Thứ Sáu, 16/07/2021 13:00

Ngân hàng Trung ương: Kích thích tiếp hay dừng lại?

Khi nền kinh tế toàn cầu hồi phục trở lại sau đại dịch Covid-19, về mặt hệ thống, các Ngân hàng Trung ương đang phải đối mặt với nhiệm vụ hết sức khó khăn. Đó là việc quyết định khi nào và bằng cách nào để dừng các gói kích thích kinh tế một cách hợp lý. Mặc dù không dễ gì để trả lời cho câu hỏi trên nhưng chúng ta có một số tiêu chuẩn nhất định để dựa vào.

* Bài viết thể hiện quan điểm của Mohamed A. El-Erian

Nguồn: Freepik.com

Quan điểm "leo dốc" và "xuống dốc"

Các cuộc tranh luận về chính sách kinh tế gần đây tại Châu Âu, Anh Quốc và Mỹ liên tục xoay quanh câu hỏi về việc khi nào và bằng cách nào để rút lại các gói kích thích kinh tế đã được tung ra vào năm ngoái nhằm ứng phó với đại dịch Covid-19 một cách hợp lý.

Không dễ để đưa ra đáp án cụ thể cho vấn đề trên. Những thay đổi chính sách của các Ngân hàng Trung ương có thể tác động sâu rộng đến tình trạng kinh tế và tài chính của không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn có ảnh hưởng đến toàn cầu.

Một cách đơn giản để dễ hình dung hơn về những khúc mắc trong việc cho ra chính sách phù hợp là hình dung về cách xe ô tô di chuyển lên và xuống dốc. Trong ô tô là hai nhóm khách có 2 luồng suy nghĩ khác nhau nhưng đều nhất trí về một số điều: Đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao, hành trình đạt được sự phục hồi không ngắn và chính sách nào cũng cần phải có thời gian mới có tác dụng.

Dù rằng cùng chung mục tiêu, tuy nhiên một bên tin rằng phần lớn chặng đường còn lại sẽ leo dốc và những khúc cua quanh co sẽ không phải mối bận tâm. Do đó, điều quan trọng là giữ đều chân ga để xe không bị dừng giữa dốc và chết máy.

Trong khi đó, nhóm kia lại cho rằng kể từ giờ, sẽ là chặng xuống dốc với rất nhiều khúc cua nguy hiểm. Do vậy, xe sẽ tăng tốc một cách tự nhiên và điều nên làm lúc này là giảm bớt chân ga lại để tránh việc lâm vào tình thế nguy hiểm bắt buộc phải đạp phanh gấp.

Quan điểm "leo dốc" hay "xuống dốc" đúng hơn sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc đánh giá 3 khía cạnh quan trọng bao gồm: thị trường lao động, sự gia tăng lạm phát và nguy cơ không thể phục hồi nhanh chóng trong trường hợp đưa ra chính sách sai lầm.

Điểm mấu chốt bây giờ là, mặc dù nhu cầu đang tăng mạnh, nhưng thị trường lao động không thể tìm được nhân viên phù hợp cho công ty mình. Tình hình này đặc biệt rõ ràng ở Mỹ. Trong khi dữ liệu khảo sát về Cơ hội việc làm và Tỉ lệ thôi việc (turnover rate) trong tháng 04/2021 cho thấy rằng số lượng vị trí công việc được mở mới ở mức kỷ lục. Tuy vậy, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động vẫn ở mức thấp và tỷ lệ thất nghiệp vẫn còn cao, so với trước đại dịch.

Để giải thích cho khoảng chênh lệch này, một số chuyên gia tin rằng vấn đề trên đến từ các yếu tố mang tính tạm thời và có thể đảo ngược dễ dàng mang tính chính sách như đóng cửa trường học, tăng cường trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp và thiếu dịch vụ chăm sóc con trẻ. Trong khi những người khác lo lắng về các vấn đề dài hạn hơn như xu hướng làm việc bị thay đổi và kỹ năng của ứng cử viên không phù hợp với công việc. Dù ai đúng đi nữa, nếu doanh nghiệp vẫn khó khăn trong việc tìm kiếm lao động phù hợp, thì nó sẽ dẫn đến gia tăng chi phí tiền lương. Đây sẽ là nguồn cơn lo ngại cho cuộc khủng hoảng tiếp theo.

Vậy lạm phát bây giờ có tính “tạm thời” như thế nào? Những chuyên gia ủng hộ quan điểm tiếp tục bơm tiền ra thị trường có niềm tin mạnh mẽ rằng lạm phát cao hiện nay chỉ là nhất thời và sớm muộn nó cũng sẽ quay đầu giảm, khi mà sự chênh lệch giữa cung và cầu sẽ được giải quyết trong thời gian tới.

Không đồng tình với quan điểm trên, trong đó có tôi, cho rằng tình trạng tắc nghẽn chuỗi cung ứng, những thay đổi lớn về chuỗi giá trị và vấn đề trong quản trị hàng tồn kho sẽ tiếp tục được tồn tại dai dẳng thời gian dài. Chúng ta có thể sẽ phải cần dữ liệu kinh tế của những tháng tiếp theo trước khi biết được ai đúng ai sai.

Trong khi chờ đợi số liệu cụ thể hơn, các quan chức phải thật thận trọng trước bất kỳ hành động nào (kể cả việc không hành động gì). Để đối đầu với sự không chắc chắn này, sẽ hợp lý hơn nếu chúng ta không chỉ tập chung vào những gì có thể xảy ra mà còn là những hệ quả xấu bắt nguồn từ những chính sách sai lầm. Giai đoạn này, một bước đi sai có thể gây ra tác động tiêu cực mang tính lâu dài cho nền kinh tế toàn cầu.

Những chuyên gia ủng hộ tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ mở rộng phản biện ngược lại rằng, các Ngân hàng Trung ương có đầy đủ các công cụ để vượt qua vấn đề về lạm phát. Ngược lại, các những người ở bên kia chiến tuyến cho rằng: những công cụ mà Ngân hàng Trung ương sở hữu sẽ không có phát huy tác dụng khi lạm phát vượt khỏi tầm kiểm soát. Và khi điều đó xảy ra, các Ngân hàng Trung ương sẽ buộc phải “đạp hết chân phanh”. Hệ lụy theo sau đó sẽ là nền kinh tế lâm vào khủng hoảng và hệ thống tài chính sẽ gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, rủi ro của việc không hành động gì trong trường hợp này có khi còn tiêu cực hơn cả việc ra chính sách sớm.

Ảnh hưởng của Fed, ECB và BOE

Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) sẽ nhả bớt chân ga nếu tăng trưởng kinh tế quá nóng, chính sách tài khóa vẫn duy trì trạng thái nới lỏng, doanh nghiệp và hộ gia đình sau khi tích lũy đủ lượng tiền tiết kiệm đang bắt đầu tiêu dùng mạnh trở lại. Những điều kiện đó sẽ khiến cho Fed cẩn trọng hơn và qua đó sẽ giảm tốc độ mua trái phiếu lại, hiện tại Fed đang mua lại hơn 120 tỉ USD trái phiếu mỗi tháng.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) lại đang ở một vị thế khác. Tốc độ phát triển kinh tế ở khu vực châu Âu đã có nhiều dấu hiệu tích cực trong thời gian gần đây, song sự hỗ trợ về mặt tài khóa không quá mạnh mẽ và ồ ạt. Thêm vào đó, khu vực tư nhân cũng không có tăng tốc nhanh như ở Mỹ.

Trường hợp khó nhất để đưa ra quyết định là ở Anh Quốc. Tốc độ tăng trưởng, các hỗ trợ về mặt tài khóa và triển vọng phát triển của khu vực tư nhân đều tương đối cân bằng. Do vậy, cũng không có gì khó hiểu khi mà hai quan chức lớn trong Ngân hàng Trung ương, Haldane và Andrew Bailey, bất đồng quan điểm với nhau trong cuộc tranh luận gần đây.

Những Ngân hàng Trung ương khác trên thế giới có thể nghĩ rằng những chính sách mà các nền kinh tế lớn trên sẽ không ảnh hưởng gì tới quốc gia của mình. Tuy nhiên Fed, ECB hay BOE đều đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế thế giới. Mọi hành động thực hiện bởi các Ngân hàng Trung ương này sẽ có những tác động lan truyền đến các nền kinh tế khác (cả tích cực và tiêu cực).

Vì những lẽ đó, những Ngân hàng Trung ương ngoài các nền kinh tế lớn cũng phải song song thực hiện các phân tích những tình huống có thể xảy ra và chuẩn bị cho mình trước những kế hoạch phù hợp để ứng phó. Không có gì sai khi kỳ vọng những nền kinh tế lớn sẽ đưa ra các chính sách phù hợp và con đường phục hồi sẽ tương đối trôi chảy trong thời gian tới. Tuy nhiên, con đường phía trước còn rất dài và nguy cơ một nền kinh tế nào đó phạm sai lầm là hoàn toàn có thể xảy ra.

Giới thiệu về tác giả Mohamed A. El-Erian

Mohamed A. El-Erian sinh năm 1958 tại New York, Mỹ. Ông là hiệu trưởng của Queens College tại Đại học Cambridge. Đồng thời ông là cựu Chủ tịch Hội đồng Phát triển Toàn cầu của tổng thống Barack Obama.

Ông đã có 4 năm liên tiếp được vinh danh là một trong 100 nhà tư tưởng toàn cầu hàng đầu của được Foreign Policy.

Nguồn: Bloomberg.com

Bộ phận Phân tích Doanh nghiệp, Phòng Tư vấn Vietstock

FILI

Các tin tức khác

>   Cú sốc biến chủng Delta khiến Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng loạt nước Đông Nam Á (16/07/2021)

>   Bộ trưởng Tài chính Mỹ: Lạm phát có thể tăng mạnh một vài tháng trước khi hạ nhiệt (16/07/2021)

>   Thấy gì từ con số tăng trưởng GDP 7,9% của Trung Quốc trong quý 2? (16/07/2021)

>   Covid-19 khiến hàng triệu người trên toàn cầu rời khỏi tầng lớp trung lưu (14/07/2021)

>   76 tổ chức kinh doanh kêu gọi Mỹ không áp thuế lên hàng Việt Nam (15/07/2021)

>   GDP Trung Quốc tăng 7.9% trong quý 2 (15/07/2021)

>   Biến thể Delta chặn đường phục hồi của nền kinh tế toàn cầu (15/07/2021)

>   Vận tải biển toàn cầu chao đảo vì phần lớn thủy thủ chưa được tiêm vắc-xin (14/07/2021)

>   Chủ tịch Powell: Fed còn lâu mới điều chỉnh chính sách, kỳ vọng lạm phát sớm hạ nhiệt (14/07/2021)

>   Lạm phát càn quét nước Mỹ, CPI tăng mạnh nhất trong vòng 13 năm (14/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật