Người dân Trung Quốc ngập trong nợ nần vì mua bất động sản
Từ tháng 5, Jane Zeng trằn trọc nhiều đêm sau khi chồng của cô tiết lộ về các khoản nợ khổng lồ của gia đình.
Vài năm qua, chồng Zeng vay ngân hàng để mua một căn nhà mặt đất 70 m2 và hai căn hộ ở Thâm Quyến, đồng thời thế chấp các bất động sản để vay vốn đầu tư kênh khác.
Mặc dù giá trị bất động sản đã tăng vượt 18 triệu Nhân dân tệ (2.77 triệu USD), nhưng họ chỉ còn 200,000 Nhân dân tệ (31,000 USD) tiền tiết kiệm và cần tới 60,000 Nhân dân tệ để trả nợ mỗi tháng đối với khoản vay gần 10 triệu Nhân dân tệ.
“Núi nợ đang đè nặng lên đôi vai và làm giảm chất lượng cuộc sống của chúng tôi. Ngoại trừ học phí trường quốc tế cố định của các con, tôi cố hết sức để giảm chi tiêu xuống còn 5,000 Nhân dân tệ mỗi tháng. Tôi luôn sợ chúng tôi không có đủ tiền trả lãi ngân hàng mỗi tháng”, Zeng (hiện đã hơn 40 tuổi) than thở.
“Các bất động sản đang tăng giá, nhưng tôi cảm giác như chúng tôi rơi vào tình thế chênh vênh. Hàng ngày tôi sợ rằng chúng tôi không có tiền để trả vay thế chấp trong tháng tới”.
Vấn đề của gia đình Zeng gióng lên hồi chuông cảnh báo về núi nợ ngày càng gia tăng của các gia đình Trung Quốc. Đây là một yếu tố đe dọa sự hồi sinh về chi tiêu tiêu dùng - một yếu tố mà Chính phủ Trung Quốc dựa vào để thúc đẩy nền kinh tế trong nửa cuối năm.
Nợ hộ gia đình tăng nhanh chóng vì nhiều lý do, nhưng xu hướng thể hiện rõ ràng nhất ở các hộ gia đình trung lưu. Họ ồ ạt vay tiền để mua bất động sản hoặc đầu tư chứng khoán, đồng thời dùng các tài sản này để thế chấp, vay thêm vốn đầu tư, dẫn tới tình trạng thiếu tiền mặt trầm trọng.
Thống kê của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy tính đến cuối quý 2 năm nay, tổng nợ hộ gia đình nước này chạm mức 62% GDP. Tính đến cuối năm ngoái, nợ hộ gia đình tại quốc gia 1,4 tỷ dân vượt kỷ lục 130% thu nhập khả dụng.
Việc thế chấp các tài sản hiện có để đi đầu tư đẩy nhiều người rơi vào thế kẹt tiền để trả nợ, thường buộc họ phải bán đi các khoản nắm giữ hiện tại ở giá thấp để có tiền trả nợ.
Nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) – vốn chưa hoàn hồn từ đại dịch Covid-19 – đang phải vay nợ cá nhân để duy trì hoạt động kinh doanh. Những người khác đang đi vay để trang trải cuộc sống, họ thường sử dụng các dịch vụ cho vay từ các ứng dụng mới vì quy trình nhanh chóng và dễ dàng.
Cho dù lý do là gì, việc trả nợ đang bào mòn thu nhập khả dụng của người dân Trung Quốc. Nếu không, họ đã có thể sử dụng để mua hàng hóa và dịch vụ để hỗ trợ nền kinh tế.
Chuyển dịch mô hình sang dựa vào tiêu dùng
Trong bối cảnh bất định vì đại dịch, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc đã đẩy mạnh kế hoạch chuyển từ mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư sang mô hình tập trung hơn vào thị trường nội địa khổng lồ của nước này. Tuy nhiên, khi nợ hộ gia đình tăng lên, ngày càng nhiều chuyên gia lo ngại rằng kế hoạch này có thể gặp khó khăn.
Thống kê của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cho thấy tính đến cuối quý 2/2021, tổng nợ hộ gia đình nước này chạm mức 62% GDP, giảm 0.1 điểm phần trăm so với mức kỷ lục xác lập hồi năm 2020. Tính đến cuối năm ngoái, nợ hộ gia đình tại quốc gia 1.4 tỷ dân vượt kỷ lục 130.0% thu nhập khả dụng.
NHTW Trung Quốc bất ngờ thông báo giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) trong tháng trước, giải phóng 1,000 tỷ Nhân dân tệ (154.6 tỷ USD) thanh khoản. Các chuyên viên phân tích cho rằng động thái này cho thấy sự cấp bách của Bắc Kinh trong việc giảm bớt chi phí của các khoản vay ngân hàng và áp lực lên các doanh nghiệp SME.
Với lĩnh vực tư nhân (lĩnh vực tạo ra lượng việc làm lớn nhất Trung Quốc), động thái giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc có thể được xem là nỗ lực giải quyết sự khó khăn trên thị trường việc làm và nợ của hộ gia đình.
Đối với Zeng, động thái từ NHTW là một thông tin tốt lành, vì cô hy vọng biện pháp này có thể bơm lượng thanh khoản cần thiết cho thị trường bất động sản Thâm Quyến và giúp họ bán căn hộ 3 phòng ngủ để thu về 8-9 triệu Nhân dân tệ. Tuy nhiên, đến giờ họ vẫn chưa bán được.
Các cơ quan chức trách tại Thâm Quyến nâng ngưỡng đi vay đối với căn hộ thứ hai trong tháng trước. Điều này có nghĩa người mua có thể trả trước tối thiểu là 5 triệu Nhân dân tệ để mua căn hộ.
"Trong hai năm qua, nhiều gia đình giàu có và trung lưu tôi quen liên tục vay vốn để mua bất động sản hoặc đầu tư chứng khoán. Nợ phình to nhưng không ai muốn bị tụt lại phía sau", chồng Zeng cho biết. “Các khoản vay và đòn bẩy cứ liên tục chồng chất. Nếu bạn không tăng vay nợ, bạn sẽ bị tụt lại phía sau. Dĩ nhiên, rủi ro đang tăng lên như điên, nhưng chẳng ai dám hạ đòn bẩy”.
Một số chuyên viên phân tích cho rằng tốc độ tăng đòn bẩy của hộ gia đình sẽ chậm lại trong nửa sau năm 2021, nhất là khi Chính phủ đưa ra các biện pháp mới để kiểm soát rủi ro tín dụng.
Tỷ lệ đòn bẩy ngày càng tăng của hộ gia đình Trung Quốc và tác động kéo theo tới tiêu dùng đang gây lo ngại cho giới chức nước này.
Nợ của hộ gia đình – dù ngắn hạn, trung hạn hay dài hạn – đều tăng mạnh, với các khoản vay mới cho hộ gia đình lên tới 3.7 ngàn tỷ Nhân dân tệ trong 5 tháng đầu năm, theo báo cáo “Phân tích kinh tế vĩ mô Trung Quốc năm 2021” của Viện Nghiên cứu Cấp cao thuộc Đại học Kinh tế Tài chính Thượng Hải. Con số này tăng 1.1 ngàn tỷ Nhân dân tệ so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn 0.7 ngàn tỷ Nhân dân tệ của cùng kỳ năm 2019.
Tỷ lệ đòn bẩy trong lĩnh vực doanh nghiệp của Trung Quốc cũng ở mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và không thay đổi kể từ năm 2020, theo báo cáo. Giữa đà tăng của giá hàng hóa, lợi nhuận của các doanh nghiệp bị bào mòn, nhất là nhóm SME.
Biên lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh của các công ty tư nhân giảm từ 5.33% (cuối năm 2020) xuống 4.94% trong tháng 3/2021, Hongta Securities cho biết trong tháng 5.
Raymond Hu – người đang ở độ tuổi ngũ tuần, vận hành một công ty in ấn và dịch thuật ở Quảng Châu – là một trong hàng loạt người dân Trung Quốc đang phải vay thêm nợ để vượt qua đại dịch. Trong tháng 6/2021, ông đã thế chấp căn hộ 3 triệu Nhân dân tệ để cứu doanh nghiệp.
“Nếu không làm thế, tôi sẽ buộc phải đóng cửa công ty đã vận hành trong hơn 10 năm qua”, ông Hu cho biết. Vị chủ doanh nghiệp này nói thêm Công ty của ông đã mất hơn 1 triệu Nhân dân tệ kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Trong khi đó, không giống thế hệ trước, giới trẻ Trung Quốc thường xuyên sử dụng các ứng dụng cho vay di động và thẻ tín dụng để chi tiêu. Tháng 6/2020, tổng giá trị hóa đơn thẻ tín dụng quá hạn hơn 6 tháng tại Trung Quốc tăng lên 85.4 tỷ Nhân dân tệ (13.1 tỷ USD). Hơn 50% con nợ nhóm này thuộc thế hệ 9X.
Trong trường hợp của Tang Ying, một cư dân ở Quảng Châu và có thu nhập 4,800 Nhân dân tệ (740 USD) mỗi tháng, cô vay qua ứng dụng 18,000 Nhân dân tệ (2,778 USD) trong 4 tháng thất nghiệp vì đại dịch hồi năm ngoái. Giờ thì Tang Ying phải trả nợ với lãi suất 16% mỗi năm.
"Tôi đã giảm chi tiêu ngặt nghèo, nhưng nợ vẫn cứ phình to", Ying than thở.
Bất chấp rủi ro tài chính đến từ núi nợ khổng lồ, các hộ gia đình tham gia phỏng vấn đều cho biết họ có niềm tin vào thành quả kinh tế của Trung Quốc, nhất sau đà hồi phục mạnh từ đại dịch.
Vũ Hạo (Theo SCMP)
FILI
|