Lạm phát giá sản xuất của Trung Quốc đạt đỉnh trong tháng 6
Lạm phát giá sản xuất của Trung Quốc đã đạt đỉnh trong tháng 6/2021, khi đồng USD mạnh hơn và các biện pháp của Chính phủ góp phần ghìm cương giá hàng hóa.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) tăng 8.8% so với cùng kỳ năm trước, sau khi tăng 9% trong tháng 5/2021, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết trong ngày 09/07. Con số này trùng khớp với dự báo của các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc thăm dò của Bloomberg.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng tăng 1.1% so với cùng kỳ, thấp hơn mức của tháng 5/2021 và thấp hơn dự báo 1.2% của các chuyên gia kinh tế.
Giá hàng hóa toàn cầu gần như đi ngang trong tháng 6/2021 sau đà tăng kéo dài hơn 1 năm qua. Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuyển sang quan điểm “diều hâu” đã đẩy đồng USD tăng giá và gây áp lực cho giá hàng hóa – vốn thường được tính bằng USD. Các cơ quan điều hành Trung Quốc cũng đưa ra nhiều động thái để kìm hãm giá, từ yêu cầu các công ty hàng hóa giảm bớt các vị thế mua trên hợp đồng tương lai cho tới cam kết giải phóng thêm dự trữ kim loại quốc gia.
“Áp lực lạm phát của Trung Quốc chủ yếu là từ phía PPI. Hiện chỉ số này đã đạt đỉnh và sẽ giảm trong 6 tháng cuối năm 2021”, Zhu Haibin, Chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại JPMorgan Chase, cho hay. Nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc sẽ giảm tốc trong nửa sau năm 2021 giữa lúc hoạt động đầu tư hạ nhiệt, trong khi cú huých từ phía Mỹ cũng không còn lớn như trước. Điều này sẽ dẫn tới đà giảm tốc của giá hàng hóa và kim loại cơ bản, ông nói.
Khi áp lực giá thuyên giảm, các nhà quyết sách sẽ có khoảng trống để hỗ trợ thêm cho nền kinh tế - vốn đang có dấu hiệu yếu dần đi. Trong một động thái gây bất ngờ vào ngày 08/07, Chính phủ Trung Quốc báo hiệu sẽ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để giúp các công ty đối phó với áp lực tăng của giá hàng hóa. Điều này có thể hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ và giảm bớt chi phí tài trợ, Hội đồng Nhà nước cho biết trong một tuyên bố ngày 07/07.
“Đà giảm của lạm phát sẽ tạo cơ hội để cơ quan điều hành nới lỏng chính sách”, Xing Zhaopeng, Chiến lược gia Trung Quốc cấp cao tại Australia & New Zealand Banking Group ở Thượng Hải, cho hay. “Thủ tướng Lý Khắc Cường đề xuất cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong ngày 07/07 và điều này có có thể trở thành hiện thực trong tháng 6”.
Dữ liệu lạm phát phù hợp với đà giảm của giá nguyên liệu đầu vào và thành phẩm trong chỉ số PMI sản xuất tháng 6/2021.
“Trong tháng 6/2021, các chính sách đảm bảo nguồn cung và ổn định giá hàng hóa bắt đầu phát huy tác dụng, mối quan hệ cung cầu bắt đầu cải thiện, trong khi đà tăng của các sản phẩm công nghiệp đã giảm tốc”, Chuyên gia kinh tế NBS Dong Lijuan cho biết trong một tuyên bố.
Tuy nhiên, giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, nhưng các công ty vẫn chưa chuyển lại chi phí cho công ty ở các lĩnh vực hạ nguồn, với giá sản xuất của hàng hóa tiêu dùng chỉ tăng 0.3%.
Áp lực giá hầu như chỉ đè nặng lên vai của các lĩnh vực thượng nguồn, trong đó các nhà sản xuất chưa thể chuyển lại phần tăng về chi phí cho người tiêu dùng, vì cạnh tranh gay gắt và nhu cầu phục hồi chậm chạp.
Tháng trước, Thống đốc NHTW Trung Quốc Yi Gang cho biết giá tiêu dùng (CPI) sẽ ở dưới mức 2% trong năm nay, thấp hơn mục tiêu của Chính phủ là 3%.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|