Cổ phiếu ngân hàng “lình xình” trong tháng 9
Nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục trải qua 1 tháng giao dịch ảm đạm với gam màu đỏ thường xuyên “chiếm ngự” và thanh khoản sụt giảm mạnh.
Kết thúc phiên 30/09 cũng là ngày cuối cùng TP.HCM thắt chặt giãn cách xã hội sau hơn 2 tháng để chống dịch Covid-19, chỉ số VN-Index tăng 10.59 điểm, tương đương tăng nhẹ 1% so với cuối tháng 8, đóng cửa ở mức 1,342.06 điểm. Trong khi đó, dữ liệu VietstockFinance cho thấy, chỉ số ngành ngân hàng vào cuối phiên 30/09 giảm 0.38 điểm, tương đương giảm 0.1% so với cuối phiên 31/08, xuống còn 580.38 điểm.
Vốn hóa tụt hơn 6,100 tỷ đồng
Trong tháng 9, giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng giảm 6,171 tỷ đồng, xuống còn gần 1.69 triệu tỷ đồng (tính đến phiên 30/09/2021), tỷ lệ giảm không đáng kể so với mức hơn 1.69 triệu tỷ đồng của phiên cuối tháng 8.
Nguồn: VietstockFinance
|
Ở nhóm ngân hàng “gốc” Nhà nước, vốn hóa BIDV (BID) nhích nhẹ 1%, trong khi Vietcombank (VCB) và VietinBank (CTG) lần lượt giảm 2% và 4%.
Về phía khối ngân hàng cổ phần tư nhân, vốn hóa tăng mạnh 22% so với cuối tháng 8, cổ phiếu TPB trở thành điểm sáng giữa bối cảnh vốn hóa của nhiều nhà băng sụt giảm trong tháng qua.
Khép lại 3 tháng giao dịch ảm đạm với mức giảm 15% kể từ đỉnh hồi tháng 6 của cổ phiếu dòng bank khi mà TP.HCM thắt chặt giãn cách xã hội để chống dịch, ở thời điểm hiện tại, giới đầu tư vẫn đang e ngại về khả năng hồi phục giá của nhóm cổ phiếu này trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2021 bởi vì hầu hết các dự báo đều cho rằng, dịch bệnh, lãi suất và việc thu hồi các khoản nợ xấu có thể sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận cuối năm của nhóm bank.
Theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược Thị trường của CTCK KB Việt Nam (KBSV), để đánh giá nhóm cổ phiếu ngân hàng thì cần phải phân tích trong bối cảnh dài hạn, trung hạn và ngắn hạn.
Về mục tiêu dài hạn thì nhóm ngành ngân hàng vẫn được đánh giá là đang ở mức tương đối hấp dẫn.
Còn mục tiêu ngắn và trung hạn: “Nhà đầu tư cần có quan điểm thận trọng hơn mặc dù đây vẫn là ngành có thể đầu tư được. Theo đó, nên tập trung vào những cổ phiếu trong ngành mà có số liệu báo cáo mới đây cho thấy chất lượng tài sản được duy trì tương đối tốt, tỷ lệ nợ xấu thấp, tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức cao và có tệp khách hàng khá ổn định và đảm bảo không bị ảnh hưởng quá nặng nề bởi tình hình dịch Covid-19”, ông Đức Anh khuyến nghị.
Nguồn: VietstockFinance
|
Thanh khoản “vơi dần”
Trong tháng qua, có gần 118 triệu cp ngân hàng được chuyển giao mỗi ngày, giảm 31% so với tháng 8. Theo đó, giá trị giao dịch giảm 31%, còn hơn 3,924 tỷ đồng/ngày. Đây là tháng thứ 3 ghi nhận thanh khoản cổ phiếu ngân hàng sụt giảm.
Nguồn: VietstockFinance
|
Phần lớn thanh khoản cổ phiếu của các ngân hàng đều giảm mạnh so với tháng 8. Trong đó, ACB (-59%) là nhà băng có thanh khoản giảm mạnh nhất, xuống còn 5.1 triệu cp/ngày.
Đáng chú ý, cổ phiếu KLB có thanh khoản tăng mạnh nhất, gấp 12.2 lần so với tháng trước, lên 1.2 triệu cp/ngày. Xếp thứ hai là cổ phiếu TPB gấp 2.02 lần tháng 8, đạt 9.3 triệu cp/ngày.
Tháng 9 này, thanh khoản cổ phiếu SHB vươn lên vị trí dẫn đầu, với khối lượng khớp lệnh bình quân mỗi ngày hơn 14 triệu cp, nhưng giảm 25% so tháng 8.
Trong khi đó, VBB vẫn là ngân hàng có thanh khoản thấp nhất nhóm ngân hàng chỉ với 53,684 cp được giao dịch mỗi ngày, giá trị giao dịch chỉ gần 928 triệu đồng/ngày.
Nguồn: VietstockFinance
|
Khối ngoại mua ròng hơn 680 tỷ đồng
Trong tháng 9, khối ngoại đã mua ròng gần 23 triệu cp ngân hàng, giảm 57% so với tháng trước. Theo đó, giá trị mua ròng đạt 681 tỷ đồng, giảm 54%.
Nguồn: VietstockFinane
|
Đáng chú ý, MBB là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng mạnh nhất với hơn 29 triệu cp, tăng 16% so với tháng 8. Giá trị mua ròng tương đương 813 tỷ đồng, tăng 13%.
Ngược lại, HDB là mã cổ phiếu có khối ngoại bán ròng mạnh nhất với gần 10 triệu cp, tương đương 243 tỷ đồng, trong khi tháng trước khối ngoại mua ròng gần 6 triệu cp HDB, giá trị hơn 196 tỷ đồng
Bên cạnh đó STB, BID, VPB, NVB, EIB. PGB, VAB, TPB là những nhà băng còn lại có khối ngoại bán ròng.
Ái Minh
FILI
|