Thứ Năm, 08/07/2021 14:00

Nâng lãi suất: Xu hướng đã và đang diễn ra trên toàn cầu

Chính sách tiền tệ nhìn chung đang có xu hướng thắt chặt trở lại sau 1 năm nới lỏng chưa từng có tiền lệ. Tính tới thời điểm này trong năm 2021, các NHTW thế giới đã thực hiện tới 19 đợt nâng lãi suất, gần đây nhất là đợt nâng lãi suất của Nga, Brazil và Armenia.

Bên cạnh động thái tăng lãi suất, một số NHTW còn giảm bớt quy mô chương trình mua tài sản.

Xu hướng đang diễn ra trên toàn cầu

Trong ngày 15-16/06, cả NHTW Brazil và Nga đều thực hiện đợt nâng lãi suất thứ 3 trong năm 2021, lên mức  tương ứng là 4.25% và 5.5%. Đồng thời, cả hai nước này cũng phát đi tín hiệu tiếp tục nâng lãi suất mạnh trong những tháng tới.

"Chúng ta đã giữ lãi suất thấp trong một thời gian để đảm bảo rằng con đường phục hồi của nền kinh tế không bị cản trở. Giờ là lúc tăng lãi suất nhằm đối phó với bối cảnh thay đổi và lạm phát gia tăng", Thống đốc NHTW Nga Elvira Nabiullina khẳng định trong ngày 15/06.

Tương tự, NHTW Armenia cũng nâng lãi suất lần thứ 4 trong 7 tháng qua vào ngày 15/06 và cho biết sẽ tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.

Các Ngân hàng Trung ương nâng lãi suất trong năm 2021

Nguồn: Tổng hợp

Tính cho tới nay, đã 15 quốc gia tiến hành nâng lãi suất trong năm 2021. Các NHTW khác dù chưa đưa ra những động thái giảm lãi suất, nhưng lại phát tín hiệu rút lại dần các biện pháp hỗ trợ trong thời dịch bệnh như Ukraine, Hàn Quốc, Canada.

Hàng loạt tín hiệu nâng lãi suất trở lại

NHTW Mỹ và Na Uy đẩy thời điểm nâng lãi suất lên sớm hơn dự kiến trước đó, giữa lúc kinh tế và lạm phát tăng mạnh hơn dự báo.

Hôm 17/06, NHTW Na Uy phát tín hiệu sẽ nâng lãi suất 2 đợt vào tháng 9/2021 và tháng 12/2021. Trước đó, tại cuộc họp tháng 4/2021, họ báo hiệu sẽ nâng lãi suất vào nửa sau năm 2021.

Điều tương tự cũng diễn ra tại Fed. Tại cuộc họp chính sách gần nhất, Fed phát tín hiệu nâng lãi suất 2 lần trong năm 2023, dù rằng trước đó họ dự báo giữ nguyên lãi suất tới ít nhất là hết năm 2023. Bên cạnh việc nâng lãi suất, Chủ tịch Fed Jerome Powell tiết lộ đã đề cập tới chuyện bàn về việc giảm bớt quy mô mua trái phiếu.

Dĩ nhiên, nếu kinh tế tiếp tục hồi phục mạnh hơn dự báo và lạm phát tiếp tục tăng, nhiều khả năng Fed sẽ thắt chặt chính sách sớm hơn thế.

Ngoài ra, các ngân hàng trung ương ở Trung Âu, bao gồm Hungary và Cộng hòa Séc, cũng dự kiến sớm nâng lãi suất. Trong thời kỳ đại dịch, nền kinh tế của họ không hứng chịu sự sụt giảm lớn như Pháp và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, những quốc gia này đang chứng kiến lạm phát gia tăng.

Ở phía bên kia bán cầu, NHTW Hàn Quốc có thể sẽ một lần nữa đi đầu trong chu kỳ tăng lãi suất ở châu Á. Thống đốc Lee Ju-yeol trước đó cho biết việc bình thường hóa chính sách tiền tệ dự kiến là trong năm nay. 1/3 số nhà kinh tế tham gia khảo sát của Bloomberg vào đầu tháng này nhận định lãi suất sẽ tăng trong những tháng cuối năm nay.

Áp lực lạm phát ngày càng lớn

Trên thực tế, các động thái thắt chặt tiền tệ này đều là để đối phó với lạm phát ngày càng mạnh từ đà tăng của giá hàng hóa từ cuối năm 2020.

Tại Mỹ, chỉ số CPI tăng 5% trong tháng 5/2021, tăng mạnh nhất kể từ năm 2008. Brazil đối mặt với mức lạm phát 8%, trong khi Nga dự báo lạm phát ở mức 6% trong tháng 6/2021.

Tuy nhiên, theo quan điểm của Chủ tịch Fed Jerome Powell, lạm phát chỉ xuất phát từ các yếu tố tạm thời.

“Lạm phát đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Điều này một phần phản ánh mức nền thấp của cùng kỳ năm 2020 (thời điểm dịch bệnh ập đến), sự truyền dẫn các đợt tăng của giá dầu trong quá khứ vào giá năng lượng tiêu dùng; sự hồi phục chi tiêu khi nền kinh tế mở cửa và sự tắc nghẽn nguồn cung do đại dịch – một yếu tố khiến một số lĩnh vực không thể nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất để đáp ứng nhu cầu. Khi những yếu tố này thuyên giảm, lạm phát sẽ trở lại mục tiêu dài hạn của chúng tôi”, ông Powell cho biết.

Bob Prince, đồng điều hành quỹ phòng hộ lớn nhất thế giới Bridgewater Associates, và các nhà quản lý khác cũng đồng tình với quan điểm của Fed. Trong cuộc khảo sát của Bank of America, hơn 70% nhà quản lý quỹ cho rằng lạm phát chỉ tăng tạm thời.

Tuy nhiên, cũng có nhiều chuyên gia lên tiếng phản đối chính sách của Fed như Stanley Druckenmiller, Paul Tudor Jones,… Trong một bài bình luận trên Wall Street Journal, huyền thoại đầu tư Stanley Druckenmiller cho rằng “Fed đang chơi với lửa” với chính sách nới lỏng tiền tệ hiện tại.

Vũ Hạo

FILI

Các tin tức khác

>   Các quan chức Fed chưa vội bắt đầu quá trình "siết van" bơm tiền (08/07/2021)

>   Trung Quốc tính giải phóng thêm dự trữ kim loại để ổn định giá (07/07/2021)

>   Đâu là kẻ thắng người thua từ cơn sốt bất động sản trên toàn cầu? (07/07/2021)

>   Cước vận tải container từ châu Á tới Mỹ, châu Âu lại tăng vọt (07/07/2021)

>   Bắc Kinh trấn áp các gã khổng lồ, nhà đầu tư Mỹ có thể thua lỗ lớn (06/07/2021)

>   Các chuyên gia nói gì về động thái tăng lãi suất của nhiều quốc gia trên thế giới (13/07/2021)

>   Doanh số Vespa tiếp tục tăng bất chấp Covid-19 (06/07/2021)

>   Tình hình tăng trưởng và lạm phát ở Mỹ tác động thế nào đến giá vàng? (06/07/2021)

>   Nhà đầu tư đề nghị mua lại sân bay Sydney với giá 17 tỷ USD (05/07/2021)

>   Đi ngược xu hướng ở châu Á, Hàn Quốc “tự tin” mở cửa trở lại (05/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật