Trung Quốc thiếu điện nghiêm trọng nhất 1 thập kỷ, nền kinh tế bị đe doạ
Trung Quốc đang thiếu điện nghiêm trọng do thời tiết cực đoan, nhu cầu điện tăng cao, và giá than leo thang. Tình trạng này đang gây áp lực lớn lên lưới điện quốc gia và có thể kéo dài vài tháng, đặt ra thách thức đối với phục hồi kinh tế Trung Quốc cũng như thương mại toàn cầu...
Nhiệt điện vẫn chiếm khoảng 60% sản lượng điện của Trung Quốc - Ảnh: Caixin.
|
Theo trang CNN Business, nhiều tỉnh của Trung Quốc rơi vào cảnh thiếu điện trong những tuần gần đây, trong đó có những địa phương giữ vai trò là “đầu tàu” kinh tế của cả nước.
Tỉnh Quảng Đông - một trung tâm của ngành sản xuất với tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 1,7 nghìn tỉ USD mỗi năm, chiếm hơn 10% GDP cả nước và một tỷ trọng thậm chí còn lớn hơn trong xuất nhập khẩu của Trung Quốc – đã phải cắt điện luân phiên trong hơn 1 tháng qua. Hạn chế này buộc một số doanh nghiệp trong tỉnh phải nghỉ vài ngày một tuần. Nhà chức trách địa phương cảnh báo việc cắt điện luân phiên có thể kéo dài đến cuối năm.
Ít nhất 9 tỉnh đang ở trong tình trạng tương tư, bao gồm Vân Nam, Quảng Tây và Triết Giang.
NGUYÊN NHÂN THIẾU ĐIỆN
Cách đây ít lâu, Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thậm chí thừa nhận rằng thiếu điện đã làm giảm tăng trưởng hoạt động của các nhà máy ở nước này trong tháng 6. Đây là đợt thiếu điện nghiêm trọng nhất ở Trung Quốc kể từ năm 2011 – năm mà hạn hán và giá than tăng vọt khiến 17 tỉnh thành ở nước này phản hạn chế việc sử dụng điện.
“Thiếu điện và sự tắc nghẽn cảng biển ở Trung Quốc là điều có thể cảm nhận trên toàn cầu”.
Chuyên gia Henning Gloystein thuộc Eurasia Group
|
Hiện nay, các nhà máy nhiệt điện ở Trung Quốc không muốn tăng sản lượng điện vì giá than đang cao ngất ngưởng. Chính phủ Trung Quốc kiểm soát giá điện nên các nhà máy điện không thể tăng giá bán điện theo giá than. Trong khi đó, nhiệt điện vẫn chiếm khoảng 60% sản lượng điện của nước này.
Trung Quốc đang phấn đấu đạt dấu ấn carbon bằng 0 vào năm 2060. Mục tiêu đầy tham vọng này khiến quốc gia tiêu thụ than lớn nhất thế giới cắt giảm sản lượng tại các mỏ than, dẫn tới giá than leo thang. Ngoài ra, nhà chức trách cũng siết chặt kiểm soát đối với các mỏ than thổ phỉ, khiến nguồn cung than trong nước càng eo hẹp.
Đồng thời, nhập khẩu than cũng gặp khó. Trong vòng một năm qua, giá nhập khẩu than của Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi.
Nhà phân tích Henning Gloystein của Eurasia Group chỉ ra rằng căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc với Australia – nước vào năm 2019 cung cấp gần 60% lượng than nhiệt nhập khẩu của Trung Quốc – gây sức ép không nhỏ. Trung Quốc dựng hàng rào đối với than Australia từ năm ngoái, sau khi Canberra kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19, một vấn đề nhạy cảm đối với Bắc Kinh.
Ngoài ra, thời tiết khô hạn cũng khiến sản lượng điện của các nhà máy thủy điện giảm sút.
Trái lại, nhu cầu tiêu thụ điện của Trung Quốc tăng mạnh. Theo Công ty Lưới điện miền Nam Trung Quốc, lượng tiêu thụ điện ở miền Nam nước này trong 6 tháng đầu năm nay tăng 21% so với cùng kỳ 2019. Thời tiết nóng bất thường ở một số khu vực đẩy cao nhu cầu tiêu thụ điện.
TÁC ĐỘNG ĐẾN KINH TẾ TRUNG QUỐC VÀ TOÀN CẦU
Thiếu điện có thể gây ra một “cú đấm kép”, làm chệch hướng phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc và đặt ra những trở ngại mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. “Việc cắt điện luân phiên chắc chắn gây tổn hại cho nền kinh tế”, nhà phân tích Yan Qin của Refinitiv phát biểu.
Việc thiếu điện đang làm giảm sản lượng gần như tất cả các ngành kinh tế, bao gồm hai lĩnh vực chủ chốt là xây dựng và sản xuất. Theo Tổng cục Thống kê Trung Quốc, hai ngành này chiếm gần 70% tiêu thụ điện của Trung Quốc trong năm ngoái và giữ vai trò trụ cột đối với sự phục hồi của nền kinh tế trong năm nay.
Công ty Chengde New Material có trụ sở ở Quảng Đông, một trong những nhà sản xuất thép không rỉ lớn nhất của Trung Quốc, tháng trước thông báo với khách hàng về việc sẽ ngừng hoạt động 2 ngày mỗi tuần cho tới khi không còn tình trạng cắt điện luân phiên. Công ty dự báo sản lượng giảm 20%, tương đương giảm 10.000 tấn thép mỗi tháng.
Thiếu điện ở Vân Nam, một địa phương giữ vai trò chủ chốt về sản xuất kim loại, đã gây suy giảm nguồn cung một số mặt hàng kim loại gồm nhôm và kẽm.
Việc giảm sản lượng và nguy cơ giao hàng chậm trên khắp Trung Quốc có thể gây căng thẳng hơn nữa đối với chuỗi cung ứng toàn cầu vốn dĩ đang bị thắt chặt. “Thiếu điện và sự tắc nghẽn cảng biển ở Trung Quốc là điều có thể cảm nhận trên toàn cầu”, chuyên gia Gloystein thuộc Eurasia phát biểu.
“Vấn đề về nguồn cung năng lượng của Trung Quốc là làm thế nào vừa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện, vừa đạt được mục tiêu phi carbon hoá”.
Nhà phân tích Yan Qin thuộc Refinitive
|
Các cảng biển ở Quảng Đông đang tắc nghẽn do dịch Covid-19 bùng phát ở tỉnh này. Tình trạng tắc nghẽn tại các cảng container có thể phải mất hàng tháng trời để giải toả và dễ dẫn tới tình trạng khan hiếm hàng hoá ở nhiều thị trường trong mùa mua sắm cuối năm nay. Trong bối cảnh đó, thiếu điện càng khiến mọi chuyện thêm phần tồi tệ.
“Thiếu điện có thể khiến các nhà sản xuất ở Trung Quốc phải điều chỉnh lại lịch làm việc, thách thức thời hạn giao hàng, và theo đó thách thức toàn bộ phần còn lại của chuỗi cung ứng”, nhà nghiên cứu Lara Dong thuộc IHS Markit nhận định.
GIẢI PHÁP NÀO?
Thiếu điện có thể tiếp diễn ở Trung Quốc trong ít nhất vài tháng tới, nhất là khi nhu cầu giữ ở mức cao trong những tháng nóng bức của mùa hè. Chuyên gia Qin của Refinitiv nói rằng “có nguy cơ cao” miền Nam và miền Trung của nước này sẽ tiếp tục phải cắt điện luân phiên.
Thực ra, Chính phủ Trung Quốc cũng có một số lựa chọn để giải quyết vấn đề này. Chẳng hạn, Trung Quốc có thể gỡ hàng rào đối với than Australia, nhưng ông Gloystein cho rằng việc này “có thể khiến Bắc Kinh bị xem là yếu đuối”.
Một giải pháp khác là Trung Quốc điều chỉnh lại các mục tiêu về khí hậu, chẳng hạn khôi phục hoạt động của các nhà máy nhiệt điện bị đóng cửa hồi đầu năm nay với mục đích chống ô nhiễm.
Tuy vậy, ông Qin cho rằng thiếu điện sẽ tiếp tục là một vấn đề khá thường xuyên của Trung Quốc trong những năm sắp tới. Trung Quốc đang rất nghiêm túc trong việc kiểm soát những nguồn năng lượng không “xanh”, song song với thúc đẩy việc sử dụng những nguồn năng lượng tái sinh và giảm sử dụng năng lượng hoá thạch.
“Vấn đề về nguồn cung năng lượng của Trung Quốc là làm thế nào vừa đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ điện, vừa đạt được mục tiêu phi carbon hoá”, ông Qin nói và nhấn mạnh rằng Trung Quốc đang phát triển nhiều nguồn năng lượng tái sinh, nhưng các nguồn năng lượng này đều chưa ổn định như năng lượng hoá thạch.
An Huy
VnEconomy
|