Ngành công nghệ thông tin: Chuyển đổi số là động lực tăng trưởng
Trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp do dịch Covid-19 gây ra thì ngành công nghiệp ICT (Information Communication Technology) nói chung và công nghệ thông tin nói riêng lại nổi lên với vai trò ngành mũi nhọn của nền kinh tế. Đây cũng là một trong những tuyến phòng thủ chính trong thời kỳ đại dịch.
ICT là ngành mũi nhọn của nền kinh tế
Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR-Compound Annual Growth Rate) của giai đoạn 2016-2020 ở mức 15.53% và công nghiệp ICT đã trở thành một trong những ngành có đóng góp đáng kể cho ngân sách nhà nước. Điều này giúp cho Việt Nam chuyển mình thành một trong những quốc gia dẫn đầu sản xuất công nghệ phần cứng và điện tử-viễn thông với việc xếp thứ 2 về sản xuất điện thoại và thứ 10 về sản xuất điện tử. Cùng với đó, Việt Nam cũng đứng 13 thế giới về dịch vụ công nghệ số.
Nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2021 của ngành này là tỷ lệ doanh nghiệp công nghệ số tính trên 1,000 dân đạt 0.6; tốc độ tăng trưởng doanh thu hằng năm gấp từ 2-2.5 lần tốc độ tăng trưởng GDP và đứng đầu trong các ngành có giá trị hàng xuất khẩu lớn; tốc độ phát triển doanh nghiệp công nghệ số hàng năm 20%-30%; tỷ lệ tăng năng suất lao động hàng năm tại các doanh nghiệp công nghiệp công nghệ số 7%-10%.
Ước tính trong 8 tháng đầu năm 2021, tổng doanh thu công nghiệp ICT ước đạt 1,992 tỷ đồng (khoảng 86.1 tỷ USD) tăng trưởng khoảng 15.7% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, chủ yếu doanh thu đến từ lĩnh vực công nghiệp phần cứng, điện tử đạt 1,765 tỷ đồng (khoảng 76.3 tỷ USD) chiếm gần 90% tổng doanh thu công nghiệp ICT. Bộ Thông tin và Truyền thông dự báo trong năm 2021, ngành ICT sẽ duy trì được mức tăng trưởng kép khoảng 15.53% và đạt doanh thu khoảng gần 140 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2020.
Ngoài việc tăng trưởng đầy ấn tượng trong giai đoạn dịch bệnh đang hoành hành thì ngành công nghiệp ICT cũng nổi lên như một trong những “tuyến phòng thủ chính chống lại đại dịch Covid-19” theo lời chia sẻ của Tổng Thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU-International Telecommunication Union), ông Houlin Zhao.
Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông
Chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ
Chuyển đổi số đang được ứng dụng ngày một rộng rãi trong hầu hết các doanh nghiệp trên toàn thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Theo đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.
Trong đó nêu rõ định hướng phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, phấn đấu từng bước làm chủ công nghệ, chủ động thiết kế, chế tạo các sản phẩm, chủ động trong sáng tạo các dịch vụ, giải pháp, mô hình kinh doanh mới, hợp tác nhưng không phụ thuộc vào các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài.
Mục tiêu đến năm 2025 đạt 100,000 doanh nghiệp công nghệ số; giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam sẽ đạt tăng trưởng bình quân từ 10%-20%/năm; đóng góp từ 10%-20% tăng trưởng GDP. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông công bố, tính đến hết 7 tháng đầu năm 2021, tổng số doanh nghiệp số đạt 61,909 doanh nghiệp, vượt mục tiêu của cả năm 2021 (đạt 60,000 doanh nghiệp số).
Nguồn: Bộ Thông tin và Truyền thông
Theo công bố của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Việt Nam xếp thứ 44/132 quốc gia và nền kinh tế về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu 2021 (Global Innovation Index-GII). Dù đã có nhiều cải thiện so với quá khứ, chúng ta còn phải cải thiện rất nhiều để bắt kịp các nước trong khu vực ASEAN như Singapore, Malaysia...
Xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2021 của một số Quốc gia khu vực ASEAN
Nguồn: Global Innovation Index
Là "vaccine" cho nền kinh tế
Chia sẻ với báo chí, ông Hoàng Nam Tiến-Chủ tịch Công ty Cổ phần Viễn thông FPT cho biết, nếu xác định vaccine là vũ khí chống dịch thì hoạt động của doanh nghiệp cũng cần vaccine. Ông cho biết các công ty viễn thông, công nghệ hiện nay đã và đang triển khai các "vaccine" công nghệ dành cho các DN nhỏ và vừa, chẳng hạn giải pháp eCovax của FPT nhằm xây dựng môi trường làm việc số.
Các tập đoàn đoàn lớn cũng không đứng ngoài cuộc đua này. Điển hình như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã nhận diện, lựa chọn các lĩnh vực trọng tâm để triển khai thực hiện chuyển đổi số, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất-kinh doanh, chất lượng dịch vụ, năng suất lao động và năng lực quản trị... Các lĩnh vực trọng tâm bao gồm: số hóa dữ liệu, số hóa khách hàng, số hóa quy trình nghiệp vụ và ứng dụng khoa học công nghệ.
Dưới góc độ vĩ mô, ông Trịnh Minh Anh, Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế phân tích, bên cạnh những thách thức do tác động của đại dịch Covid-19, đây cũng là cơ hội để chúng ta tìm những hướng đi mới trong phát triển nền kinh tế. Điểm đáng ghi nhận là Chính phủ đã sớm quan tâm đến thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số, coi đây một trong những giải pháp để chúng ta sẵn sàng “sống chung với dịch”, thực hiện mục tiêu kép. Doanh nghiệp cần đầu tư nhiều hơn cho khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là áp dụng công nghệ trong cả phương thức sản xuất lẫn phương thức giao dịch với khách hàng, hiệu quả đi đôi với an toàn.
Những yếu tố trên sẽ góp phần gia tăng triển vọng và tiềm năng của lĩnh vực ICT nói chung và các doanh nghiệp trong ngành công nghệ thông tin nói riêng. Các doanh nghiệp đáng chú ý trong ngành là CTCP FPT (HOSE: FPT), CTCP Tập đoàn Công nghệ CMC (HOSE: CMG), CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử - Viễn thông (HOSE: ELC).
Nguồn: Internet
Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock
FILI
|