Dịch vụ
VPB – Cổ phiếu giá trị với tiềm năng tăng giá đến 50%
Thời gian gần đây, trên thị trường có nhiều thông tin tích cực về lợi nhuận ấn tượng của ngành ngân hàng, các quan điểm về triển vọng tích cực của ngành ngân hàng nói chung và VPBank nói riêng.
Những thông tin tích cực về kết quả lợi nhuận của VPBank 6 tháng đầu năm 2021, cùng với việc bán vốn tại FE Credit, việc tìm kiếm đối tác chiến lược cũng đã tạo ra được những dư luận tích cực về cổ phiếu VPB. Đáp lại nền tảng cơ bản mạnh mẽ cùng tăng trưởng ấn tượng của VPBank, qua khảo sát có thể thấy các công ty chứng khoán đang cùng nhau nâng giá mục tiêu cho cổ phiếu Ngân hàng này.
Cách đây chưa tới 1 tuần, CTCK SSI đã nâng mức giá khuyến nghị VPB lên hơn 70 nghìn đồng/cổ phiếu, tương đương với tiềm năng tăng giá 16% so với thị giá ngày 23/08/2021 với các luận điểm chính: (i) Lợi nhuận tăng mạnh nhờ tăng trưởng tín dụng và NIM cải thiện cũng như chi phí nhân sự được kiểm soát, (ii) kế hoạch phát hành riêng lẻ cho đối tác chiến lược sẽ có tác động tích cực, (iii) vốn điều lệ có thể được đề xuất tăng lên ít nhất 75 nghìn tỷ đồng tại ĐHCĐ 2022.
Vào ngày 11/08/2021 CTCK MB (MBS) đã đưa ra khuyến nghị với mức giá mục tiêu đột phá là 86,900 đồng/cổ phiếu, cao hơn 43% so với thị giá dựa trên: (i) Tăng trưởng tín dụng cao sau năm 2022 nhờ tăng vốn, (ii) củng cố vị thế mảng tín dụng tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển mảng bán lẻ, (iii) tăng trưởng CASA cho mục tiêu dài hạn, (iv) NIM tiếp tục được gia tăng trong những năm tiếp theo với việc VPBank sẽ tiếp tục duy trì vị thế trong mảng cho vay tiêu dùng, đồng thời sẽ tiếp tục chủ động trích lập dự phòng cao.
4 ngày trước đây, CTCK Bản Việt (VCI) cũng đã nâng mức giá khuyến nghị VPB lên hơn 86,000 đồng/cổ phiếu do nâng dự báo lợi nhuận ròng tổng cho giai đoạn 2021-2025. VCI là đơn vị đã tư vấn cho VPBank trong thương vụ bán 49% vốn điều lệ FE Credit cho đối tác chiến lược Sumitomo, là một trong những công ty chứng khoán có uy tín lớn trong việc tư vấn và đưa ra các khuyến nghị.
Việc các đơn vị nâng giá mục tiêu của cổ phiếu VPB cho thấy thị trường đang dần thừa nhận tiềm năng tăng trưởng về giá của cổ phiếu VPBank trong thời gian tới và cho thấy sự hấp dẫn ngày càng lớn của cổ phiếu VPB. Với tiềm năng tăng giá từ 40 đến 50%, có thể khẳng định cổ phiếu VPB hiện đang được giao dịch dưới giá trị thực mà cổ phiếu này xứng đáng được hưởng hay nói cách khác đang có định giá rất hấp dẫn.
Dù có nhiều cách tiếp cận trong việc định giá cổ phiếu của doanh nghiệp, tùy vào đặc thù của từng ngành nhưng để xác định giá trị thực của một mã cổ phiếu thuộc ngành ngân hàng thì phương pháp chiết khấu thu nhập thặng dư (Residual Income – RI) là phương pháp thông dụng và hiệu quả được các chuyên gia trong ngành sử dụng vì phương pháp này phản ánh được giá trị thực được tạo ra trong tương lai mà ngân hàng sẽ đem lại cho các cổ đông. Định giá giá trị cổ phiếu VPBank theo phương pháp RI sẽ đạt mức 90,300 đồng/cổ phiếu (tại suất chiết khấu 12.5%) tương đương tiềm năng tăng giá xấp xỉ 50% so với mức thị giá hiện tại. Giả định chính như sau: (i) Tốc độ tăng trưởng tín dụng dự báo cho 2021 đạt 15.2% và tăng lên 18% trong 2022, (ii) tăng trưởng tiền gửi 2021 dự báo đạt 9.5% chủ yếu đến từ tiền gửi có kỳ hạn, (iii) tỷ lệ CASA ước tính khoảng 20% trong giai đoạn 2021-2025, (iv) Biên lãi thuần (NIM) dự báo được cải thiện nhờ tiếp tục tối ưu hóa bảng cân đối và tỷ lệ Dư nợ trên vốn huy động (LDR) ước tính đạt 100%, (v) chi phí Dự phòng rủi ro tín dụng dự báo tăng 24.1% trong 2021 đảm bảo mức độ thận trọng cho chất lượng tài sản với điều kiện thị trường hiện nay, (vi) Tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 48 ngàn tỷ đồng ( tăng 22.9% so với cùng kỳ), Lợi nhuận trước thuế (PBT) đạt 17,718 tỷ đồng (tăng 36.1% so với cùng kỳ) và tỷ lệ Chi phí hoạt động trên Tổng thu nhập (CIR) đạt 25.5% vào cuối 2021.
Như vậy, với kết quả định giá của SSI, MBS, VCI, cổ phiếu VPB có tiềm năng tăng giá lớn nếu các kế hoạch tài chính và dòng tiền của Ngân hàng diễn ra theo đúng kế hoạch.
Bình Trần
FILI
|