Thứ Ba, 16/11/2021 10:11

Lý do giá cả tại Mỹ tăng mạnh nhất trong vòng 30 năm

Nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ bật tăng mạnh mẽ sau khi chạm đáy trong thời kỳ đại dịch. Tuy nhiên, nguồn cung không thể phục hồi với tốc độ tương tự.

Lạm phát cao đang ăn mòn túi tiền của các hộ gia đình Mỹ. Số liệu được Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 10/11 cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng 6,2% trong tháng 10 so với năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ năm 1990.

CPI lõi - loại trừ giá thực phẩm và nhiên liệu - tăng 4,6% so với năm ngoái, mức cao nhất kể từ tháng 8/1991. Chỉ riêng giá xăng đã tăng 12,3% trong tháng trước, đóng góp vào hơn 50% mức tăng chung. Giá xe và thực phẩm cũng vọt lên mạnh.

Giá hàng tạp hóa đã tăng 5,4% trong năm qua, đánh dấu một trong những mức tăng lớn nhất trong vòng 2 thập kỷ. Câu hỏi đặt ra là vì sao giá hàng hóa tăng chóng mặt. Theo CNN, vào mùa xuân năm 2020, dịch Covid-19 lan rộng và kéo tụt nền kinh tế toàn cầu.

Lạm phát ảnh 1

Chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ tăng cao nhất trong vòng 30 năm qua. Ảnh: Reuters.

Phục hồi mạnh mẽ

Các nhà máy trên khắp thế giới phải dừng hoạt động, mọi người bị mắc kẹt trong nhà, nhà hàng phải đóng cửa và máy bay không được bay. Hàng triệu người mất việc. Tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng vọt từ 3,5% vào tháng 2/2020 lên 15%.

Nhưng đến đầu mùa hè năm nay, nhu cầu đã trở lại. Quốc hội Mỹ và Tổng thống Joe Biden thông qua dự luật kích thích trị giá 1.900 tỷ USD. Tiền mặt và trợ cấp thất nghiệp chảy vào túi tiền của người Mỹ.

Mọi người bắt đầu mua sắm, đẩy nhu cầu từ 0 lên 100. Nhưng nguồn cung không dễ dàng trở lại như vậy. "Khi các vị 'tắt công tắc' nền kinh tế toàn cầu, các vị không thể đơn giản bật lại và mong nó trở về tốc độ trước đây", CNN nhận định.

Chẳng hạn, các nhà sản xuất ôtô đã bị giáng đòn nặng vì đại dịch. Bất cứ doanh nghiệp thông minh nào cũng sẽ tạm thời đóng cửa và cố gắng giảm thiểu thiệt hại.

Lạm phát ảnh 2

Các gói kích thích kinh tế giúp nhu cầu phục hồi trở lại. Ảnh: Reuters.

Các nhà máy sản xuất ôtô bị đóng cửa, nhưng đại dịch lại thúc đẩy nhu cầu ôtô, bởi người tiêu dùng lo ngại về việc lây nhiễm virus trên những phương tiện giao thông công cộng và tránh đi máy bay.

Trong khi đó, việc sản xuất ôtô đòi hỏi một lượng lớn bộ phận, đến từ vô số các nhà máy khác nhau trên thế giới. Không dễ dàng để vừa duy trì hoạt động của những nhà máy này, vừa đảm bảo sức khỏe của người lao động.

"Các nhà kinh tế học thường mô tả lạm phát là hiện tượng quá nhiều tiền sẵn sàng chi ra để đổi lấy số lượng nhỏ hàng hóa. Đó chính xác là những gì xảy ra với ôtô", CNN nhận định.

Nút thắt cổ chai

Cùng với đó là các "nút thắt cổ chai" trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhu cầu tăng cao, nguồn cung hạn chế và sự đình trệ trong sản xuất đã đẩy giá cả tăng phi mã.

Tất cả ôtô hiện đại đều phụ thuộc vào nhiều loại chip máy tính. Những con chip đó cũng được sử dụng trong điện thoại di động, thiết bị gia dụng, TV, máy tính xách tay và nhiều mặt hàng khác. Tất cả đều chứng kiến nhu cầu tăng vọt.

Nguồn cung xe mới khan hiếm cũng đẩy giá ôtô đã qua sử dụng tăng vọt, khiến lạm phát gia tăng hơn nữa. Theo CNN, một số chủ sở hữu ôtô đã có thể bán chiếc xe đã qua sử dụng với giá cao hơn giá mua mới cách đây 1-2 năm.

Consumer Sentiment Index (chỉ số tâm lý người tiêu dùng) - do Đại học Michigan khảo sát - đã giảm xuống 66,8 trong tháng 11 vì lạm phát kỷ lục. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 11/2011 và thấp hơn nhiều so với ước tính của Dow Jones (72,5).

Lạm phát làm tổn hại đến túi tiền của người Mỹ. Việc đảo ngược xu hướng này là ưu tiên hàng đầu đối với tôi.

Tổng thống Mỹ Joe Biden

Người tiêu dùng đang e ngại rủi ro lạm phát. Cùng với đó là sự thiếu niềm tin vào các hành động phù hợp của những nhà hoạch định chính sách Mỹ.

Các nhà kinh tế cho rằng giá cả và tiền lương sẽ cùng tăng trong năm 2022. Nhưng khó có thể dự đoán đà tăng mạnh thế nào và kéo dài trong bao lâu.

Ưu tiên hàng đầu của các nhà hoạch định chính sách là gỡ các "nút thắt cổ chai" của chuỗi cung ứng, nhằm vận chuyển và phân phối hàng hóa với tốc độ như trước đại dịch. Nhưng bất cứ cú sốc nào cũng có thể cản trở quá trình phục hồi.

Các nhà kinh tế kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt chính sách tiền tệ thông qua tăng lãi suất và thu hẹp những gói kích thích kinh tế khẩn cấp, từ đó làm giảm tỷ lệ lạm phát.

Hôm 10/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đang thực hiện các bước để kìm hãm lạm phát. "Lạm phát làm tổn hại đến túi tiền của người Mỹ. Việc đảo ngược xu hướng này là ưu tiên hàng đầu đối với tôi", ông nhấn mạnh.

Nhưng nhu cầu đối với hàng hóa có thể giảm xuống khi các gói kích thích kinh tế giảm dần, hoặc những lo ngại về điều kiện tài chính thắt chặt hơn làm xói mòn niềm tin của người tiêu dùng.

Thảo Phương

ZING

Các tin tức khác

>   Lý do biến chủng Delta trỗi dậy ở nhiều khu vực của Mỹ (16/11/2021)

>   Người Hàn Quốc giàu lên nhờ đầu tư chứng khoán và bất động sản (15/11/2021)

>   Bà Yellen: Lạm phát còn cao chừng nào chưa kiểm soát được Covid-19 (15/11/2021)

>   Hàng không châu Á bị chính sách phòng chống Covid cản đường hồi phục (15/11/2021)

>   Vì sao nhiều 'ông lớn' đang tách nhỏ ra? (15/11/2021)

>   Lạm phát leo thang thách thức chính sách kinh tế của Tổng thống Biden (13/11/2021)

>   Vì sao giới đầu tư lo ngại về lạm phát? (13/11/2021)

>   Huyền thoại đầu tư Ray Dalio: "Giá trị danh mục đầu tư tăng không có nghĩa bạn đang giàu hơn" (12/11/2021)

>   Vắng khách Trung Quốc, ngành du lịch các nước thiệt hại doanh thu thế nào? (11/11/2021)

>   Lễ Độc thân 11/11 ảm đạm của Trung Quốc (11/11/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật