Kinh tế tăng trưởng âm, Chính phủ Nhật lại tính phát tiền mặt cho dân
Nền kinh tế Nhật Bản suy giảm trong quý 3 vừa qua do xuất khẩu sụt giảm vì tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, và do tiêu dùng của người dân yếu đi khi nước này phải áp tình trạng khẩn cấp để chống dịch Covid-19 bùng phát...
Một khu mua sắm ở Kyoto, Nhật Bản trong tháng 10 - Ảnh: Getty/WSJ.
|
Theo tờ Wall Street Journal, sự suy giảm này có thể thúc đẩy kế hoạch của Thủ tướng Fumio Kishida về phát tiền mặt trợ cấp cho các hộ gia đình để kích cầu nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế dự báo nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ tăng trưởng dương trở lại trong quý 4.
Nếu so với quý 3, kinh tế Nhật Bản suy giảm 0,8%, sau khi đạt mức tăng trưởng 0,4% trong quý 2. Nếu tính cả năm (annualized - phản ánh mức tăng của cả năm nếu xu hướng của kỳ báo cáo diễn ra trong cả 4 quý của năm), tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này giảm 3%.
Tốc độ tăng trưởng hàng năm (annualized) của kinh tế Nhật Bản qua các quý.
|
Một số nền kinh tế lớn của thế giới, bao gồm Mỹ và Trung Quốc, đã phục hồi mạnh từ đáy sâu do đại dịch Covid-19 gây ra, nhờ đó đạt quy mô lớn hơn cả thời điểm trước đại dịch. Tuy nhiên, số liệu công bố ngày 15/11 cho thấy GDP của Nhật Bản hiện vẫn đang thấp hơn so với vào quý 4/2019, thời điểm trước khi Covid lây lan khắp toàn cầu.
“Kết quả rất yếu của GDP quý 3 làm gia tăng khả năng Chính phủ sẽ mở rộng quy mô của gói kích thích kinh tế”, chuyên gia kinh tế Takuji Aida của Okasan Securities nhận định.
Tuần trước, Thủ tướng Kishida cho biết ông có ý định thúc đẩy một kế hoạch ngân sách bổ sung trong thời gian còn lại của năm nay. Kế hoạch này bao gồm phát tiền mặt và phiếu mua hàng giảm giá (voucher) trị giá tổng cộng gần 900 USD mỗi trẻ em cho các hộ gia đình, đồng thời trợ cấp thêm tiền mặt cho các hộ thuộc diện nghèo. Ông Kishida cũng nói tổng trị giá của gói kích cầu này sẽ lên tới hàng trăm tỷ USD.
Nhiều nhà bình luận ở Nhật Bản cho rằng ông Kishida đang ném tiền giải quyết vấn đề tăng trưởng kinh tế ì ạch mà không có một định hướng cụ thể nào. Tuy nhiên, Nhật Bản có nhiều dư địa hơn hầu hết các quốc gia khác trong việc tăng chi tiêu chính phủ, bởi lạm phát ở nước này vẫn đang ở gần ngưỡng 0.
Tại Mỹ, lạm phát đã vượt mốc 6% trong tháng 10, khiến kế hoạch chi tiêu hơn 2 nghìn tỷ USD của chính quyền Tổng thống Joe Biden cho phúc lợi xã hội và chống biến đổi khí hậu vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ.
Ông Aida nhận định nền kinh tế Nhật Bản có thể phục hồi về mức trước đại dịch vào giữa năm 2022 nếu gói kích cầu của Thủ tướng Kishida đủ lớn.
Trong quý 3, các hãng sản xuất ô tô Nhật Bản phải cắt giảm sản lượng do thiếu con chip và các linh kiện khác. Cuộc khủng hoảng thiếu con chip của ngành công nghiệp ô tô toàn cầu diễn ra nghiêm trọng trong quý, khi các nước châu Á như Malaysia phải áp dụng các biện pháp phong toả và giãn cách nghiêm ngặt để chống làn sóng Covid do biến chủng Delta gây ra.
Xuất khẩu, đầu tàu cho sự phục hồi kinh tế Nhật Bản từ đại dịch, giảm 2,1% trong quý 3 so với quý 2. Tiêu dùng tư nhân giảm 1,1%, phản ánh sự sụt giảm mạnh mẽ của doanh số bán ô tô mới và xu hướng giảm của lĩnh vực dịch vụ trong đại dịch.
Các thành phố lớn của Nhật Bản đã ở trong tình trạng khẩn cấp trong phần lớn thời gian của quý 3, gây hạn chế chi tiêu vào các nhà hàng và du lịch. Thế vận hội mùa hè Tokyo, diễn ra từ ngày 23/7-8/8, không thể kích cầu vì khán giả không được vào sân xem các trận đấu.
Tuy nhiên, tình hình đang dần được cải thiện. Hãng xe Toyota cho biết có kế hoạch nối lại hoạt động của tất cả các dây chuyền sản xuất ở Nhật Bản trong tháng 12 năm nay, đánh dấu lần đầu tiên trong 7 tháng qua các nhà máy trong nước của hãng hoạt động bình thường.
Hôm thứ Hai, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda nói rằng các nút thắt chuỗi cung ứng có thể được giải quyết trong mấy tháng tới, vì làn sóng Covid đã dịu đi ở khu vực Đông Nam Á.
Tình trạng khẩn cấp đã bắt đầu được gỡ ở Nhật Bản từ đầu quý này, cho phép các nhà hàng được mở cửa đến đêm muộn và các sự kiện được tổ chức trở lại. Số ca nhiễm mới Covid ở Nhật hiện đã giảm 99% so với mức đỉnh, và 3/4 dân số nước này hiện đã được tiêm đủ vaccine.
Chuyên gia kinh tế Taro Saito thuộc NLI Research Institute dự báo kinh tế Nhật Bản đạt mức tăng trưởng cả năm 7% trong quý 4. Tuy nhiên, ông Saito cũng cho rằng nền kinh tế có thể suy giảm trở lại vào đầu năm 2022 nếu số ca nhiễm Covid mới lại gia tăng trong mùa đông, buộc Chính phủ phải tái áp các hạn chế chống dịch.
An Huy
VnEconomy
|