‘Bội thực’ điện mặt trời, vì sao nên nỗi?
Việc ngành điện cắt giảm lượng lớn công suất huy động điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) trong thời gian vừa qua đã minh chứng về hệ lụy phát triển “nóng” nguồn năng lượng tái tạo. Bức tranh trên đã được các chuyên gia cảnh báo, thế nhưng, nhiều chủ đầu tư vẫn phớt lờ.
Một dự án điện mặt trời mái nhà ở Gia Lai
|
Vừa đấu nối đã cắt giảm hàng loạt
Nhiều doanh nghiệp cứ ngỡ “tiền sẽ tự chảy vào túi” sau khi đổ hàng tỷ đồng vào các dự án ĐMTMN. Thậm chí, có chủ đầu tư còn tìm đủ mọi cách lách luật, núp bóng trang trại để lắp đặt, đấu nối ĐMTMN trước 31/12/2020 hòng hưởng cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời của Chính phủ. Cụ thể với Quyết định số 13 của Chính phủ, giá mua điện đối với ĐMTMN là 8,38 UScent/kWh (tương đương 1.943 VNĐ), mức giá trên duy trì trong vòng 20 năm.
Thế nhưng, nhiều chủ đầu tư chưa kịp vui thì bị “dội gáo nước lạnh” khi ngành điện lực đồng loạt giảm huy động công suất phát điện.
Ông Hà Văn Chương- Phó Giám đốc Cty điện lực Đắk Lắk cho biết, toàn tỉnh có 5.351 khách hàng kinh doanh ĐMTMN. Khoảng tháng 3 đến nay, công ty nhận được yêu cầu của Trung tâm điều độ Hệ thống điện quốc gia về việc cắt giảm công suất phát điện lên hệ thống. Tỉ lệ tiết giảm thay đổi theo ngày từ 10-50% và đều do Trung tâm điều độ đưa ra.
Mô hình trang trại kết hợp khai thác điện mặt trời
|
Tại Gia Lai, công ty điện lực vừa ban hành Công văn số 3175 về việc giảm công suất huy động đối với tất cả các hệ thống điện mặt trời đấu nối vào lưới điện trung áp, hạ áp từ ngày 20 đến 26/9. Theo đó, công suất huy động tối đa của ĐMTMN không được vượt quá 50% công suất đặt, đồng nghĩa với việc chủ đầu tư phải tự giảm 50% công suất phát ngược lên lưới.
Cty điện lực Đắk Nông cũng thực hiện việc cắt giảm công suất huy động điện từ các dự án ĐMTMN.
Vì đâu nên chuyện?
Lý do giảm công suất huy động điện được ngành điện lực đưa ra là ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ông P.M.T., đại diện một dự án ĐMTMN tại huyện Ia Grai (Gia Lai) cho biết, nhiều tháng qua phải bù lỗ khoảng 80 triệu đồng/tháng vì ngành điện liên tục bị cắt giảm công suất phát điện, tỉ lệ tiết giảm từ 30-50%. Để đầu tư gần 1MWp ĐMTMN, ông T., vay ngân hàng 12 tỷ đồng, hiện áp lực trả lãi ngân hàng rất lớn, nếu tiếp tục cắt giảm tới 50%, công ty có thể phá sản.
Ông L.N.A., chủ đầu tư ĐMTMN (huyện Cư Jút, Đắk Nông) thông tin, từ đầu năm 2021 tới nay, liên tục bị yêu cầu giảm công suất phát điện, nhất là các tháng 7, 8, 9; trung bình, mỗi tháng thiệt hại từ 50-70 triệu đồng.
“Tại sao trong các loại hình điện năng lượng tái tạo, chỉ có ĐMTMN bị cắt, còn điện mặt đất, điện gió không cắt, như vậy có công bằng với các nhà đầu tư không. Chưa kể, việc cắt giảm nguồn ĐMTMN nhưng các dự án điện gió tiếp tục đưa vào quy hoạch, khuyến khích xây dựng. Chúng tôi đầu tư làm ĐMTMN theo cơ chế khuyến khích của Chính phủ, khi tình hình khó khăn chung, chúng tôi cũng chia sẻ nhưng phải có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”, ông A. nói.
Điện mặt trời mái nhà được phát triển nóng thời gian qua
|
Thực tế, việc dư thừa nguồn ĐMTMN đã được các chuyên gia cảnh báo từ trước khi cơn sốt điện mặt trời nở rộ nhiều nơi. Việc làm ĐMTMN tràn lan, bất chấp khuyến cáo đã được báo Tiền Phong phản ánh; Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Công Thương rà soát phát triển điện mặt trời, tránh phát triển ồ ạt và quá tải đường dây… Thế nhưng, nhiều chủ đầu tư vẫn phớt lờ.
Tại Đắk Lắk, đầu tháng 1/2021, UBND tỉnh đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan về việc tăng cường quản lý lắp đặt ĐMTMN, trong đó chỉ ra những tồn tại bất cập như: Một số dự án ĐMTMN chưa tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật xây dựng, đất đai chưa chuyển đổi theo quy định, không tuân thủ tiêu chí trang trại… Để xảy ra những vi phạm trên, không thể không kể đến trách nhiệm của chính quyền địa phương và đơn vị quản lý liên quan.
Đầu tháng 1/2021, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Sóc Trăng đã khảo sát, kiểm đếm thực tế việc lắp đặt các tấm quang năng (tấm pin) tại 1 số dự án ĐMTMN mà Chi nhánh điện lực Trần Đề (Sóc Trăng) đã ký hợp đồng mua bán điện ngày 31/12/2020. Theo kết quả kiểm đếm thực tế và biên bản làm việc, các dự án trên chỉ lắp 2.280 tấm pin, có công suất tương đương 990kW. Trong khi đó, ngành điện lực huyện Trần Đề từng đi kiểm tra, ghi nhận các dự án có 11.400 tấm pin, công suất 4.950kW; sau đó ký hợp đồng 5 năm mua bán điện với các chủ đầu tư.
|
Nhóm PV Tây Nguyên
Tiền phong
|