Dừng cơ chế giá FIT, chuyển sang đấu thầu các dự án điện gió
Cơ chế giá cố định (giá FIT) là công cụ thúc đẩy tốt cho thị trường năng lượng tái tạo mới phát triển tại Việt Nam những năm trước đây. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thế giới, khi thị trường năng lượng đã phát triển đến quy mô nhất định, việc chuyển sang cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ tốt hơn cho công tác quản lý, bảo đảm sự tăng độ minh bạch, tăng tính cạnh tranh.
Trong tương lai, các dự án điện gió sẽ chuyển từ cơ chế giá cố định sang lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu - Ảnh minh họa
|
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương chiều ngày 30/9, trả lời về vấn đề đề xuất gia hạn cơ chế giá FIT (giá cố định) cho những dự án điện gió chậm tiến độ do ảnh hưởng của dịch COVID-19, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cho biết: Theo thống kê của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đến tháng 8/2021, có 106 dự án điện gió đăng ký vận hành thương mại, để kịp hưởng giá FIT theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ. Trong số 106 dự án này, có 54 dự án thuộc thẩm quyền xem xét của Bộ Công Thương và 34/54 dự án đã nhận hồ sơ để tiến hành công tác nghiệm thu.
"Nhiều dự án chủ đầu tư đã nỗ lực để kịp tiến độ vận hành thương mại trước ngày 31/10. Tuy nhiên, vừa qua, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng nhận được khá nhiều đề xuất của UBND các tỉnh, chủ đầu tư với nhiều lý do không kịp tiến độ để hưởng giá FIT. Lý do chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chậm tiến độ các dự án", ông Dũng cho biết.
Theo Quyết định 39 của Thủ tướng Chính phủ, sau ngày 31/10/2021, cơ chế giá FIT cho điện gió sẽ hết hạn, Bộ Công Thương có trách nhiệm nghiên cứu và đề xuất phương án đấu thầu, xác định giá đối với các dự án điện gió. Do đó, Bộ Công Thương đang khẩn trương nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các dự án điện gió trong thời gian tới, theo hướng phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Giá, Luật Điện lực.
Thông tin thêm, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết, trong tương lai, các dự án điện gió sẽ chuyển từ cơ chế giá cố định sang lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu.
"Việc chuyển dịch từ cơ chế giá cố định sang cơ chế đấu thầu, lựa chọn chủ đầu tư là xu hướng chung của thế giới và phù hợp với khuôn khổ pháp luật hiện hành của Việt Nam ở thời điểm này. Cơ chế giá cố định là công cụ thúc đẩy tốt cho thị trường năng lượng tái tạo mới phát triển như tại Việt Nam những năm trước đây. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thế giới, khi thị trường năng lượng đã phát triển đến quy mô nhất định, việc chuyển sang cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ tốt hơn cho công tác quản lý, bảo đảm sự tăng độ minh bạch, tăng tính cạnh tranh cạnh tranh", ông Dũng lý giải.
Đối với việc trình dự thảo Quy hoạch Điện VIII, ông Hoàng Tiến Dũng cho biết, Bộ Công Thương đã có văn bản gửi các bộ, ngành và đơn vị liên quan để xin ý kiến góp ý đối với báo cáo quy hoạch điện VIII sau khi đã rà soát. Sau khi nhận được các ý kiến góp ý, Bộ Công Thương sẽ chỉ đạo đơn vị tư vấn tiếp thu và giải trình nghiêm túc các ý kiến, hoàn thiện Đề án trước khi trình Hội đồng thẩm định xem xét, có ý kiến và hoàn thiện toàn bộ nội dung Đề án trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt.
"Ngày 3/10, Hội đồng thẩm định sẽ họp và thẩm định Quy hoạch Điện VIII. Nếu được Hội đồng thông qua, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉnh sửa góp ý để trình Chính phủ", ông Dũng thông tin. Lãnh đạo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo cũng kỳ vọng đầu tháng 10 có thể trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch Điện VIII để phê duyệt trong năm nay.
Không tăng giá bán điện từ nay đến hết năm 2022
Cũng tại buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: "Trong bối cảnh doanh nghiệp và người dân khó khăn, nhiều hoạt động sản xuất bị đình trệ, mặc dù nhiều yếu tố có tác động đến giá thành song Bộ Công Thương không nghĩ đến chuyện sẽ tăng giá điện trong năm nay và năm tới".
Về đề xuất tiếp tục giảm giá điện, ông Đỗ Thắng Hải cho hay, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Ủy ban Quản lý vốn nhà nước. "Bộ Công Thương với vai trò quản lý nhà nước hết sức chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp, người dân", ông Hải nhấn mạnh.
Cũng tại buổi họp báo, ông Trần Tuệ Quang, Cục phó Cục Điều tiết điện lực cho biết, công tác điều hành giá bán điện trong thời gian qua được thực hiện theo đúng quy định của Luật Điện lực cũng như các quyết định về giá bán lẻ điện. Việc thực hiện điều chỉnh giá điện và giá bán lẻ điện theo quy định hiện hành góp phần bảo đảm tài chính cho ngành điện, đảm bảo đầu tư, cũng như phát triển các công trình điện, đáp ứng đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế đất nước.
"Trong năm 2021 và 2022, Bộ Công Thương tiếp tục thực hiện Quyết định 24/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành điện theo dõi tình hình sản xuất, kinh doanh điện, biến động phụ tải hệ thống điện, cũng như các thông số đầu vào của tất cả các khâu như khâu truyền tải điện, quản lý ngành, để thực hiện giá điện theo đúng quy định về điều chỉnh giá bán điện theo quy định của Thủ tướng", ông Quang cho hay.
Trước đó, EVN đã tiếp tục giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 5 cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong năm 2020 và 2021. Tổng số tiền giảm giá điện, tiền điện là hơn 16,950 tỷ đồng.
Nhật Quang
FILI
|