Thứ Năm, 12/08/2021 19:56

"Sốc tâm lý" do Covid-19: Người Trung Quốc làm việc ít hơn, chi tiêu ít hơn

"Đại dịch Covid-19 đã gây ra một cú sốc tâm lý với các hộ gia đình trung bình ở Trung Quốc. Đã có sự thay đổi căn bản trong hành vi tiêu dùng của một bộ phận người dân với tâm lý lo lắng hơn, bất chấp sự phục hồi của nền kinh tế”...

Dù doanh thu bán lẻ đạt mức cao trong nửa đầu năm nay, niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc vẫn chưa phục hồi trở lại mức trước đại dịch - Ảnh: Reuters

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang bình thường hóa trở lại sau quãng thời gian tồi tệ nhất của đại dịch Covid-19 năm ngoái. Tuy nhiên, quan ngại về các biến thể virus mới cùng với những gián đoạn kinh tế kèm theo đó đang kéo tụt sự phục hồi trong chi tiêu tiêu dùng tại quốc gia này. 

LÀM VIỆC ÍT HƠN, CHI TIÊU ÍT HƠN, "NẰM YÊN MẶC KỆ ĐỜI"

Theo các nhà phân tích, dù doanh thu bán lẻ đạt mức cao trong nửa đầu năm nay, niềm tin của người tiêu dùng nước này vẫn chưa phục hồi trở lại mức trước đại dịch do cách tiếp cận “tận diệt” virus trong kiểm soát dịch bệnh của chính phủ cũng như các báo cáo về hiệu quả thấp của các loại vaccine Trung Quốc trước biến thể Delta. 

Theo tờ South China Morning Post, từ giữa tháng 5, biến thể Delta với khả năng lây nhiễm cao hơn bắt đầu xuất hiện tại tỉnh Quảng Đông, đến nay đã lan ra 17 tỉnh và khu vực tại Trung Quốc, đe dọa đà phục hồi kinh tế. Ngày 10/8, Trung Quốc đại lục ghi nhận 143 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm từ khi dịch bùng phát lên 93.939 ca, trong đó có 4.636 ca tử vong.

“Đại dịch đã gây ra một cú sốc tâm lý với các hộ gia đình trung bình ở Trung Quốc”, nhà kinh tế Nigel Chiang của Centennial Asia Advisors cho biết. “Đã có sự thay đổi căn bản trong hành vi tiêu dùng của một bộ phận người dân với tâm lý lo lắng hơn, bất chấp sự phục hồi của nền kinh tế”. 

Tâm lý chán nản cuộc sống theo đuổi tiền tài ngày càng phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Theo ông Chiang, trước đại dịch, các hộ gia đình Trung Quốc vốn đã có tâm lý bất an với tình hình tài chính cá nhân do nhiều yếu tố như lương hưu không đủ, vấn đề về khả năng mua nhà, dân số già hóa… Tuy nhiên, giờ đây xuất hiện nhiều dấu hiệu cho thấy sự thay đổi về tâm lý của người tiêu dùng Trung Quốc do tác động của đại dịch Covid-19. Điều này giải thích vì sao nhiều người thành thị Trung Quốc muốn chi tiêu ít hơn và làm việc ít hơn, ông Chiang chỉ ra.

Những cụm từ như “mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn” hay “nằm phẳng” bắt đầu phổ biến trên trên các mạng xã hội của Trung Quốc vài tháng gần đây, phản ánh tâm lý chán nản cuộc sống theo đuổi tiền tài trong giới trẻ nước này, ông Chiang cho biết. 

“Mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn” (Involution) là cụm từ dùng để chỉ việc một người dù có nỗ lực trong công việc hay học tập đến đâu cũng không thể cải thiện cuộc sống khi phải đối mặt với chi phí sinh hoạt gia tăng cùng sự cạnh tranh khốc liệt. 

Còn “nằm phẳng” (lying flat) nổi lên như một trào lưu nhằm đối mặt với “vòng luẩn quẩn” nói trên, hay nói cách khác là “nằm yên mặc kệ sự đời”. 

Theo giới phân tích, kinh tế Trung Quốc dù phục hồi mạnh mẽ nhưng lại không làm tăng niềm tin tiêu dùng. Điều này có nguy cơ làm trầm trọng thêm các vấn đề về cấu trúc nội tại của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, và sau cùng gây áp lực lên tăng trưởng. 

“Hệ quả chính của việc chi tiêu tiêu dùng yếu là làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập và chênh lệch giữa các vùng miền”, Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, cho biết. 

Theo Zhang, so với hai năm trước, chi tiêu tiêu dùng tại các tỉnh Hải Nam, An Huy và Cát Lâm đã tăng hơn 20% trong quý 2, nhưng mức chi tiêu ở Hồ Bắc và Liêu Ninh vẫn chưa phục hồi mức trước đại dịch. 

“Sự phân hóa ở cấp thành phố cũng khá nghiêm trọng. Có tới 5 thành phố trực thuộc tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương chưa trở lại mức doanh số bán lẻ như 2 năm trước”, Zhang cho biết. “Trong năm qua, tốc độ tăng thu nhập của các gia đình thu nhập thấp ở Trung Quốc tương đối thấp. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến mức tiêu dùng yếu như hiện nay”.

TIÊU DÙNG TƯ NHÂN CHƯA THỂ PHỤC HỒI TRONG 5 NĂM TỚI

Theo Hui Shan, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại  Goldman Sachs, chưa rõ liệu sự sụt giảm trong tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình gần đây có phải là dấu hiệu cho thấy chi tiêu tiêu dùng sẽ phục hồi bền vững hay không. Sau khi duy trì ở mức tương đối cao suốt một năm qua, tỷ lệ tiết kiệm của hộ gia đình tại Trung Quốc đã giảm xuống 30,5% trong quý 2, từ mức 33,3% quý trước đó. 

Nhà kinh tế Yue Su của Economist Intelligence Unit (EIC) cho rằng, chính phủ Trung Quốc sẽ đối mặt với thách thức trong việc phục hồi nhu cầu nội địa và ngăn chặn thị trường việc làm xấu đi trong nửa cuối năm nay. 

“Chúng tôi cho rằng tiêu dùng tư nhân tại Trung Quốc sẽ chưa thể phục hồi về mức tăng trưởng trước đại dịch trong khoảng năm 2021-2025 do các vấn đề cấu trúc liên quan tới mức tăng lương và tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ”, bà Yue cho biết. “Tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ (từ 16-24 tuổi), nhóm có xu hướng làm việc nhiều hơn, tiếp tục tăng. Điều này cũng đồng nghĩa những người còn lại trên thị trường lao động sẽ phải làm việc nhiều hơn”. 

Tâm lý chán nản cuộc sống theo đuổi tiền tài ngày càng phổ biến trong giới trẻ Trung Quốc - Ảnh: Getty Images

Tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ Trung Quốc đã tăng lên 15,4% trong tháng 6, từ mức 13,1% hồi tháng 2 và 12,3% của tháng 12/2020. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm 25-59 tuổi giảm xuống còn 4,2% trong tháng 6, từ mức 5% của tháng 2, đánh dấu mức thấp nhất kể từ năm 2017 - khi con số này bắt đầu được thống kê trong cơ sở dữ liệu CEIC toàn cầu. 

Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc được dự báo giảm tốc ở mức vừa phải vào nửa cuối năm nay. Theo dự báo của nhiều nhà kinh tế, tăng trưởng GDP của nước này dự báo đạt khoảng 5,5-6% trong 6 tháng cuối năm, giảm từ mức 12,7% của nửa đầu năm. Cả năm 2021, kinh tế Trung Quốc được dự báo tăng trưởng khoảng 8%, vượt xa mức mục tiêu ít nhất 6% của chính phủ nước này. 

“Trung Quốc vẫn là trung tâm sản xuất của thế giới”, giáo sư Liu Yipeng, Giám đốc Trung tâm Quản trị và kinh doanh toàn cầu Trung Quốc tại Anh, cho biết. “Cấu trúc kinh tế hiện tại sẽ vẫn tiếp tục được duy trì, vì vậy chúng ta có thể kỳ vọng mức tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải hoặc thậm chí đầy hứa hẹn của Trung Quốc”. 

Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều rủi ro, đặc biệt là khi sự bùng nổ xuất khẩu hậu Covid của Trung Quốc đang lên đến đỉnh điểm và chi phí nguyên liệu thô ở mức cao cũng như thiếu hụt nguồn cung ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất.

Theo các nhà phân tích, nhu cầu mua sắm những mặt hàng giá trị cao như ôtô điện thoại vốn bị dồn nén trong đại dịch giờ đây hầu như đã được đáp ứng. Do đó, chi tiêu tiêu dùng có thể sẽ sụt giảm, khiến tăng trưởng kinh tế rơi xuống khoảng 5,2-5,5% trong năm 2022. 

“Chúng tôi dự báo tăng trưởng GDP thực của Trung Quốc đạt 8,5% trong năm 2021, và giảm xuống 5,2% trong năm 2022”, bà Yue của EIC cho biết. 

EIC dự báo tăng trưởng của Trung Quốc sẽ giảm hơn nữa trong giai đoạn 2022-2025 khi cấu trúc nền kinh tế thay đổi rõ rệt hơn và mô hình “lưu thông kép” của Bắc Kinh sẽ làm trầm trọng hơn sự kém hiệu quả của nền kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh mâu thuẫn địa chính trị.

Chính phủ Trung Quốc lần đầu tiên từ bỏ mục tiêu tăng trưởng kinh tế hàng năm vào năm 2020 do những bất ổn gây ra bởi đại dịch Covid-19. Nước này cũng đang dần chuyển đổi thước đo kinh tế chính từ tăng trưởng kinh tế sang chú trọng việc giải quyết bất bình đẳng xã hội và an toàn quốc gia. 

“Hiện tại, đại dịch toàn cầu vẫn đang tiếp tục lây lan và chứa đầy yếu tố bất ổn”, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc ch biết sau khi công bố dữ liệu GDP quý 2 hồi đầu tháng này. “Trong khi đó, sự phục hồi kinh tế trong nước vẫn chưa đồng đều. Do đó, vẫn cần nỗ lực nhiều hơn nữa để củng cố các nền tảng phục hồi và phát triển ổn định”. 

Hoài Thu

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Nỗi lo của người Mỹ: Lạm phát tăng mạnh hơn tiền lương (12/08/2021)

>   Vì sao Mỹ kêu gọi OPEC tăng sản lượng khai thác dầu? (12/08/2021)

>   CPI Mỹ tăng 5.4% trong tháng 7 (12/08/2021)

>   Ba kim loại sẽ ‘hot’ nhờ nhu cầu năng lượng tái tạo tăng vọt (12/08/2021)

>   Thượng viện Mỹ thông qua gói hạ tầng 1,000 tỷ USD, chờ Hạ viện phê duyệt (11/08/2021)

>   Những rủi ro gì đi kèm với chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại? (14/08/2021)

>   Fed sắp đến thời điểm giảm chương trình mua tài sản? (10/08/2021)

>   Trung Quốc sắp gia hạn cắt giảm sản lượng thép tại Đường Sơn? (10/08/2021)

>   Người dân Trung Quốc ngập trong nợ nần vì mua bất động sản (10/08/2021)

>   Xuất khẩu của Trung Quốc chững lại trong tháng 7 (09/08/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật