Dự báo thị trường lao động vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương chú trọng tăng cường thông tin về thị trường lao động, đa dạng hình thức kết nối cung-cầu nhân lực gắn với tổ chức sản xuất.
Sản xuất hàng may xuất khẩu. (Ảnh: TTXVN)
|
Tại các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, dịch COVID-19 đã được kiểm soát, tạo đà cho các hoạt động khôi phục sản xuất, kinh doanh gắn với đảm bảo an toàn, phòng dịch hiệu quả.
Tăng cường thông tin về thị trường lao động, đa dạng hình thức kết nối cung-cầu nhân lực gắn với tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp giai đoạn "bình thường mới" đang được các địa phương trong vùng chú trọng triển khai.
Thông tin, dự báo về thị trường lao dộng
Đợt dịch COVID-19 bùng phát thời gian qua đã khiến thị trường lao động tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có những biến động mạnh.
Nhiều lao động không có việc làm, doanh nghiệp phải cắt giảm nhân công, công suất, thậm chí tạm dừng hoạt động.
Thời điểm cuối tháng Chín, đầu tháng 10/2021, dịch đã được kiểm soát, chiến lược phòng, chống dịch được điều chỉnh linh hoạt, gắn với phôi phục các hoạt động kinh tế.
Những thông tin về nhu cầu tuyển dụng lao động, dự báo nhu cầu nhân lực được các đơn vị chức năng của từng địa phương tăng cường thực hiện, góp phần đáp ứng yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp cũng như nhu cầu tìm việc làm của người lao động.
Theo ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, trong 3 tháng cuối năm 2021, nhu cầu nhân lực tại thành phố cần khoảng trên 43.600-56.800 chỗ làm việc.
Nhu cầu nhân lực có xu hướng tăng ở các nhóm nghề mang tính thế mạnh của thành phố “đầu tàu” kinh tế như kinh doanh thương mại dịch vụ, công nghệ thông tin, cơ khí-tự động hóa, vận tải-cảng-kho bãi, du lịch-nhà hàng-khách sạn...
Nhu cầu tuyển dụng lao động qua đào tạo tiếp tục chiếm tỷ lệ cao với khoảng trên 87% tổng nhu cầu nhân lực, nhu cầu tuyển lao động chưa qua đào tạo chỉ chiếm gần 13%.
Với tỉnh Bình Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Phạm Văn Tuyên cho biết trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trên địa bàn lên phương án để sản xuất trở lại, dự báo tỉnh có thể thiếu hụt tới 40.000-50.000 lao động.
Thông tin từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương) cho thấy nhiều doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động để khôi phục hoặc mở rộng sản xuất như: công ty Techtronic Industries, chuyên sản xuất thiết bị điện cầm tay, thiết bị điện sử dụng ngoài trời có kế hoạch tuyển dụng 3.000 công nhân sản xuất cho 4 nhà máy của công ty đóng ở một số khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Ngoài lương cơ bản, công ty này còn có các chế độ phụ cấp ca đêm, phụ cấp hàng tháng cho người lao động.
Chi nhánh Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên gỗ Hoàng Thông ở Khu Công nghiệp Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên đang cần ngay 100 lao động phổ thông...
Tại Đồng Nai, theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Nai), vào cuối tháng Chín, sàn giao dịch việc làm trực tuyến được đơn vị tổ chức đã thông tin đến người lao động nhu cầu tuyển dụng lao động, đáp ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Tham gia sàn giao dịch có 28 đơn vị có nhu cầu tuyển dụng, trong đó có 15 doanh nghiệp đăng ký phỏng vấn trực tuyến tại sàn với tổng nhu cầu tuyển dụng gần 4.700 lao động; nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông chiếm số lượng lớn, chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh như: may mặc, giày da, điện tử…
Kết nối cung-cầu, tạo thuận lợi cho khôi phục sản xuất
Đẩy mạnh kết nối cung-cầu lao động bằng nhiều hình thức thức phù hợp trong giai đoạn "bình thường mới" như thông qua các sàn giao dịch trực tuyến, các phương tiện truyền thông, mạng xã hội là giải pháp các đơn vị chức năng, các đoàn thể ở cơ sở đẩy mạnh thực hiện, góp phần thực hiện mục tiêu khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội gắn với kiểm soát dịch COVID-19.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 1/10 đến hết tháng 11/2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Tiếp sức người lao động với “gói” việc làm “3 trong 1”(giới thiệu việc làm, hỗ trợ tìm nhà trọ, xét nghiệm COVID-19 miễn phí) nhằm hỗ trợ người lao động yên tâm đến, ở lại thành phố tìm việc được nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Trong thời gian diễn ra chương trình, Trung tâm phối hợp với mạng lưới các đơn vị dịch vụ việc làm của tổ chức Đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên, tổ chức Công đoàn ở các tỉnh, thành trong cả nước để kết nối người lao động với các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển lao động.
Ngay trong những ngày đầu tháng 10, chương trình đã nhận được sự tham gia của trên 170 doanh nghiệp với hơn 50.000 vị trí tuyển dụng, việc làm.
Bên cạnh đó, nhằm tạo thuận lợi cho người lao động di chuyển trở lại Thành phố Hồ Chí Minh làm việc, các đơn vị chức năng của thành phố cũng đã lên phương án phối hợp với các tỉnh, thành phố trong tổ chức vận chuyển, đưa người lao động đến thành phố làm việc trong tình hình mới được thuận lợi, đảm bảo an toàn phòng dịch.
Theo đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm làm tỉnh Đồng Nai, hiện nay, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người lao động vẫn còn lo lắng, chưa an tâm ở lại hoặc đến làm việc tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp ở một số địa phương, trong đó có tỉnh Đồng Nai.
Với mong muốn tăng cường thông tin, kết nối cung-cầu lao động, đơn vị sẽ tăng cường tổ chức sàn giao dịch việc làm trực tuyến trong tình hình mới, giúp người lao động và doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng phỏng vấn, tương tác một cách thuận lợi; tăng cường tuyên truyền, động viên người lao động, nhất là những lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp tham gia phỏng vấn trực tuyến để sớm có việc làm trở lại.
Hài hòa lợi ích, chia sẻ khó khăn giữa doanh nghiệp và người lao động
Theo một số chuyên gia, thị trường lao động, việc làm tại các địa phương, trong đó có vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang dần có chuyển biến tích cực, hứa hẹn sôi động hơn trong thời gian tới. Song, giai đoạn này cả doanh nghiệp và người lao động đều đều gặp rất nhiều khó khăn.
Do đó để việc phục hồi sản xuất, kinh doanh được hiệu quả, bên cạnh những chính sách, quyết định kịp thời của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng, rất cần có sự chia sẻ khó khăn, hài hòa lợi ích của người sử dụng lao động và bản thân người lao động.
(Ảnh minh họa: Bích Huệ/TTXVN)
|
Phó Giáo sư Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh) phân tích để phòng, chống dịch, nhiều doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phía Nam đã phải giảm công suất hoạt động, cắt giảm nhân công, thậm chí tạm ngừng hoạt động. Nhiều lao động bị mất việc, gặp khó khăn đã trở về quê.
Thực trạng này đang gây ra những áp lực, khó khăn cho các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người lao động trong quá trình phục hồi sau giãn cách. Do đó, các địa phương và từng doanh nghiệp cần thực hiện hiệu quả các biện pháp an toàn phòng dịch, tăng cường các chính sách hỗ trợ, động viên phù hợp để người lao động an tâm quay trở lại Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai... làm việc.
Một số chuyên gia cho rằng đối với người lao động, hơn lúc nào hết để đáp ứng yêu cầu người sử dụng lao động, có việc làm ổn định, người lao động cần nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp, sẵn sàng chia sẻ khó khăn, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), dịch COVID-19 đã gây ra sự đứt gãy cho thị trường lao động cả về kỹ năng của người lao động cũng như trong cung ứng lao động.
Để thích ứng trong quá trình lao động mới, doanh nghiệp và người lao động đều cần có sự thay đổi, thích nghi.
Người lao động cần có các phẩm chất như tính tự chủ, tính kỷ luật, chịu trách nhiệm, gắn bó với doanh nghiệp; có ý thức bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng liên quan đến nghề để bù đắp những thiếu hụt hay gián đoạn trong thực hành các kỹ năng do thời gian dài nghỉ việc vì ảnh hưởng dịch COVID-19.
Bà Bùi Thị Ánh Nguyệt, Giám đốc nhân sự Công ty thương mại GEARVN, nhận định sau giai đoạn dịch diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp có những thay đổi trong phương thức tổ chức làm việc, sản xuất, kinh doanh. Người lao động cần sẵn sàng thích nghi, đồng hành cùng người sử dụng lao động, các kỹ năng liên quan đến công nghệ số, công nghệ thông tin, linh hoạt thích ứng, tinh thần vượt khó là những ưu thế để người lao động được tuyển dụng và làm việc hiệu quả trong giai đoạn "bình thường mới"./.
Thanh Trà
Vietnam+
|