Thứ Ba, 12/10/2021 10:50

Chuyển sang chuỗi đứt gãy thứ tư, doanh nghiệp trực chờ phá sản

Hàng trăm nghìn doanh nghiệp “tê liệt” vì Covid-19 đang “trực chờ” phá sản. Các gói hỗ trợ và chương trình phục hồi cần phải triển khai đủ nhanh, đủ dài và đủ lớn để đưa doanh nghiệp sớm quay lại tình trạng “bình thường mới”....

Chuyển sang chuỗi đứt gãy thứ tư, doanh nghiệp trực chờ phá sản

Từ đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi tiêu thụ, chuỗi sản xuất, đến giờ, doanh nghiệp phải đối mặt với đứt gãy dòng tiền

Hơn 50 nghìn doanh nghiệp, 2 triệu lao động trực tiếp và 4 triệu lao động gián tiếp trong ngành du lịch đã phải dừng hoạt động hay nghỉ việc vì tác động nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19.

“Sức chịu đựng của doanh nghiệp đã cạn kiệt, rất khó phục hồi trở lại nếu không có những giải pháp cấp cứu kịp thời”, bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho biết.

CHI 600 TỶ ĐỒNG/THÁNG TRẢ LƯƠNG CÔNG NHÂN

Theo bà Lan, đa phần doanh nghiệp hoạt động trong ngành du lịch là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, rất ít doanh nghiệp lớn. Vì thế, trước “cú sốc” Covid-19, hơn 90% doanh nghiệp đã “tê liệt”, hàng loạt doanh nghiệp buộc phải phá sản vì thiếu hụt dòng tiền, gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế.

“Phá sản không chỉ là câu chuyện của riêng doanh nghiệp mà còn liên quan tới việc xử lý các khoản nợ không được triển khai các chương trình du lịch, vay công ty cung ứng, vay trả lương cho người lao động…”, bà Lan cho biết.

Trong khi đó, đối với số ít doanh nghiệp đang duy trì yếu ớt, việc tiếp tục hoạt động trong thời gian tới cũng rất thách thức nhất là khi lộ trình trở lại “bình thường mới” vẫn chưa rõ ràng.

“Chúng ta cần nhanh chóng ban hành chương trình du lịch an toàn với khung hướng dẫn cụ thể tới từng du khách, từng dịch vụ từ lữ hành, vận chuyển tới lưu trú… Trong đó, quan trọng nhất, các địa phương cần đạt sự thống nhất trong việc dịch chuyển giữa các vùng để từng bước mở cửa thị trường du lịch nội địa, dần khôi phục doanh nghiệp”, bà Lan đề xuất.

Chia sẻ về những khó khăn mà doanh nghiệp ngành dệt may đang phải đối mặt, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may, cho biết năm 2021 là năm nhiều cung bậc cảm xúc. Quý 1/2021, nhiều doanh nghiệp hào hứng ký đơn hàng đến hết năm. Quý 2/2021, doanh nghiệp lo lắng khi dịch ở Bắc Ninh và Bắc Giang diễn biến phức tạp. Đến quý 3/2021, tình hình trở nên nghiêm trọng khi xuất khẩu của doanh nghiệp sụt giảm mạnh.

Tình hình đăng ký doanh nghiệp 9 tháng năm 2021.

Điều đáng nói, chuỗi đứt gãy của doanh nghiệp liên tục chuyển từ đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn cung nguyên vật liệu (dịch bùng phát ở Trung Quốc) sang đứt gãy chuỗi tiêu thụ (dịch bùng phát ở châu Âu) và đến giờ là đứt gãy chuỗi sản xuất trong nước.

“Liên tục đối mặt với ba chuỗi đứt gãy, các doanh nghiệp rơi vào đứt gãy dòng tiền”, ông Cẩm nhấn mạnh và dẫn chứng, như trường hợp của May Việt Tiến, công ty với 36.000 lao động, nhưng trong mấy tháng ngừng sản xuất, vẫn phải chi trả lương cho công nhân lên tới 600 tỷ đồng.

“Do đó, nếu không có giải pháp hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ không thể trụ vững quay trở lại hoạt động khi dịch bệnh được kiểm soát”, ông Cẩm bày tỏ.

CẦN GIẢI PHÁP CHƯA CÓ TIỀN LỆ

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), cho rằng khó khăn nhất của doanh nghiệp thời điểm này chính là sức khỏe tài chính.

Hoạt động ngày càng khó khăn, dòng tiền vào thì ít và chi ra thì liên tục, cho nên mọi sự hỗ trợ dù lớn, dù nhỏ đều rất tốt. Những chính sách tài khóa, tiền tệ đều là phao cứu sinh của doanh nghiệp. Tuy nhiên giữa kỳ vọng với thực tiễn áp dụng chính sách vẫn còn những khoảng cách nhất định.

“Tài chính, dòng tiền như là máu của doanh nghiệp, tất cả mọi sự hỗ trợ mặc dù rất đáng quý nhưng để có thể vực dậy được hay chưa thì chưa đủ, vì nguồn lực chung đều hạn hẹp. Vì vậy nguyện vọng lớn nhất của doanh nghiệp lúc này là được hoạt động”, bà Thủy bày tỏ mong muốn của doanh nghiệp.

Cùng quan điểm, đại diện Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng để “cứu” doanh nghiệp, cần phải có những giải pháp chưa có tiền lệ.

“Trước mắt là mở cửa thị trường du lịch nội địa, nhưng về lâu dài phải là thị trường du lịch quốc tế. Để làm được điều này, chúng ta phải nhanh chóng triển khai ứng dụng công nghệ số từ cấp Chính phủ tới doanh nghiệp. Tuy nhiên, điều quan trọng là phải đồng bộ hóa từ cấp quản lý tới doanh nghiệp, tránh tình trạng mỗi nơi một khác như giai đoạn chống dịch trước đây”, bà Lan khuyến nghị.

Còn theo ông Trương Văn Cẩm, tình hình giờ đã rất cấp bách, Chính phủ cần hành động nhanh chóng để vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

“Chúng ta đặt mục tiêu kép là vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế nhưng chúng ta mới giao chỉ tiêu chống dịch cho địa phương mà không giao chỉ tiêu phát triển kinh tế. Do đó, địa phương nào cũng ra sức tìm mọi cách chống dịch để địa phương là vùng xanh mà quên đi nhiệm vụ phát triển kinh tế”, ông Cẩm nêu.

Do đó, Hiệp hội Dệt may kiến nghị Chính phủ cần sớm ban hành hướng dẫn doanh nghiệp vừa sản xuất vừa chống dịch để doanh nghiệp nhanh chóng bắt nhịp trở lại với đà phục hồi của các đối tác lớn. “Sớm trở lại chừng nào, doanh nghiệp tốt chừng đó. Có hoạt động, doanh nghiệp mới có tiền để phục hồi và phát triển”, ông Cẩm chia sẻ.

Ở góc độ khác, ông Phan Đăng Tuất, Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cho biết Covid-19 đã khiến nền kinh tế bộc lộ điểm yếu ngày càng rõ nét. “Khi chuỗi cung ứng vận hành bình thường, doanh nghiệp cơ khí vẫn hoạt động tốt. Tuy nhiên, khi chuỗi cung ứng đứt gãy, giá nguyên vật liệu đầu vào đắt gấp hai lần so với thường ngày, chúng ta “giật mình” nhận ra đã bỏ trống ngành công nghiệp vật liệu. Đây là khoảng trống cực kỳ nguy hiểm, do đó Việt Nam phải đặt vấn đề xây dựng ngành công nghiệp vật liệu hiện đại trong thời gian tới”, ông Tuất nhận định.

Ở góc độ vĩ mô, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế nhận định, thời gian qua những hỗ trợ của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với thế giới như diện hỗ trợ rộng, cách thức hỗ trợ nhiều, song quy mô hỗ trợ còn khá khiêm tốn so với mức trung bình của thế giới. Trong khi đó, ngoài những hỗ trợ về ngân sách, dư địa về chính sách hỗ trợ của Việt Nam còn rất lớn.

“Dù với hình thức nào thì những chính sách, gói hỗ trợ doanh nghiệp sắp tới cần quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, quyết định đủ nhanh mới có thể kịp thời phục hồi sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp”, TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh.

8 nhóm giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế

Với mục tiêu tạo nền tảng, hỗ trợ các động lực tăng trưởng giai đoạn phục hồi khi dịch Covid-19 đồng thời đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phù hợp với các mục tiêu, định hướng, tầm nhìn dài hạn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến đề xuất 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ nền kinh tế.

Nhóm giải pháp thứ nhất là kiểm soát dịch bệnh Covid-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng  nhằm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch bệnh Covid-19”.

Nhóm giải pháp thứ hai tập trung vào duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát.

Nhóm giải pháp thứ ba là hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Nhóm giải pháp thứ tư là phục hồi và phát triển ngành du lịch, kích cầu tiêu dùng trong nước.

Nhóm giải pháp thứ năm là hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp trong một số ngành, lĩnh vực ưu tiên bằng các giải pháp về hỗ trợ tín dụng; tài chính; sản xuất; phát triển chuỗi cung ứng bền vững nhất là các chuỗi giá trị ngành nông nghiệp, thủy sản; hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Nhóm giải pháp thứ sáu là phục hồi, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, bao gồm cả đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp FDI; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tập trung đầu tư các công trình hạ tầng quan trọng…

Nhóm giải pháp thứ bảy là phát triển vùng, đô thị, tháo gỡ thể chế để phát triển các đô thị lớn của cả nước.

Và nhóm giải pháp thứ tám là phát triển thị trường lao động và lực lượng lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, tăng cường kết nối cung- cầu lao động, hỗ trợ chuyển đổi nghề bền vững cho người lao động.

Khánh Vy

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Cơn sốt than thế giới tác động ra sao tới các ngành công nghiệp của Việt Nam? (12/10/2021)

>   Báo cáo Bộ Chính trị việc thành lập khu thương mại tự do tại Hải Phòng (12/10/2021)

>   Mở đi lại liên tỉnh, vẫn phập phồng lo (12/10/2021)

>   Doanh nghiệp F&B ở TP.HCM trả mặt bằng (12/10/2021)

>   Kiểm toán NN: PV Gas, MobiFone để phát sinh nợ phải thu quá hạn lớn (11/10/2021)

>   Đề xuất cho Hải Phòng thành lập Khu thương mại tự do giống đặc khu (11/10/2021)

>   Doanh nghiệp da giày: Mong được tự chịu trách nhiệm trong phòng, chống dịch (11/10/2021)

>   Người lao động là nguồn lực, đừng xem là nguồn lây (11/10/2021)

>   Khôi phục vận tải khách liên tỉnh từ 13/10 (11/10/2021)

>   Thủ tướng yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm mở lại đường bay nội địa (10/10/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật