Tăng trưởng có dấu hiệu “hụt hơi”, Trung Quốc bơm gấp 154 tỷ USD vào nền kinh tế
Trung Quốc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, theo đó giải phóng lượng thanh khoản dài hạn khoảng 1 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương 154,2 tỉ USD, nhằm hỗ trợ sự phục hồi kinh tế hậu Covid-19 đang có dấu hiệu mất đà...
Trụ sở Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tại Bắc Kinh - Ảnh: Reuters.
|
Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hôm thứ Sáu vừa rồi công bố trên website sẽ cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm phần trăm cho hầu hết các ngân hàng thương mại, có hiệu lực từ ngày 15/7.
Nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới về cơ bản đã hồi phục về mức tăng trưởng trước đại dịch, chủ yếu nhờ tốc độ tăng trưởng vững vàng tới mức đáng ngạc nhiên của lĩnh vực xuất khẩu. Tuy nhiên, tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Trung Quốc đang yếu đi và các doanh nghiệp nhỏ ở nước này đang bị ảnh hưởng nhiều bởi giá nguyên vật liệu thô tăng cao.
Nhiều nhà phân tích tin rằng nhu cầu bị dồn nén trong thời gian đại dịch đến giờ đã được giải toả hết và tốc độ tăng trưởng bắt đầu suy yếu trong nửa sau của năm nay, khi xuất khẩu yếu đi, lạm phát giá nhà sản xuất tăng mạnh, và việc Bắc Kinh tiếp tục thực thi những biện pháp kiểm soát thị trường bất động sản.
PBOC cho biết tỷ lệ dự trữ bắt buộc bình quân tại các định chế tài chính Trung Quốc sẽ hạ về 8,9% sau khi cắt giảm. Những ngân hàng có mức dự trữ bắt buộc 5% sẽ không nằm trong danh sách của đợt cắt giảm này.
Lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc gần đây nhất của Trung Quốc diễn ra vào tháng 4 năm ngoái, khi nền kinh tế nước này còn đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng Covid-19. Khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, PBOC chuyển sang khuynh hướng thắt chặt nhẹ.
Hôm thứ Tư, Chính phủ Trung Quốc cho biết sẽ dùng biện pháp cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc một cách kịp thời để giúp các doanh nghiệp nhỏ vượt qua ảnh hưởng tiêu cực của giá nguyên vật liệu thô tăng cao. Tuyên bố này của Bắc Kinh đã khiến thị trường tài chính ngạc nhiên, hãng tin Reuters cho hay.
Bình Minh
VnEconomy
|