Xem xét không thu phí hạ tầng cảng biển tại TP.HCM trong 6 tháng tới
Tại đại hội trực tuyến Hiệp hội Logistics TP.HCM lần thứ nhất diễn ra hôm nay 30.9.2021, Hiệp hội kiến nghị UBND Thành phố tạm hoãn việc thu phí hạ tầng cảng biển, do doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn trong đại dịch Covid-19.
Từ đại dịch Covid 19 cho thấy tầm quan trọng của logistics trong chuỗi vận tải hàng hóa trong nước và quốc tế. MAI KHANH
|
Về kiến nghị này, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM tham dự đại hội, trả lời ngay rằng, hôm qua (ngày 29.9), bà đã ký văn bản trình HĐND Thành phố xem xét về việc cho tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ các doanh nghiệp logistics, đó là không thu phí hạ tầng cảng biển từ nay đến ngày 1.4.2022, tức là trong 6 tháng tới.
Thông tin tại đại hội cho biết, UBND TP.HCM đã ký phê duyệt đồng ý thành lập Hiệp hội Logistics Thành phố theo Quyết định số 2474 ngày 8.7.2021, chịu sự quản lý trực tiếp của Sở Công thương TP.HCM.
Chia sẻ tâm huyết dành cho Hiệp hội, bà Đặng Thị Minh Phương, Trưởng Ban vận động thành lập Hiệp hội - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần MP Logistics, cho biết: TP.HCM là đầu tàu, là trung tâm kinh tế của cả nước, đóng góp hơn 22% GDP và khoảng 27% tổng thu ngân sách của cả nước. Đây là đầu mối xuất nhập khẩu hàng hóa của cả vùng với thế giới. Trong khi đó các doanh nghiệp logistics hoạt động và phát triển chủ yếu là tự phát, rất ít có sự liên kết để tận dụng thế mạnh, cung ứng dịch vụ logistics cho cả chuỗi cung ứng khép kín. Mặt khác, để logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn thì cần có các chính sách phát triển hữu hiệu. Hiệp hội logistics TP.HCM ra đời chính là hướng đến mục tiêu cầu nối và liên kết nêu trên.
Phát biểu tại đại hội, bà Phan Thị Thắng, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, cho biết Thành phố sẽ thực hiện 6 giải pháp chính để phát triển dịch vụ logistics, trong đó tập trung 3 giải pháp chủ chốt. Thứ nhất, Thành phố đang nghiên cứu thành lập 7 trung tâm logistics với tổng diện tích 623 ha phân bổ tại khắp các địa bàn giáp ranh của Thành phố, để tăng cường kết nối với các tình, thành; nâng cao năng lực, năng suất trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời, đây là trung tâm phân phối, hỗ trợ cho hệ thống bán lẻ, thương mại điện tử của nội thành, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông và giảm phụ thuộc vào các hệ thống kho trung tâm, các hệ thống phân phối hiện đại đang phân bổ ở các tỉnh lân cận, gây rất nhiều bị động trong thời gian xảy ra dịch bệnh như vừa qua.
Thứ hai là ứng dụng công nghệ thông tin, Thành phố mong muốn sớm thiết lập hệ sinh thái logistics, sử dụng dữ liệu dùng chung cho tất cả doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước. Từ đó tối ưu hóa quá trình vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu, phân phối nội địa, góp phần kéo giảm chi phí logistics. Tình hình dịch bệnh vừa qua cho thấy chúng ta cần tập trung hơn nữa việc số hóa ngành logistics.
Thứ ba là đào tạo, bồi dưỡng nhân lực ngành logistics. Thành phố xác định trở thành trung tâm đào tạo nhân lực logistics cho khu vực phía Nam và cả nước, vì xét cho cùng, nguồn nhân lực là thế mạnh nội tại của Thành phố.
Ngoài ra, Thành phố sẽ có các nhóm giải pháp để kết nối các dịch vụ logistics, thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng về logistics; tổ chức gặp gỡ thường niên với cộng đồng doanh nghiệp logistics. Tất cả các giải pháp đó đều cần có sự phối hợp chặt chẽ của cộng đồng doanh nghệp ngành logistics.
Tháng 3.2021, UBND TP.HCM đã chính thức phê duyệt thông qua “Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn Thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu phát triển logistics trở thành ngành dịch vụ mũi nhọn của Thành phố, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu GRDP. Qua đó, giúp Thành phố nâng cao vai trò đầu mối giao lưu hàng hóa trong nước và kết nối với thị trường quốc tế, góp phần kéo giảm tỷ lệ chi phí logistics cả nước so với GDP quốc gia, đảm bảo sự phát triển bền vững không chỉ ở cấp độ địa phương mà còn là sự phát triển của cả vùng phía Nam.
Mai Vọng
Thanh niên
|