Doanh nghiệp Mỹ đau đầu vì tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng
Khi nào thì những rối loạn về chuỗi cung ứng mới thật sự chấm dứt? Đó là một câu hỏi quan trọng đối với các nhà bán lẻ cũng như các nhà sản xuất khi đưa ra chiến lược chi tiêu vốn, mua hàng và sản xuất cho năm tới.
Những nhận định từ các nhà điều hành doanh nghiệp tại các sự kiện công bố kết quả hàng quý và những cuộc phỏng vấn với các chuyên gia hậu cần cho thấy họ kỳ vọng tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng sẽ sang năm 2022, thậm chí xa hơn nữa.
Nhiều công ty cho rằng chính những hạn chế về chuỗi cung ứng đã tác động tiêu cực đến lợi nhuận. Ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy nhiều vấn đề đang ảnh hưởng đến nền kinh tế trên diện rộng. Đó là tình trạng tắc nghẽn ở cảng biển, khó khăn trong việc tìm kiếm tài xế xe tải, việc chậm giao hàng từ nhà cung cấp và chi phí nguyên liệu, linh kiện, như chất bán dẫn, tăng cao.
Các công ty như Clorox, Majestic Steel USA, nhà sản xuất máy nước nóng A.O. Smith và nhà bán lẻ quần áo Under Armour đang thực hiện những thay đổi trong hoạt động và nguồn cung để vượt qua được những bế tắc hiện tại. Điều này báo hiệu rằng việc áp dụng biện pháp tạm thời nhằm ứng phó với sự thiếu hụt nguyên vật liệu và tình trạng tắc nghẽn trong hoạt động vận tải đang được thực hiện song song với các nghiệp vụ hiện tại.
Tarek A. Robbiati, Giám đốc tài chính của Công ty công nghệ thông tin Hewlett Packard Enterprise, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy căng thẳng trong chuỗi cung ứng sẽ tiếp tục tồn tại trên thị trường cho đến nửa cuối năm 2022 rồi mới lắng dịu”.
Công ty Under Armour cho biết họ đã hạn chế số lượng đặt hàng cho mùa xuân và mùa hè năm 2022. Ông David Bergman, Giám đốc tài chính của công ty, cho biết: “Chúng tôi đang áp dụng các biện pháp phòng ngừa để vượt qua tình trạng bất ổn và sự gián đoạn kinh doanh có thể xảy ra trong nửa đầu năm 2022”.
Các nhà cung cấp hàng tiêu dùng đã cắt giảm nhiều dòng sản phẩm để đơn giản hóa quá trình sản xuất và duy trì sự lưu thông hàng hóa. Họ cũng đang mở rộng các nguồn cung nguyên vật liệu. Nhiều nhà sản xuất công nghiệp lớn hơn đang thiết lập lại các dây chuyền lắp ráp để chúng có khả năng chống chọi tốt hơn với tình trạng ngừng hoạt động. Một số công ty trong lĩnh vực ô tô cho biết hiện họ kỳ vọng tình trạng thiếu hụt chip sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất cho đến năm 2022.
“Ford Motor đang thiết kế khá nhiều linh kiện thay thế và đảm bảo công ty có đa dạng nguồn cung linh kiện”, ông Hau Thai-Tang, Trưởng bộ phận thiết sản phẩm và trưởng phòng hoạt động của hãng ô tô này, cho biết.
Các chuyên gia hậu cần cho rằng do bản chất liên kết với nhau của các chuỗi cung ứng nên khó có thể áp dụng một biện pháp khắc phục nhanh để khôi phục sự lưu thông hàng hóa ổn định trong nền kinh tế toàn cầu.
Bà Sarah Banks, Trưởng bộ phận vận tải hàng hóa và hậu cần tại Công ty tư vấn Accenture PLC cho rằng: “Chúng tôi đã và đang nhận thấy không có sự cải thiện nào cho đến cuối năm 2022. Dù có một số dấu hiệu tích cực nhưng vẫn còn phải suy đoán chúng ta sẽ phải đối mặt với tình huống này trong bao lâu”.
Theo bà Banks, việc tháo gỡ những khó khăn của chuỗi cung ứng sẽ phụ thuộc ít nhất một phần vào việc giải quyết tác động của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế và tình hình hoạt động từ các nhà máy đến các bến cảng.
Bà nói: “Có những câu hỏi kinh tế lớn hơn ảnh hưởng đến cung và cầu. Chỉ đến khi chúng ta thấy rõ cách chúng ta sống với Covid-19 như thế nào thì mới biết được chuỗi cung ứng sẽ ra sao”.
Lisa Ellram, Giáo sư quản lý chuỗi cung ứng của Trường Miami University Farmer School of Business tại Oxford, Ohio, cho rằng các hoạt động của chuỗi cung ứng có thể gần trở lại bình thường vào mùa thu năm tới.
Các công ty trong chuỗi cung ứng cho rằng tình trạng tắc nghẽn sẽ vẫn diễn ra cho đến khi có đủ công nhân cho các hoạt động vận tải, cảng và kho.
“Tôi sẽ không cố gắng dự đoán thời điểm và cách thức chấm dứt vấn đề này. Tôi tin rằng nó sẽ kéo dài thêm một thời gian nữa,” Bob Biesterfeld, Giám đốc điều hành của Công ty C.H. Robinson Worldwide, nói.
Khai Tâm (Theo Wall Street Journal)
FILI
|