Nhiều dư địa phục hồi kinh tế: Xuất khẩu, đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng
Chấp nhận hy sinh tăng trưởng để bảo vệ sự an toàn, tính mạng người dân trước sự tấn công của dịch Covid-19. Thế nhưng bức tranh kinh tế 9 tháng vẫn có những điểm sáng.
Cơ hội không mất đi
Thu hút đầu tư nước ngoài FDI được coi là điểm sáng đáng chú ý của kinh tế VN 9 tháng đầu năm. Theo số liệu Cục Đầu tư nước ngoài, tính đến 20.9, tổng vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ 2020.
Sản lượng xuất khẩu của Tập đoàn Hòa Phát đạt mức cao nhất từ trước tới nay. GIA HÂN
|
Điều này cho thấy trái với lo ngại sự rời đi của các nhà đầu tư nước ngoài, nhiều doanh nghiệp ngoại vẫn xem VN là điểm đến hấp dẫn khi so sánh bức tranh tổng thể các yếu tố nền tảng từ vĩ mô đến vi mô của VN với các nước, nhất là triển vọng phục hồi kinh tế VN trong trung và dài hạn.
Tổng giám đốc Samsung VN mới đây cho rằng về lâu dài VN vẫn là điểm đến hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài. Đối với Samsung, mục tiêu đưa VN trở thành một cứ điểm sản xuất lớn trên toàn cầu của Samsung không thay đổi. Tập đoàn Hàn Quốc này cam kết đồng hành phát triển thịnh vượng cùng VN, trước mắt là kế hoạch mở rộng công suất nhà máy ở VN, tăng cường đầu tư vào lĩnh vực nghiên cứu và phát tiển bằng việc xây dựng Trung tâm R&D trị giá 220 triệu USD ở Hà Nội tập trung nghiên cứu công nghệ 5G, cơ sở dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo tại VN. Kế hoạch mở rộng của Samsung VN có lẽ nằm trong chiến lược của Samsung toàn cầu với mục tiêu đầu tư 206 tỷ USD vào năm 2023 để tăng trưởng và củng cố vị thế sau đại dịch.
Những khó khăn nhất đã ở lại phía sau
Mặc dù nhiều doanh nghiệp đã phá sản hoặc bị suy yếu năng lực cạnh tranh, lao động mất việc làm, người dân bị bào mòn thu nhập và tài sản, song hãy hình dung tất cả doanh nghiệp đều muốn hoạt động trở lại, còn người dân thì khao khát được đi làm trở lại. Cả phía cung lẫn phía cầu cùng được nối lại kỳ vọng sẽ tạo ra sự bùng nổ về tăng trưởng. Đương nhiên việc tái mở cửa là không hề dễ dàng và không có chuyện mở toang cánh cửa kinh tế. Tuy nhiên, mọi người đều tin tưởng rằng những khó khăn nhất đã ở lại phía sau và chúng ta có quyền kỳ vọng về một tương lai tốt hơn phía trước.
TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam
Tương tự, Nestlé VN cũng cho biết vừa quyết định đầu tư 132 triệu USD để xây dựng nhà máy mới ở Đồng Nai trong 2 năm tới, đưa VN trở thành trung tâm sản xuất của Nestlé tại châu Á và châu Đại Dương. Đặc biệt mới đây trong chuyến công du Mỹ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tập đoàn Quantum (Mỹ) đã cam kết đầu tư vào VN với một chuỗi các dự án có tổng giá trị từ 20 - 30 tỷ USD, trước hết tập trung ở Bà Rịa-Vũng Tàu với Nhà máy điện Long Sơn, các dự án về cơ sở hạ tầng, logistics cảng Long Sơn, tuyến đường sắt Vũng Tàu kết nối Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM… Ở Vĩnh Phúc, tính đến hết tháng 8.2021 đã thu hút được gần 1 tỷ USD vốn FDI, tăng gần 200% so với cùng kỳ. Ở Hải Phòng, Tập đoàn LG cũng đã tăng vốn thêm 750 triệu USD, đóng góp vào mục tiêu thu hút 2,5 - 3 tỷ USD vốn FDI của TP trong năm nay. Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và quản lý Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam, nhận xét những cam kết duy trì và mở rộng đầu tư, sự đồng hành của các nhà đầu tư nước ngoài với kinh tế VN rất đáng trân trọng.
“Mặc dù khó khăn thì ai cũng đã có thể nhìn thấy và chúng ta cố gắng nhìn bức tranh lạc quan hơn, song những thách thức trong giai đoạn tới là không thể xem nhẹ. Dịch bệnh đang được kiểm soát tốt dần, song vẫn còn phức tạp, chưa ai có thể nói chắc chắn điều gì. Tăng trưởng quý 3 giảm 6,17% so cùng kỳ có thể khiến chúng ta lo ngại, song cơ hội kinh tế không mất đi mà có thể dồn sang quý 4 hoặc nửa đầu năm sau nếu tình hình kiểm soát dịch bệnh khả quan và Chính phủ có sách lược thúc đẩy kinh tế đúng đắn. Đại dịch được ví như một cơn siêu bão mặt trời càn quét mọi nền kinh tế trên thế giới không riêng gì VN, thậm chí nhiều nước bị suy thoái sâu nhất trong gần cả thế kỷ qua, thì VN vẫn kiên cường tăng trưởng dương thật đáng ngạc nhiên”, ông Tuấn nhấn mạnh.
Điện thoại, máy tính, tôn... từ VN vẫn bán khắp thế giới
Hôm qua, Tập đoàn Hòa Phát thông tin, trong tháng 9 này, sản lượng xuất khẩu tôn Hòa Phát đạt mức cao nhất từ trước tới nay với gần 50.000 tấn, gấp 2 lần tháng trước. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, các nước châu Âu và Đông Nam Á. Lũy kế 9 tháng năm 2021, sản lượng tôn mạ của Hòa Phát ghi nhận đà tăng trưởng mạnh mẽ, đạt hơn 273.000 tấn, cao gấp 2,6 lần so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng xuất khẩu là 176.000 tấn tôn mạ kẽm và mạ lạnh. Tỷ trọng hàng xuất khẩu đóng góp 64% tổng sản lượng tôn đã bán ra trong 9 tháng. Tôn Hòa Phát hiện nằm trong top 5 về thị phần tại VN với khoảng 6,5%. Bất chấp dịch bệnh “công phá”, hiện tại, toàn bộ các dây chuyền sản xuất của Tôn Hòa Phát đều đang vận hành tối đa công suất, chất lượng sản phẩm thỏa mãn các yêu cầu kỹ thuật khắt khe, đáp ứng cả khách hàng trong và ngoài nước.
“Năm 2021, chúng tôi chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu với mục tiêu tăng độ phủ sản phẩm tôn Hòa Phát đến các thị trường tiêu thụ lớn trên thế giới như: Mỹ, Mexico, các nước thuộc EU, Anh quốc và khu vực Đông Nam Á”, đại diện công ty này cho biết. Thép cũng là sản phẩm chính của tập đoàn này liên tục lập kỷ lục rồi phá kỷ lục về xuất khẩu trong suốt những tháng qua.
Kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ
Trong khi làn sóng bùng phát Covid-19 lần thứ tư đã làm chậm lại đà tăng trưởng mạnh mẽ so với mức mà VN đã đạt được trong 4 tháng đầu năm 2021, khả năng phục hồi là rất cao đến từ sự hợp tác chặt chẽ giữa người dân và Chính phủ trong việc ứng phó nhanh chóng với đại dịch. Các công ty cũng đã nhanh chóng thích nghi, áp dụng số hóa và công nghệ trong các mô hình và thực tiễn kinh doanh của họ, điều này đã giúp thúc đẩy tham vọng Công nghiệp 4.0 của quốc gia. Tương tự như những gì chúng ta thấy ở các thị trường khác, chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ khi mở cửa trở lại với việc nới lỏng dần các hạn chế đi lại và niềm tin của người tiêu dùng tăng lên.
Ông Harry Loh, Tổng giám đốc của Ngân hàng UOB Việt Nam
|
Tương tự, số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, xuất khẩu các mặt hàng điện thoại, máy tính tiếp tục tăng. Cụ thể, xuất khẩu điện thoại và các loại linh kiện trong tháng 8 đạt 5,55 tỷ USD, tăng 17,5% so với tháng 7. Tổng cộng trong 8 tháng của năm nay, xuất khẩu nhóm hàng này của VN đạt 35,33 tỷ USD, tăng 11,9% so với cùng kỳ năm 2020. Nhóm sản phẩm điện tử và linh kiện trong tháng 8 cũng tăng 14,8% so với tháng 7, đạt 4,24 tỷ USD. Tổng cộng, trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong 8 tháng vừa qua lên 31,8 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm 2020. Tính chung 8 tháng, xuất khẩu của VN vẫn tăng gần 22% trong đó, tất cả các thị trường chính đều có tăng trưởng tốt trong 3 quý đầu năm 2021.
Nguyên Khanh
Thanh niên
|