Thứ Ba, 05/10/2021 13:57

Chuyên gia: 'TP.HCM phân vùng để dần nới lỏng, không phải truy vết'

TS Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh TP.HCM vẫn còn nguy cơ rất cao về dịch bệnh, nên việc nới lỏng đang tiến hành từng bước thận trọng, chưa ồ ạt.

Sau khi UBND TP.HCM ban hành Chỉ thị 18, nhiều khu vực đã được nới lỏng các biện pháp giãn cách, cho phép hoạt động sản xuất kinh doanh dần mở cửa trở lại. Tuy nhiên, vẫn có những vùng được khoanh “vùng vàng”, “vùng cam”…, nên doanh nghiệp chưa thể mở cửa trở lại.

Trao đổi với chúng tôi, TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, một trong những thành viên tham gia xây dựng dự thảo Chỉ thị 18, cung cấp thêm một số thông tin.

Ông nhấn mạnh nguy cơ dịch bệnh tại TP.HCM vẫn rất cao và TP chưa nới lỏng ồ ạt, mới chỉ nới dần giãn cách.

phân vùng nới lỏng tp hcm ảnh 1

TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM. Ảnh: Trung tâm Báo chí Văn phòng Quốc hội.

Chưa nới lỏng ồ ạt

TP.HCM chưa phải là chuyển sang trạng thái bình thường mới hoàn toàn. Ít nhất là đầu năm 2022 mới có khả năng làm như vậy. Hiện tại TP chưa nới lỏng ồ ạt, mới là nới dần giãn cách, sẽ có nơi chưa thể mở cửa”, ông Ngân nói.

Vì vậy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho rằng các hoạt động kinh tế - xã hội mới đang từng bước được mở cửa trở lại một cách thận trọng, tùy vào tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của doanh nghiệp.

Theo TS Trần Hoàng Ngân, dịch bệnh tại TP.HCM vẫn rất nguy hiểm và nguy cơ cao. Theo dự thảo về việc thích ứng với Covid-19 của Bộ Y tế, TP.HCM vẫn đang ở cấp độ dịch bệnh nguy hiểm, trên cấp độ 3, dưới cấp độ 4.

phân vùng nới lỏng tp hcm ảnh 2

TP.HCM vẫn đang ở cấp độ dịch bệnh nguy hiểm. Ảnh: Duy Hiệu.

Số ca nhiễm hàng ngày đã giảm dần, nhưng vẫn dao động trong khoảng 2.500-3.000 ca. Số ca tử vong cũng giảm, nhưng còn rất cao.

Trong khi đó, số người đang điều trị Covid-19 trong các cơ sở y tế là gần 30.000 người, có giảm so với trước đây nhưng vẫn còn lớn. Năng lực y tế của TP chỉ đáp ứng điều trị cho khoảng 20.000 người. Số lượng bệnh nhân này đang gây áp lực rất lớn cho ngành y tế, chưa kể số lượng ca F0 điều trị tại nhà, F0 có thể phát sinh tại các khu cách ly.

Khi số lượng người điều trị còn nhiều, trong khi năng lực y tế tự thân chưa thể đáp ứng được, thì TP.HCM vẫn cần phải có sự hỗ trợ của các lực lượng trung ương, quân y, địa phương khác. Hiện tại, có khoảng gần 20.000 y, bác sĩ, lực lượng quân y đang hỗ trợ cho TP.HCM.

“Tình hình y tế mới là nhẹ thở hơn chứ vẫn rất nguy cơ”, ông Ngân nói.

Hiện điểm sáng duy nhất của TP.HCM là tỷ lệ tiêm chủng cao và đang tăng nhanh. Từ những phân tích như vậy, ông Ngân nhấn mạnh TP.HCM mới đang nới dần giãn cách, chứ chưa nới lỏng ồ ạt, chưa phải chuyển sang trạng thái bình thường mới hoàn toàn. Do đó, việc mở lại hoạt động kinh tế - xã hội phải rất cẩn trọng, từng bước, tùy từng khu vực.

Phân vùng để thực hiện các biện pháp dần nới lỏng

Dẫn lại Chỉ thị 18, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM nhấn mạnh nội dung: “Tăng cường kiểm soát, điều chỉnh các giải pháp, biện pháp phòng chống dịch, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả. Từng bước phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM”.

Theo đó, việc áp dụng các biện pháp nới dần giãn cách thì thích ứng an toàn với dịch bệnh, giúp việc kiểm soát dịch bệnh một cách hiệu quả.

Khi phân vùng truy vết, cách ly thì phải hẹp. TP.HCM thực hiện phân vùng truy vết một cách hẹp nhất có thể, thậm chí cho phép F0 cách ly tại nhà, thì chính quyền chỉ khoanh vùng 1-2 căn nhà trong một con hẻm.

TS Trần Hoàng Ngân

Trong khi đó, TP.HCM cũng đã có bộ tiêu chí hướng dẫn từng ngành, từng lĩnh vực. Các quận, huyện, TP Thủ Đức sẽ tạo điều kiện theo đúng bộ tiêu chí đó. Các đơn vị sản xuất kinh doanh cũng giao quyền tự quyết.

Về việc một số quận, huyện, TP Thủ Đức, phân “vùng cam”, “vùng vàng”…, ông Ngân đánh giá đây là phân vùng để thực hiện các biện pháp dần nới lỏng, chứ không phải là phân vùng truy vết. Việc phân vùng dựa vào nguy cơ dịch bệnh là cao hay thấp.

Khi phân vùng truy vết, cách ly thì phải hẹp. TP.HCM thực hiện phân vùng truy vết một cách hẹp nhất có thể, thậm chí cho phép F0 cách ly tại nhà, thì chính quyền chỉ khoanh vùng 1-2 căn nhà trong một con hẻm.

Còn các hoạt động kinh doanh kinh tế thì “không có biên giới”. Các địa phương có thể phân vùng, tùy theo cấp độ dịch bệnh để đưa ra các biện pháp nới lỏng phù hợp, một cách thận trọng, theo điều kiện tình hình của địa phương mình.

Ông Ngân một lần nữa nhấn mạnh là TP.HCM mới đang dần nới lỏng từng bước, chưa thể mở cửa ồ ạt. TP vẫn là vùng dịch có nguy cơ rất cao.

Trong Chỉ thị, TP.HCM cũng sẽ tạo điều kiện cho lưu thông hàng hóa, giảm bớt sự đứt gãy của chuỗi cung ứng, đứt gãy nguồn lao động… Các doanh nghiệp cũng phải tự chủ động đáp ứng các tiêu chí mà chính quyền đặt ra.

“Khi nới dần quy mô mở cửa từng vùng cũng phải từ từ, không thể mở ồ ạt, vì chưa đạt trạng thái an toàn”, ông Ngân nói.

Thuận Hiếu

ZING

Các tin tức khác

>   Kỷ lục thu gần 12 tỷ USD, lại đón thêm tin vui từ Mỹ (05/10/2021)

>   Nike, Under Armour và các hãng bán lẻ bị gián đoạn cung ứng vì dịch bệnh ở Việt Nam (05/10/2021)

>   Mở cửa: Doanh nghiệp rất cần tiền để hoạt động (05/10/2021)

>   Các chuyến bay đến Hà Nội phải được thành phố đồng ý bằng văn bản (05/10/2021)

>   Nhiều dư địa phục hồi kinh tế: Xuất khẩu, đầu tư nước ngoài vẫn tăng trưởng (05/10/2021)

>   TP.HCM tất bật xử lý hồ sơ hành chính (05/10/2021)

>   TP.HCM: Dự kiến 3 giai đoạn mở cửa phục hồi du lịch (04/10/2021)

>   Bay nội địa: Tỉnh muốn mở, tỉnh không (04/10/2021)

>   2 trạm thu phí trên cao tốc TP.HCM - Long Thành hoạt động trở lại (04/10/2021)

>   “5 không” cho doanh nghiệp Việt khi kinh doanh tại EU (04/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật