Chủ tịch Sơn Hà kiến nghị nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ thông qua gói tín dụng
Theo ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch CTCP Quốc tế Sơn Hà (HOSE: SHI), bức tranh kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã trải qua giai đoạn đầy biến động với tác động tiêu cực của đại dịch. Khó khăn chồng chất khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản.
Ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch HĐQT Quốc tế Sơn Hà
|
Tại buổi gặp mặt giữa Thủ tướng và doanh nhân nhân ngày Doanh nhân Việt Nam diễn ra sáng 12/10, ông Lê Vĩnh Sơn - Chủ tịch Quốc tế Sơn Hà nêu ý kiến cho rằng bức tranh kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã trải qua giai đoạn đầy biến động với tác động tiêu cực của đại dịch. Khó khăn chồng chất khiến nhiều doanh nghiệp có nguy cơ phá sản. Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp Việt Nam đã kiên trì tìm hướng đi mới, tìm ra các giải pháp để duy trì và phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, những nỗ lực tự thân của doanh nghiệp là không đủ, rất cần Chính phủ có chính sách, giải pháp, tạo cơ chế, môi trường để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong và sau đại dịch. Theo đó, ông Sơn kiến nghị:
Thứ nhất, Chính phủ cần thực hiện ngay giải pháp phù hợp trên quy mô lớn trong trung và dài hạn, đáp ứng 4 mục tiêu: Tạo điều kiện để nền kinh tế phục hồi nhanh chóng; hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng mất thanh khoản, phá sản, giải thể; thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế phù hợp với những thay đổi trên thế giới sau đại dịch; kích thích tiêu dùng trong nước, đảm bảo an sinh xã hội.
“Tôi cho rằng cần ổn định chính sách tài khoá, hỗ trợ doanh nghiệp có đủ vốn vượt qua khó khăn; nới lỏng điều kiện để doanh nghiệp được hỗ trợ bằng tiền thông qua gói tín dụng, phục hồi sau đại dịch. Chính sách tài khoá cần thực hiện có trọng tâm. Hỗ trợ đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc”, ông Sơn nói.
Ông cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước điều hành lãi suất linh hoạt, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hoãn, giảm lãi suất đối với doanh nghiệp làm ăn thua lỗ. Đề xuất chênh lệch không quá 2.5% giữa lãi suất huy động, lượng vốn và lãi suất cho vay.
Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Cùng với đó là đào tạo lại lực lượng lao động, tăng cường kỹ năng để lực lượng lao động đáp ứng được yêu cầu trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế. Cộng đồng doanh nghiệp cần đoàn kết, hợp tác tìm hướng đi mới, liên kết, tập trung đẩy mạnh công nghệ số để thích ứng điều kiện bình thường mới.
Duy Na
FILI
|