Fed sắp đến thời điểm giảm chương trình mua tài sản?
Ngày 09/08, hai quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho rằng nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng nhanh chóng và lạm phát đã ở mức đủ thỏa mãn một trong những tiêu chí quan trọng cho việc bắt đầu quá trình nâng lãi suất, mặc dù thị trường lao động vẫn còn khả năng cải thiện thêm.
Chủ tịch Fed Atlanta Raphael Bostic cho rằng quý 4 là phù hợp để bắt đầu siết chương trình mua trái phiếu nhưng sẵn sàng đón nhận mốc thời gian sớm hơn nếu thị trường việc làm giữ được đà phục hồi hiện tại. Cùng với ông, Chủ tịch Fed Richmond Tom Barkin đều tin lạm phát đã đạt ngưỡng mục tiêu 2% của Fed – một trong hai điều kiện cần thỏa mãn để ngân hàng trung ương Mỹ có thể cân nhắc tăng lãi suất.
Các phát biểu trên là dấu hiệu cho thấy trong bối cảnh các quan chức Fed thảo luận về cách thức và thời điểm bắt đầu siết mua tài sản, họ cũng cụ thể hơn khi bàn về thỏa mãn điều kiện lạm phát theo khuôn khổ chính sách mới.
Bostic, có quan điểm bắt đầu tăng lãi suất từ cuối năm 2022, chỉ ra chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) trung bình hàng năm trong 5 năm đã đạt 2% hồi tháng 5 theo tính toán của ông.
“Có nhiều lý do để nghĩ chúng ta đã đạt mục tiêu lúc này”, Bostic nói. “Nhưng ủy ban chưa nhất trí về các thước đo sử dụng. Đó là điều các nhà lập chính sách cần thảo luận”.
Barkin cho rằng lạm phát cao năm nay đã thỏa mãn một điều kiện để tăng lãi suất của Fed, dù thị trường lao động vẫn cần phục hồi thêm. Theo định hướng chính sách hiện tại, sẽ tăng lãi suất “khi lạm phát đạt 2%, tôi nghĩ có thể cho rằng lạm phát đã đạt 2% và dường như sẽ giữ ở mức này”.
Trước đó, Chủ tịch Fed St. Louis James Bullard hồi tháng 7 cũng có quan điểm tương tự bởi PCE thường niên hiện là 3,5%, vượt xa mục tiêu 2%.
Theo khuôn khổ chính sách công bố năm ngoái, Fed nhất trí giữ lãi suất cận 0 cho đến khi thị trường lao động tối đa hóa việc làm và lạm phát trung bình 2%, cho phép vượt 2% trong một khoảng thời gian.
Hồi tháng 12, Fed thông báo tiếp tục chương trình mua trái phiếu chính phủ 120 tỷ USD/tháng cho đến khi “có tiến triển vững chắc hơn nữa” đến mục tiêu tối đa hóa việc làm và lạm phát.
Thị trường lao động cần thêm tiến triển nhưng mục tiêu đó có thể đạt được sau một hoặc hai tháng cải thiện, theo Bostic. Điều đó sẽ đưa Fed đến lộ trình cắt giảm mua trái phiếu vào tháng 10 – 12 hoặc sớm hơn, nếu báo cáo việc làm tháng 8 tốt vượt dự báo.
Siết vòi vào tháng 10/2021?
Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Christopher Waller cho biết nếu báo cáo việc làm tháng 7-8/2021 tiếp tục cho thấy việc làm tăng trưởng mạnh, Fed có thể sớm đưa ra tuyên bố về việc giảm quy mô mua trái phiếu.
“Tôi nghĩ mọi người có thể chuẩn bị cho một tuyên bố vào tháng 9/2021”, ông Waller cho biết trong cuộc phỏng vấn ngày 02/08. “Điều này phụ thuộc vào 2 báo cáo việc làm kế tiếp ra sao. Nếu tăng trưởng việc làm tiếp tục mạnh như tháng gần nhất, tôi nghĩ nền kinh tế đã đạt được bước tiến cần thiết. Nếu không, tôi nghĩ quá trình này sẽ bị đẩy lùi vài tháng”.
“Nếu báo cáo việc làm đúng với dự báo của tôi trong 2 tháng tới thì tôi nghĩ Fed nên siết vòi sớm và nhanh chóng với mục tiêu đảm bảo chúng ta trong vị thế để có thể nâng lãi suất trong năm 2022 nếu bị buộc phải làm thế. Tôi không nói là chúng tôi sẽ nâng”, ông nói.
Quá trình siết vòi có thể bắt đầu sớm nhất vào tháng 10/2021 và được hoàn tất trong 5 hoặc 6 tháng nếu thị trường lao động đủ mạnh, ông Waller cho biết. Tương tự, Chủ tịch Fed khu vực St. Louis Bullar cũng cho rằng Fed nên bắt đầu siết vào mùa thu và hoàn tất vào cuối quý 1/2022.
Mặc dù đồng tình với quan điểm lạm phát chỉ tăng tạm thời, nhưng ông Waller cho rằng ông cảm thấy rắc rối từ các dấu hiệu doanh nghiệp đang tận dụng khả năng nâng giá sản phẩm.
“Tôi nghe từ doanh nghiệp nói rằng họ có thể chuyển đà tăng giá vào sản phẩm, họ hoàn toàn định làm thế”, ông nói. “Họ có khả năng nâng giá lần đầu tiên trong 10 năm qua. Đây là dạng vấn đề khiến bạn lo ngại tình trạng này có thể không phải tạm thời”.
Hơn nữa, vị quan chức này cho rằng đà tăng về số ca nhiễm do chủng delta chưa cho thấy dấu hiệu kìm hãm đà tăng trưởng kinh tế Mỹ. Ông lưu ý rằng làn sóng bùng phát dịch trước đó có ít tác động tới nền kinh tế.
Vũ Hạo (Theo Reuters)
FILI
|