Những trăn trở của doanh nghiệp khi mở cửa
Mở cửa trở lại nền kinh tế là điều DN nào cũng mong mỏi. Mỗi DN cũng đang chuẩn bị những kế hoạch thích hợp cho giai đoạn bình thường mới. Thế nhưng vẫn còn nhiều trăn trở vì có những điều tự thân DN không thể giải quyết được.
Lao động là vấn đề đáng quan ngại nhất khi doanh nghiệp trở lại hoạt động bình thường.
|
Lo thiếu lao động, vướng hướng dẫn y tế
Thiếu lao động đang được các DN nhắc đến nhiều nhất khi TPHCM mở cửa trở lại nền kinh tế, nhất là với những ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ...
Chỉ tính riêng ngành sản xuất đồ gỗ, theo tính toán ban đầu của Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (HAWA), khả năng tuyển lại 60-70% lao động hết sức khó khăn.
Những lao động đã về quê sẽ không thể trở lại nhà máy 100%, một phần vì tâm lý còn bất an chưa biết khi quay trở lại đã ổn định để làm việc hay chưa.
Quan trọng hơn, để quay trở lại làm việc tại các nhà máy người lao động cần đáp ứng một số yêu cầu nhất định, trong đó có yêu cầu về tiêm ngừa vaccine Covid-19.
Cụ thể, ngày 24-9, Sở GTVT đã trình UBND TPHCM phương án đón người lao động tại các tỉnh/thành. Để trở lại, người lao động phải đáp ứng các điều kiện, như phải có kế hoạch làm việc được DN, hợp tác xã có văn bản xác nhận hoặc gửi thông báo, đã được tiêm vaccine mũi 1 đủ 14 ngày, hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 có xác nhận của cơ quan y tế.
Hiện nay tỷ lệ tiêm chủng vaccine mũi 1 ở nhiều tỉnh còn thấp, có nghĩa không ít công nhân chưa được tiêm mũi 1. Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch HAWA, đề xuất TPHCM nên hợp tác với các tỉnh về vấn đề vaccine liên tỉnh để có thể tiêm cho công nhân ngay khi về TP hoặc có phương án phù hợp hơn, nhưng tất cả cần được tính toán sớm để hỗ trợ DN trong vấn đề tuyển lao động trở lại làm việc.
Bên cạnh nỗi lo thiếu lao động, các hướng dẫn về y tế liên quan đến công tác phòng chống dịch tại các nhà máy, xí nghiệp cũng được các DN hết sức quan tâm trong giai đoạn bình thường mới.
Theo thông báo mới nhất của ngành y tế thì các doanh nghiệp sẽ không phải xét nghiệm toàn bộ người lao động định kỳ 3 ngày hay 7 ngày/lần mà chuyển sang chỉ xét nghiệm đối với trường hợp người lao động có biểu hiện nghi ngời mắc Covid-19, xét nghiệm các đối tượng có nguy cơ cao và quan trọng hơn với người đã tiêm đủ liều vắc xin (liều cuối cùng tiêm trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng), hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng không thực hiện xét nghiệm.
Các doanh nghiệp cũng được tự chịu trách nhiệm về chất lượng test kháng nguyên, quy trình và kết quả xét nghiệm.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng mong mỏi cần có quy định mới khi phát hiện F0 trong nhà máy. Nhiều DN đề xuất cần có đầu mối thống nhất để liên hệ khi có vấn đề liên quan đến dịch Covid-19 trong DN.
Nhiều DN cũng mong muốn kích hoạt y tế cơ sở tại nhà máy, xí nghiệp của mình. Để làm được cần sự trợ lực của y tế địa phương. Khi DN có đầy đủ kiến thức, có trang bị cơ sở vật chất cơ bản, họ có thể chủ động ứng phó trong mọi trường hợp.
Dưới góc nhìn chuyên môn, Thiếu tướng, PGS.TS Nguyễn Viết Lượng, Chính ủy Học viện Quân y, cho rằng: “Đại dịch Covid -19 cho thấy y tế cơ sở, y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe chủ động hết sức quan trọng. Đầu tư cho y tế xí nghiệp, y tế cơ sở rẻ hơn đầu tư cho y tế chuyên sâu. Nếu không làm tốt chúng ta tiếp tục quá tải không chỉ trong giai đoạn dịch bệnh”.
Thấp thỏm liên kết vùng
Trở lại sản xuất kinh doanh đồng nghĩa với việc các DN phải tăng tốc để hoàn thành các đơn hàng chậm trễ, đồng thời nhận thêm những đơn hàng mới trong dịp mua sắm cao điểm cuối năm. Một trong những yếu tố giúp DN đẩy mạnh sản xuất chính là ổn định chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu.
Thực tế, suốt mấy tháng qua khi TPHCM và nhiều tỉnh thành phía Nam áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16, chuỗi cung ứng hàng hóa của các DN đã bị đứt gãy liên tục.
Dù có quy định chung nhưng mỗi tỉnh lại có những cách áp dụng khác nhau khiến DN gặp muôn vàn khó khăn. Nhiều DN dù có thể duy trì sản xuất 3 tại chỗ để đảm bảo thời gian giao hàng cho đối tác, nhưng do đứt gãy chuỗi cung ứng nên cũng đành chịu thua.
Thời điểm này khi TPHCM và một số tỉnh/thành đang từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, nỗi lo ấy của DN vẫn chưa dứt khi chưa có sự thống nhất giữa các tỉnh thành khu vực phía Nam. Chỉ cần một cánh cửa đóng chặt, yêu cầu gắt gao hơn cũng sẽ khiến DN tiếp tục bị ách tắc trong chuỗi cung ứng.
Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng giám đốc CTCP Nhựa Bình Minh, cho rằng tính liên kết vùng đang bị đứt gãy khi các phương tiện chở hàng hóa, nguyên vật liệu rất khó khăn trong di chuyển bởi các rào chắn, chốt chặn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của DN.
Các DN mong mỏi trong tình hình mới TPHCM sẽ ngồi lại với các tỉnh thành lân cận để giải bài toán liên kết vùng, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho DN tổ chức sản xuất kinh doanh trong bối cảnh bình thường mới.
Hiện DN đang rất háo hức với kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế nhưng cũng mong có những kế hoạch chi tiết, cụ thể để có sự chuẩn bị tốt nhất cho mình. Khi có thông tin chi tiết, DN có thể làm công tác truyền thông với các nhà mua hàng quốc tế về kế hoạch phục hồi của TP, của ngành để các nhà mua hàng có thêm niềm tin, tránh hiện tượng chuyển đơn hàng sang các thị trường khác.
Nhiều DN trong các ngành hàng xuất khẩu chủ lực cho biết thời gian qua họ liên tục nhận được câu hỏi của nhà mua hàng liên quan đến thông tin khi nào các tỉnh/thành DN đặt nhà máy kiểm soát được dịch, tỷ lệ sản xuất ổn định là bao nhiêu, thậm chí tỷ lệ tiêm vaccine cho công nhân bao nhiêu. Nếu tỷ lệ tiêm cao, khách hàng mới tiếp tục đặt hàng cho quý IV và những quý đầu năm 2022.
Suốt hơn 2 tháng qua, DN sản xuất theo mô hình 3 tại chỗ càng làm càng lỗ do chi phí tăng cao, gây thiệt hại nặng nề cho DN. Các DN đang kiệt sức nên khi trở lại rất cần sự trợ lực của Trung ương và địa phương.
|
Thanh Dung
SGĐTTC
|