Doanh nhân Lê Đức Thuấn: ‘Trong những lần thử mô hình đã nếm trải đủ các mùi vị khó khăn’
Trong hành trình xây dựng doanh nghiệp, ông Lê Đức Thuấn - Chủ tịch CTCP Đầu tư Sản xuất Bảo Ngọc (HNX: BNA) cho biết, khó khăn lớn nhất là sản phẩm bánh có thời hạn sử dụng ngắn. Để đưa được sản phẩm tới vài chục ngàn điểm bán thì phải thử đi thử lại rất nhiều mô hình để chọn ra một mô hình phù hợp và trong những lần thử đó đã nếm trải đủ các mùi vị khó khăn.
Doanh nhân Lê Đức Thuấn sinh năm 1976. Từ nhỏ, ông đã rất thích kinh doanh và ước mơ trở thành một doanh nhân thành đạt. Ông đã từng bước chân vào kinh doanh ở rất nhiều lĩnh vực như bất động sản công nghiệp, sản xuất linh kiện ô tô, xe máy, mũ bảo hiểm, trang thiết bị y tế… nhưng ông lại quyết định bén duyên với ngành sản xuất bánh kẹo, nông sản thực phẩm và được biết đến là người làm sống dậy thương hiệu bánh Bảo Ngọc.
Nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Đức Thuấn - Chủ tịch thương hiệu bánh ngọt Bảo Ngọc để hiểu rõ hơn về hành trình xây dựng doanh nghiệp và chiến lược phát triển sản phẩm khi thị trường ngày càng có nhiều tay chơi lớn cạnh tranh.
Thưa ông, bánh ngọt là một trong những mặt hàng lâu đời gắn bó với người dân Việt Nam. Được biết, trước khi đến với Bảo Ngọc, ông từng tham gia kinh doanh rất nhiều mặt hàng. Vậy tại sao ông lại chọn gắn bó với doanh nghiệp sản xuất bánh ngọt này?
Ông Lê Đức Thuấn: Thương hiệu Bảo Ngọc có từ thập niên 80 của thế kỷ trước đã ăn sâu vào tâm trí khách hàng, đặc biệt là người dân Thủ Đô bởi hương vị đặc trưng đậm nét Hà Thành và tôi cũng là một thực khách yêu mến thương hiệu này nên đã quyết định đầu tư để phát triển sản phẩm ra toàn quốc và quốc tế.
Trong hành trình gắn bó với Bảo Ngọc, chướng ngại vật lớn nhất mà ông phải đối mặt là gì và ông đã trải qua điều đó như thế nào?
Có rất nhiều khó khăn nhưng trong đó phải kể đến khó khăn lớn nhất là sản phẩm có date (thời hạn sử dụng) ngắn. Để đưa được sản phẩm đến tới vài chục ngàn điểm bán chúng tôi đã phải thử đi thử lại rất nhiều mô hình để chọn ra một mô hình phù hợp, trong những lần thử đó đã nếm trải đủ các mùi vị khó khăn.
Có thể nói Bảo Ngọc như đứa con tinh thần mà ông đắp rất nhiều tâm huyết vào đây, vậy điều ông tâm đắc nhất là gì?
Điều tôi tâm đắc nhất là trải qua 35 năm hình thành và phát triển Bảo Ngọc vẫn giữ được sự tinh tuý, nét đặc trưng của sản phẩm, mặc dù thời hạn sử dụng ngắn nhưng vẫn phủ sóng được 64 tỉnh thành trên cả nước.
Khát vọng mà ông hướng đến là gì?
Tôi đang hướng đến khâu chế biến sâu vào mảng nông sản - là những đặc sản vùng miền của Việt Nam để xuất khẩu ra thế giới.
Trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển doanh nghiệp khi mà thị trường có rất nhiều tay chơi lớn cạnh tranh, ông đã lên kế hoạch phát triển Bảo Ngọc như thế nào?
Ngành bánh ngọt Việt Nam được dự báo sẽ có nhiều tiềm năng phát triển hơn trong thời gian tới. Hiện nay, cơ hội cho ngành bánh ngọt phát triển được nhiều yếu tố hậu thuẫn, trong đó cần nói đến sự thay đổi của chuỗi cung ứng và sự thay đổi của xu hướng tiêu dùng. Với sức hấp dẫn từ gần 100 triệu dân số với dân số trẻ, năng động thì đây sẽ là tiền đề cho bánh ngọt phát triển đặc biệt là bánh tươi với ưu điểm ngon, tiện lợi và giá cả phù hợp.
Chúng tôi đã liên tục đầu tư vào công nghệ, tự động hoá trong sản xuất để nâng cao chất lượng và giảm chi phi giá thành sản phẩm trong những năm gần đây, đặc biệt năm 2021 chúng tôi đã thực hiện chuyển đổi số thành công cho cả hệ thống để nâng cao năng lực cạnh tranh, sẵn sàng vươn ra biển lớn.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng của thị trường bánh ngọt trong những năm tiếp theo? Những thuận lợi và khó khăn nào mà doanh nghiệp sẽ đối mặt?
Thời gian qua, ngành bánh ngọt tại Việt Nam đã được biết đến là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng cao và là phân khúc cạnh tranh mạnh mẽ nhất trong ngành hàng tiêu dùng. Song ở hiện tại, theo các đơn vị nghiên cứu thị trường, mức tiêu thụ bánh tại Việt Nam vẫn ở mức thấp khi mới chỉ đạt khoảng 2kg/người/năm (thấp hơn mức 3kg/người/năm của thế giới) và 65% dân số ở nông thôn có mức tiêu thụ bánh còn rất khiêm tốn so với tiềm năng.
Như vậy, nếu nói về dư địa phát triển, có thể thấy lĩnh vực bánh ngọt vẫn còn nhiều. Cũng bởi thị trường tiềm năng nên những năm trở lại đây đã có hàng loạt tên tuổi tham gia vào. Chính vì vậy Bảo Ngọc luôn luôn đổi mới về sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm để mang lại nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng, và chúng tôi không ngừng tìm kiếm những công nghệ tiên tiến để đầu tư máy móc thiết nhằm tăng năng suất. Với thời đại công nghệ 4.0 thì chúng tôi cũng không đứng ngoài cuộc, chúng tôi đầu tư hệ thống DMS (phần mềm bán hàng hiện đại), hệ thống phần mềm ERP (quản trị doanh nghiệp), app “BNA mart”... để tinh gọn bộ máy quản lý giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Đại dịch Covid-19 dường như trở thành nỗi ám ảnh đối với rất nhiều doanh nghiệp khi làm chùn bước chân từ những đơn vị nhỏ lẻ đến những ông lớn trên thị trường. Bảo Ngọc đã gặp những khó khăn gì và cách mà ông “lèo lái” để giúp doanh nghiệp vượt qua là gì?
Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát, ban lãnh đạo Bảo Ngọc đã dự báo trước những khó khăn và nhanh chóng đưa ra những giải pháp ứng phó linh hoạt, phù hợp. Công ty đã mở rộng khuôn viên để tổ chức 3 tại chỗ cho CBCNV tại các nhà máy tạo điều kiện để tiếp tục thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch, vừa lo sản xuất, kinh doanh.
Nhận thấy đại dịch Covid-19 làm thay đổi hành vi người tiêu dùng, Bảo Ngọc đã chuyển dịch kênh phân phối tập trung chủ yếu vào khối cơ quan xí nghiệp, thương mại điện tử và ứng dụng trên thiết bị di động. App "BNA mart" ra mắt đúng thời điểm dịch chuyển xu hướng tiêu dùng từ truyền thống sang thương mại điện tử để tiếp cận khách hàng một cách nhanh nhất và thuận tiện.
Với chiến lược kịp thời và hiệu quả, Bảo Ngọc đã đưa được sản phẩm vào các tập đoàn đa quốc gia hàng đầu tại Việt Nam như Samsung, Yamaha….và luôn ở top 1 các trang thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam cùng hàng trăm ngàn khách hàng đặt hàng qua ứng dụng.
Theo ông, những cơ hội và rủi ro nào mà Bảo Ngọc sẽ đối mặt trong tương lai?
Như tôi đã trình bày ở trên, thị trường tiềm năng là cơ hội chung cho các doanh nghiệp bánh kẹo do vậy đây vừa là cơ hội vừa là rủi ro cho các doanh nghiệp bánh kẹo và Bảo Ngọc không nằm ngoài vòng xoáy đó.
Bảo Ngọc có một thương hiệu lâu đời, đã có nhà máy và hệ thống phân phối khắp 3 miền Bắc-Trung-Nam. Với công nghệ sản xuất không thua kém gì các nước trong khu vực và đội ngũ ban điều hành tận tâm, linh hoạt và không ngừng trau dồi kiến thức để nâng cao năng lực cạnh tranh cho Bảo Ngọc thì tôi tin tưởng rằng Bảo Ngọc sẽ phát triển mạnh mẽ trong các giai đoạn tiếp theo.
Chiến lược phát triển của Bảo Ngọc trong những tháng cuối năm 2021 là gì khi dịch bệnh đang được kiểm soát và kinh tế dần trở lại trạng thái bình thường mới?
Những tháng cuối năm là cao điểm của sản phẩm bánh kẹo, do đó, chúng tôi đang gấp rút chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới.
Xin cám ơn ông!
Tiên Tiên
FILI
|