Chính sách tài khóa - tiền tệ trong hoàn cảnh đặc biệt
Trong 2 năm 2020-2021 bị tác động nặng nề bởi dịch Covid-19, ngân sách nhà nước (NSNN) và doanh thu của doanh nghiệp (DN) eo hẹp vì thu giảm, chi tăng do hệ quả tất yếu khi buộc phải giãn cách hơn 3 tháng qua tại nhiều địa phương, trong đó có vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam bộ. Hiện Chính phủ đang nỗ lực tính toán để có thêm nguồn hỗ trợ cho DN và người dân.
Dư địa cho chính sách tài khóa có còn?
Theo Tổng cục thống kê từ đầu năm đến ngày 29-9, thu NSNN từ đầu năm đến 15-9 ước đạt 1.034.200 tỷ đồng, bằng 77% dự toán năm. Cũng từ đầu năm đến 15-9, tổng chi NSNN ước đạt 975.600 tỷ đồng, bằng 57,8% dự toán năm, trong đó chi thường xuyên đạt 689.300 tỷ đồng, bằng 66,5%; chi đầu tư phát triển 202.200 tỷ đồng, bằng 42,4%; chi trả nợ lãi 77.700 tỷ đồng, bằng 70,6%.
Tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến số thu NS trong các tháng tới.
Đến nay, có thể nói dư địa cho chính sách tài khóa tuy vẫn còn, nhưng có một số vấn đề cần cân nhắc khi sử dụng. Đó là tỷ lệ thu thuế/GDP thấp; khả năng mở rộng cơ sở thu thuế, tiếp cận thị trường tài chính quốc tế, chính sách tài khóa còn nhiều điểm chưa thông theo tính nghịch chu kỳ; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ so với thu NS đã vượt quy định trong vài năm tới, do nhiều khoản vay đến hạn trả.
Chính sách tiền tệ không còn nhiều dư địa do 4 vấn đề: nợ xấu; lãi suất huy động đã ở mức thấp trong lịch sử và so với tỷ lệ lạm phát không còn nhiều khoảng cách; năng lực của tổ chức tài chính còn hạn chế; đáp ứng vốn tài chính cho nền kinh tế phụ thuộc nhiều hệ thống ngân hàng (NH).
TS. Nguyễn Đức Kiên
|
Đặc điểm nền kinh tế nước ta là thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nên Chính phủ có trong tay nguồn vật chất rất lớn là DNNN (tổng tài sản 3 triệu tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 1,42 triệu tỷ đồng).
Do vậy, để mở rộng nguồn vốn, Chính phủ cần thông qua nguồn tài sản này, áp dụng đúng các quy luật, kinh nghiệm của nền kinh tế thị trường, giao quyền tự chủ cho người đại diện phần vốn tại DN để thực hiện đầu tư các dự án theo kế hoạch đầu tư trung hạn.
Theo đó, DNNN được quyền đem vốn và tài sản thế chấp tại NH để đầu tư các dự án đó, và phải chịu sự “trừng phạt” của thị trường nếu công tác quản trị yếu kém. Kinh nghiệm từ Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đầu tư 6.894 tỷ đồng để nắm giữ tối thiểu 31,08% vốn điều lệ của Tổng công ty Hàng không Việt Nam, là mô hình tốt.
Vì vậy, Chính phủ cần vận dụng đồng bộ cả chính sách tài khóa, tiền tệ và đặc biệt sử dụng DNNN như công cụ linh hoạt để phục hồi, dẫn dắt nền kinh tế.
Tình thế đặc biệt cần giải pháp đặc biệt
Bên cạnh chính sách tài khóa, giải pháp tín dụng cũng hết sức quan trọng và cần thiết. Qua nghiên cứu kinh nghiệm xử lý khủng hoảng 2008-2009, có thể đề xuất nhóm giải pháp:
Về giải pháp tín dụng, trong đó sử dụng nguồn vốn từ NSNN (vốn đầu tư công chưa sử dụng) giao cho NHNN quản lý điều phối để tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng. Thời gian thực hiện trong 2 năm 2022-2023.
Về triển khai, theo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn, chẳng hạn như CHLB Đức và Thụy Sĩ, Chính phủ ủy quyền cho NHNN thực hiện cho vay tái cấp vốn với lãi suất ưu đãi cho mục đích tài trợ vốn lưu động, gồm 2 cấu phần tiền lương cho công nhân viên, các chi phí lưu động duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh khi thực hiện biện pháp giãn cách và phương án phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch.
Về đối tượng thụ hưởng, các DN được tiếp cận gói tín dụng này là DN sử dụng nhiều lao động nằm trong các khu vực đang thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt; DN có lợi thế về thị trường đầu ra và xuất khẩu cần được ưu tiên hỗ trợ làm động lực phục hồi kinh tế sau dịch.
Các tiêu chí phê duyệt sự tiếp cận của DN với các khoản vay tái cấp vốn này do các bộ ngành chức năng có liên quan xây dựng, ban hành trên cơ sở cân đối tình hình thực tế, dung lượng gói tín dụng và triển vọng kinh tế.
Về nguồn lực, vốn đầu tư công chưa được thực hiện giải ngân do nhiều lý do, trong đó có sự ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19 đang bị ứ đọng, gây ra những lãng phí khi đặt lên vai Chính phủ nghĩa vụ trả lãi vay, nhưng lại không tạo ra hiệu quả kinh tế.
Theo Nghị quyết 22/2021/QH-15, số tiền chi chuyển nguồn NSNN mà phần lớn là chi đầu tư phát triển, từ năm 2019 sang 2020 lên tới 592.649 tỷ đồng, trong khi nguồn lực của đất nước cho các công tác phòng chống dịch và hỗ trợ nền kinh tế lại đang ngày càng trở nên hạn hẹp.
Tất nhiên, vì nguồn lực dành cho hỗ trợ không dồi dào, chính sách hỗ trợ về tín dụng cũng phải có trọng tâm. Về phía cầu, chỉ nên hỗ trợ một phần chi phí vay vốn và kéo giãn thời gian trả nợ cho khách hàng.
Về phía cung, cho phép kéo giãn các quy định đáp ứng bảo đảm an toàn vốn, trích lập dự phòng và đảm bảo thanh khoản. Lý do cơ bản, DN và người dân đã và sẽ tiếp tục suy giảm năng lực tài chính và sản xuất kinh doanh, nên khả năng vay vốn và trả nợ, đặc biệt trong bối cảnh tương lai bất định hơn nhiều so với khủng hoảng 2008-2009, cũng suy giảm theo.
Trong khi đó, năng lực quản trị và tài chính của các NHTM chưa đạt được mức tiêu chuẩn của thông lệ quốc tế và nền kinh tế vẫn phụ thuộc quá lớn vào tín dụng NH (xấp xỉ 120% GDP).
3 phương án thực hiện chính sách đặc thù
Cũng phải nói rõ, đây là chính sách đặc thù do hiện tại chưa có quy định pháp luật về việc sử dụng nguồn vốn chuyển nguồn của vốn đầu tư công cho các mục đích khác. Tuy nhiên, đây là biện pháp rất cấp bách, chưa từng có tiền lệ để phục vụ mục đích quan trọng trước mắt.
Trong hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn chồng chất theo những cách chưa bao giờ có như hiện nay, cần mạnh dạn thực hiện những giải pháp đặc biệt, mới hy vọng sự chuyển biến có tính đột phá.
|
Theo đó, phương án 1 là duy trì hoạt động DN, hạn chế tối đa số DN dừng hoặc đóng cửa do không tiếp cận được nguồn vốn, dù có thị trường và năng lực sản xuất. Về bản chất, số tiền này đã nằm trong tổng số vốn đầu tư Quốc hội đã phê duyệt, không tạo ra bội chi NS trong giai đoạn 5 năm, tức vẫn đảm bảo các chỉ tiêu về bội chi NS do Quốc hội đề ra.
Do vậy, chính sách mới này cần được nằm trong các chính sách đặc thù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội thông qua, ủy quyền cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trực tiếp xử lý để đối phó với tác động của dịch bệnh.
Phương án 2, phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) để có nguồn lực thực hiện đồng thời 2 nhiệm vụ hỗ trợ DN phục hồi sau đại dịch và tái cơ cấu nền kinh tế. Trong những năm tới, một trong những nhiệm vụ tiên quyết, hàng đầu Chính phủ đã xác định là thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế.
Điều cần lưu ý, nguồn vốn cho vay để tái cơ cấu kinh tế (lấy từ nguồn phát hành trái phiếu) được dành cho những DN có tiềm năng tạo ra đột phá về tái cơ cấu kinh tế, được lựa chọn theo quan điểm của Chính phủ.
Kiến nghị này xuất phát từ một số cơ sở. Thứ nhất, để tái cơ cấu kinh tế, Chính phủ cần có nguồn lực thực sự.
Thứ hai, muốn định hướng hoạt động của DN theo quy hoạch của mình, Chính phủ cần tạo cho DN môi trường hoạt động bình đẳng với quốc tế, trong bối cảnh quy mô tài chính, công nghệ của các DN trong nước còn non yếu hơn, chưa làm chủ được thị trường, kinh nghiệm thương trường còn mỏng…
Khi có nguồn lực từ trái phiếu, Chính phủ có thể sử dụng để cho DN vay theo từng gói nhiệm vụ cụ thể với các cam kết cụ thể như để tạo việc làm, hay đầu tư để bảo vệ môi trường…
Phương án 3, sử dụng đòn bẩy từ DNNN. Chính phủ giao Ủy ban Quản ký vốn chịu trách nhiệm điều phối nguồn lực của các tập đoàn, tổng công ty (TĐ, TCT) đang quản lý để đầu tư vào những dự án trọng điểm Chính phủ quyết định sẽ đầu tư trong giai đoạn 2021-2030, như tuyến đường sắt khổ 1.435mm chạy dọc đất nước.
Các TĐ, TCT nhà nước phải hợp vốn để nghiên cứu, trình Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư. Hoặc các DN thuộc thành phần kinh tế khác tham gia dự án phát triển năng lượng bền vững, Nhà nước có trách nhiệm tạo thị trường đủ lớn để tiêu thụ sản phẩm của DN bằng luật và các quy định về môi trường.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn về kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính
|