Mở cửa: Doanh nghiệp rất cần tiền để hoạt động
Mở cửa kinh tế trở lại trong bối cảnh vẫn sống chung với dịch đặt ra vấn đề mở thế nào doanh nghiệp (DN) hoạt động ổn định và người dân được an toàn, là điều đang được quan tâm. Chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính NH xung quanh vấn đề này.
Ảnh minh họa: VIẾT CHUNG
|
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, cùng với việc đẩy mạnh tiêm chủng, Chính phủ chủ trương chuyển mục tiêu “Zero Covid” sang từng bước thích nghi với Covid. Với tiêu chí đó, ông có đề xuất giải pháp nào?
TS. NGUYỄN TRÍ HIẾU: - Chính phủ chuyển sang mục tiêu từng bước thích nghi với Covid có thể hiểu chúng ta không thể kiểm soát hoàn toàn, vẫn chấp nhận một số người lây nhiễm tối đa nào đó và các hoạt động sẽ diễn ra trong chừng mực hợp lý.
Tôi cho rằng để sống chung với Covid và mở cửa kinh tế tại TPHCM, cần định một ngưỡng chấp nhận về số ca bệnh. Chẳng hạn ngưỡng bình quân 1 tuần lễ có 1.000 người bị lây nhiễm và cố gắng giữ số người lây nhiễm dưới mức đó.
Nếu không có chuẩn mực đó, mở cửa kinh tế tăng ca bệnh lại đóng, đóng cửa ca bệnh giảm lại mở… trở thành vòng luẩn quẩn. Kiểm soát dịch với ngưỡng đó và tiến hành mở cửa từng phần. Có nghĩa khi mở cửa định ra thành phần DN, người dân được tham gia các hoạt động kinh tế, xã hội trước, những thành phần nào mở sau.
Đồng thời, cần theo dõi quan sát quá trình mở để thấy trong quá trình sống chung với dịch, các kế hoạch đã triển khai có bảo đảm và sẽ thay đổi tùy theo tình hình thực hiện. Hiện tại, tôi chưa thấy địa phương nào có hạn mức về kiểm soát dịch bệnh, để trên cơ sở đó phấn đấu kiểm soát dịch bệnh.
Trong kiểm soát dịch bệnh, có 2 vấn đề xét nghiệm và tiêm chủng, trong đó tiêm chủng quan trọng hơn. Thực tế cho thấy, xét nghiệm xong vẫn chưa yên tâm nên những người xét nghiệm phải thực hiện 3 ngày/lần hay 7 ngày/lần. Hàng triệu người phải xét nghiệm như vậy sẽ khiến hệ thống y tế quá tải.
Cần đẩy mạnh tiệm chủng, để đạt được miễn dịch cộng đồng 80% người cả nước và cho riêng TPHCM. Song song đó, cần có những thông tin chính xác về tình hình dịch bệnh, cập nhật cho người dân biết thông tin để họ không lơ là trong phòng chống dịch. Tựu chung, để sống chung với dịch, mở cửa kinh tế cần có chiến lược rõ ràng.
Để đạt hiệu quả cao nhất, có lẽ cần trao quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương thực hiện kế hoạch riêng của họ. Chính quyền địa phương mới nắm được tình hình chính mình thay vì áp dụng quy định chung cho tất cả.
Mỗi địa phương cũng cần trao quyền nhiều hơn cho các DN, để họ mở cửa theo điều kiện, theo nhận định của họ. Có nghĩa, dùng quyền tự quyết của DN để quản lý cơ sở kinh tế của họ hơn là biện pháp chung.
Bởi biện pháp chung không thể phù hợp cho tất cả địa phương, phải cho mỗi địa phương thực hiện chiến lược phù hợp với họ.
Cụ thể, theo tôi nên trao quyền bằng cách để DN tự xét nghiệm người lao động, tự khai báo trên phần mềm quản lý quốc gia và chịu trách nhiệm pháp lý đối với khai báo đó. DN cũng cần có kế hoạch chủ động trong xét nghiệm, phòng chống dịch bệnh để đảm bảo ý thức tuân thủ an toàn dịch.
Tuy nhiên cần nhấn mạnh cho phép DN có kế hoạch chủ động về xét nghiệm và hoạt động nhưng phải có cơ quan kiểm tra, kiểm soát để điều chỉnh khi cần thiết.
- DN đang rất mong chờ mở cửa kinh tế, nhưng khi mở cửa những vấn đề cần đối mặt là gì và cần chuẩn bị tâm thế ứng phó như thế nào, thưa ông?
- Nếu TPHCM mở cửa kinh tế và DN hoạt động trở lại phải đặt dưới điều kiện DN đó đáp ứng đủ biện pháp để phòng chống dịch bệnh cho người lao động. Vấn đề nữa, DN đang rất cần vốn để duy trì và hồi phục sản xuất và trả lương cho người lao động.
Các NH đã giảm lãi suất, NHNN đưa ra Thông tư 14/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ giúp DN. Các biện pháp đó cần thiết nhưng chưa phải là giải pháp tối hậu. Có nghĩa làm sao có tiền cho họ hoạt động vẫn chưa thấy giải pháp tổng thể đại trà nào, trong khi nhu cầu hỗ trợ của DN rất lớn. Đó là 2 thách thức đầu tiên.
Thách thức nữa, là khi mở cửa DN phải được đảm bảo chuỗi cung ứng hồi phục, có nguyên vật liệu đầu vào để sản xuất. Hàng hóa sản xuất ra có phương tiện để vận chuyển đến thị trường.
Cho nên, chuỗi cung ứng cũng như vận hành giao thông hàng hóa phải đảm bảo đáp ứng được, DN mới thực hiện được hoạt động của mình. Vấn đề chuỗi cung ứng hay vận chuyển nằm ngoài khả năng của DN.
Vì vậy, cần đặt trong kế hoạch lớn của khu vực và quốc gia, các cơ quan chủ quản phải vào cuộc để bảo đảm DN có điều kiện, giúp họ có chuỗi cung ứng mới.
- Gần đây có nhiều ý kiến liên quan đến vấn đề cấp bù lãi suất để hỗ trợ DN. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Việc hỗ trợ lãi suất như vậy đã áp dụng vào năm 2008-2009. Nhưng cách làm này đã xảy ra tình trạng DN lạm dụng vay NH theo chính sách cấp bù lãi suất, dẫn đến những đơn vị cần hỗ trợ không tiếp cận được, trong khi những DN chạy quan hệ lại được hỗ trợ mạnh tay.
Thậm chí có những DN vay NH theo chính sách cấp bù lãi suất, trả lãi vay thấp, đem gửi ngược vào NH hưởng lãi suất huy động cao. Điều này chứng tỏ hỗ trợ cấp bù lãi suất không thực hiện được.
Để hỗ trợ thiết thực nhất, tôi vẫn bảo lưu quan điểm nên có tổ hợp tín dụng có hạn mức lên đến 300.000 tỷ đồng. Tất cả NH nội, ngoại có mặt ở Việt Nam đều phải tham gia với mức trung bình 3-3,5%/tổng dư nợ của mỗi NH. Từ đó, tổ hợp thực hiện cho vay những DNNVV, DN đang thiếu tiền nhưng không còn đủ tài sản đảm bảo để vay thế chấp, với hình thức vay tín chấp.
Thực tế hiện nay, DN và người dân chỉ trông cậy vào hỗ trợ của hệ thống NH. Tổng dư nợ của nền kinh tế hiện tại khoảng 9,8 triệu tỷ đồng. Theo NHNN, có khoảng 3 triệu tỷ đồng nợ vay rơi vào nhóm khó khăn, nếu giảm lãi suất 1%, các NH phải hy sinh khoảng 30.000 tỷ đồng.
Song tôi dự báo năm nay NH phải hy sinh lợi nhuận khoảng 50.000 tỷ đồng. Có thể xem đây là sự đóng góp của hệ thống NH. 50.000 tỷ đồng đến từ thu nhập ròng từ lãi, chưa kể dịch vụ. Con số này tương đương với việc NH sẽ hy sinh 10-15% thu nhập ròng từ lãi.
- Xin cảm ơn ông.
Cần trao quyền nhiều hơn cho chính quyền địa phương thực hiện kế hoạch riêng của họ, thay vì áp dụng quy định chung cho tất cả. Bởi chính quyền địa phương mới nắm rõ tình hình của mình.
|
Đỗ Linh
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
|