Người dân ồ ạt về quê, TP.HCM giải bài toán thiếu lao động thế nào?
Các chuyên gia nhận định TP.HCM cần nhiều giải pháp quyết liệt để giải bài toán nhân lực lao động trong thời gian tới, trong đó cần tính đến phương án xây dựng nhà ở công nhân.
31.000 lao động làm việc tại các khu chế xuất - khu công nghiệp ở TP.HCM đã về quê là con số được ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM (Hepza), đưa ra tại tọa đàm “Nguồn nhân lực lao động cho TP.HCM và các tỉnh lân cận sau đại dịch” tổ chức chiều 1/10.
Theo ông Trực, người lao động chủ yếu về những địa phương lân cận TP.HCM như Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu... Với khoảng cách địa lý không quá xa, số lao động này có khả năng quay lại làm việc. Dù vậy, TP.HCM cần nhiều giải pháp để giải bài toán nhân lực lao động trong thời gian tới.
Nhu cầu nhân lực tập trung ở ngành thương mại - dịch vụ
Theo Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM, khi dịch bệnh bùng phát, chỉ có 720 trên tổng số 288.000 doanh nghiệp thực hiện sản xuất "3 tại chỗ” với 64.000 người lao động tham gia.
Hiện, các doanh nghiệp sản xuất "3 tại chỗ" hay "1 điểm đến - 2 cung đường" cũng bắt đầu gặp khó khăn vì chi phí vận hành quá lớn. Đồng thời, tất cả doanh nghiệp muốn mở cửa hoạt động nhưng khó khăn về nguồn cung lao động và nguyên vật liệu do đứt gãy chuỗi cung ứng.
Chuyên gia lo ngại việc lao động ồ ạt về quê thời gian qua khiến thị trường lao động TP.HCM thiếu hụt nhân lực sau khi mở cửa trở lại. Ảnh: Chí Hùng.
|
Trong khi đó, ông Phan Kỳ Quan Triết, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết theo số liệu khảo sát, nhu cầu nhân lực tập trung ở khu vực thương mại - dịch vụ chiếm 81,61%. Trong khi đó, khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 18,26%; khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 0,12%.
“Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp bắt đầu kế hoạch để chuẩn bị hoạt động trở lại. Tuy nhiên, với số lao động về quê ồ ạt trước thời điểm địa phương có hoạt động kiểm soát di chuyển, việc sắp xếp lại nhân sự, lao động tại doanh nghiệp là một vấn đề trọng yếu”, ông Triết nói.
Ông cũng cho biết để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã chủ động lập kế hoạch tuyển dụng nhân sự mới và liên lạc nhân sự cũ đang tạm nghỉ, thiết kế nhiều chế độ ưu đãi và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút người lao động yên tâm quay trở lại làm việc.
Theo ông, với việc tăng cường tiêm vaccine Covid-19 và chuẩn bị phương án đón người lao động ở các tỉnh, thành thuận tiện, an toàn quay trở lại làm việc, dự kiến nhu cầu tuyển dụng lao động trong những tháng cuối năm 2021 sẽ khả quan hơn.
Ông Triết cũng cho biết cuối năm là khoảng thời gian quan trọng để các doanh nghiệp nỗ lực, tận dụng nâng cao hiệu quả năng suất để hoàn thành đơn hàng phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng theo mùa (trước, trong dịp Tết Nguyên đán), hoặc sau giãn cách cũng góp phần kích cầu hoạt động tiêu dùng trong thời gian tới.
Theo đó, nhu cầu nhân lực quý IV tại TP.HCM dự báo cần khoảng hơn 43.600-56.800 chỗ làm việc. Nhu cầu này có xu hướng tăng ở các nhóm nghề: kinh doanh - thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; công nghệ thông tin; cơ khí - tự động hóa; vận tải - kho bãi - dịch vụ cảng; dịch vụ thông tin tư vấn - chăm sóc khách hàng; du lịch - nhà hàng - khách sạn…
Đề xuất xây dựng nhà ở lưu trú cho lao động
Nói về giải pháp thu hút lao động trở lại làm việc thời gian tới, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Văn Hồi cho biết TP.HCM cùng các tỉnh, thành phố phía nam phải tiếp tục tiêm vaccine để sản xuất an toàn, thu hút lao động và cần có chính sách bảo đảm sản xuất an toàn để người lao động yên tâm làm việc.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có chính sách lương, phúc lợi thỏa đáng, bố trí nơi ăn, ở chu đáo cho công nhân.
"Doanh nghiệp cần thêm giải pháp an sinh xã hội và chăm lo chỗ học, nhà trẻ cho con em của người lao động để họ yên tâm công tác. Việc tăng cường đào tạo lại lao động cũng rất quan trọng, cấp thiết để phục hồi thị trường lao động sau đại dịch", ông Hồi nói.
Trong khi đó, ông Phạm Thanh Trực, Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM, cho biết tín hiệu đáng mừng là 242.000 người lao động trong các khu chế xuất - khu công nghiệp tại TP.HCM đã được tiêm vaccine mũi 1 và hơn 24.000 người lao động đã được tiêm mũi 2.
Hiện, Ban Quản lý các khu chế xuất - khu công nghiệp TP.HCM ưu tiên phối hợp với chính quyền TP và các địa phương khác để đón người lao động quay lại làm việc. Cách thức đưa đón đảm bảo thuận lợi nhất cho người lao động. Khi đón về, TP sẽ tổ chức tiêm vaccine mũi 2 cho số lao động này.
Ngoài ra, đơn vị phối hợp với Sở LĐTB&XH TP.HCM để khảo sát nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp nhằm nắm bắt nhu cầu tuyển dụng, sử dụng người lao động.
“Ban Quản lý cũng đề xuất với TP về việc xây dựng nhà ở lưu trú cho người lao động theo hình thức nhà nước và doanh nghiệp cùng làm. Đây là cơ sở để có thể xác định sống chung với dịch bệnh, ổn định sản xuất dài lâu cho doanh nghiệp”, ông Trực thông tin.
Chuyên gia cho rằng việc xây dựng nhà ở cho công nhân là một trong những giải pháp thu hút lao động, cũng như đảm bảo sản xuất an toàn. Ảnh: Chí Hùng.
|
Cùng quan điểm về việc xây dựng nhà ở cho công nhân, ông Trần Việt Anh, Giám đốc dự án Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Tân Tạo, cho biết lực lượng lao động tập trung sống ở các xóm trọ. Thời điểm giãn cách, hầu hết lao động ở tại nơi trọ toàn thời gian khiến không gian sống chật hẹp, tạm bợ, không thể đảm bảo 5K nên đã phát sinh nhiều F0, F1.
Ông Việt Anh lý giải việc sống trong môi trường như vậy khiến nhiều người lao động muốn về quê, nhất là nhóm lao động tự do. Nhóm này có đến 70%-80% là ở các tỉnh, thành phố khác. Họ không được mua bảo hiểm, tiếp cận công nghệ chậm, việc tiêm vaccine cũng đi sau các nhóm lao động khác.
Từ thực trạng các nơi ở không bảo đảm của người lao động hiện nay, ông cho rằng để bảo đảm nguồn lực lao động trong tương lai, TP cần quan tâm xây dựng các khu lưu trú, khu nhà ở cho công nhân, xây dựng các trung tâm y tế phục vụ người lao động tự do.
Mỹ Hà
ZING
|