lợi cho phần đông dân số chứ không chỉ tập trung vào một số ít cá nhân trong xã hội.

Giới thiệu về tác giả

Eric Hazan tốt nghiệp bằng thạc sĩ khoa học về quản lý tại HEC Paris, nơi ông là giáo sư về chiến lược kinh doanh.

Ông bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực tiếp thị và bán hàng tiêu dùng tại Kraft Jacobs Suchard và tại Danone. Ngoài ra, ông cũng từng là đối tác cấp cao tại Arthur D. Little với việc điều hành lĩnh vực TIME (viễn thông, Internet, truyền thông và giải trí) toàn cầu và thói quen tiêu dùng.

Hiện tại, ông đang là đối tác quản lý của McKinsey & Company và là thành viên của Hội đồng Viện toàn cầu McKinsey (McKinsey Global Institute Council-MGI), chuyên tư vấn về nghiên cứu kinh doanh, kinh tế và công nghệ của MGI. Bên cạnh đó, ông cũng là đối tác quản lý của Marketing & Sales Practicecủa ở Tây Âu.

Nguồn: Mckinsey

Jonathan Haskel tốt nghiệp Cử nhân tại Đại học Bristol và Tiến sĩ tại Trường Kinh tế London. Hiện ông là Giáo sư Kinh tế tại trường kinh doanh Imperial College và Đại học Hoàng gia London.

Ngoài ra, ông từng là Giáo sư và Trưởng Bộ môn tại Khoa Kinh tế, Queen Mary, Đại học London. Ông cũng đã giảng dạy tại Đại học Bristol và Trường Kinh doanh London và là giáo sư thỉnh giảng tại Trường Kinh doanh Tuck, Cao đẳng Dartmouth, Hoa Kỳ; Trường Kinh doanh Stern, Đại học New York, Hoa Kỳ; và thăm nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Úc.

Kể từ ngày 1 tháng 2 năm 2016, ông là Giám đốc không điều hành của Cơ quan Thống kê Vương quốc Anh.

Ông từng là thành viên ban biên tập của Economica, Tạp chí Kinh tế Công nghiệp và Chính sách Kinh tế. Cùng với Stian Westlake, ông cho ra mắt cuốn Capitalism Without Capital, xuất bản Đại học Princeton.

Nguồn: Bank of England

Stian Westlake tốt nghiệp tại Đại học Oxford, Đại học Harvard và Trường Kinh doanh London.

Ông từng làm việc trong lĩnh vực đầu tư cộng đồng tại The Young Foundation, với tư cách là cố vấn tại McKinsey & Company ở Thung lũng Silicon và London (nơi công việc của ông tập trung vào chăm sóc sức khỏe, cổ phần tư nhân và cơ sở hạ tầng), đồng thời là cố vấn chính sách tại HM Treasury. Ông cũng thành lập Healthy Incentives, một doanh nghiệp xã hội chăm sóc sức khỏe.

Hiện ông là Giám đốc Điều hành Chính sách và Nghiên cứu tại Nesta. Nghiên cứu của ông bao gồm việc đo lường sự đổi mới và tác động của nó đối với năng suất, vai trò của các doanh nghiệp tăng trưởng cao trong nền kinh tế, đổi mới tài chính và cách chính sách của chính phủ nên phản ứng với sự thay đổi công nghệ.

Nguồn: Nesta

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI

Các tin tức khác

>   Thua lỗ khiến các chuỗi bán lẻ Hàn Quốc thu hẹp quy mô kinh doanh ở ASEAN (17/11/2021)

>   Tổng thống Biden sắp công bố quyết định về vị trí Chủ tịch Fed trong tuần này (17/11/2021)

>   Trung Quốc sẵn sàng trả giá để hạ nhiệt thị trường nhà đất (17/11/2021)

>   Trung Quốc thành nước giàu nhất thế giới (16/11/2021)

>   Doanh nghiệp Mỹ đau đầu vì tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng (16/11/2021)

>   Bộ trưởng Thương mại Mỹ: Mỹ sẽ không tham gia CPTPP (16/11/2021)

>   Tình trạng thiếu chip có thể kéo dài tới năm 2023? (16/11/2021)

>   Kinh tế tăng trưởng âm, Chính phủ Nhật lại tính phát tiền mặt cho dân (16/11/2021)

>   Tổng thống Biden ký thông qua gói kích thích cơ sở hạ tầng 1,200 tỷ USD (16/11/2021)

>   Lý do giá cả tại Mỹ tăng mạnh nhất trong vòng 30 năm (16/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật