Vận tải biển toàn cầu chao đảo vì phần lớn thủy thủ chưa được tiêm vắc-xin
Việc phần lớn thủy thủ đoàn chưa được tiêm vắc-xin đã châm ngòi cho làn sóng lây nhiễm dịch Covid-19 trên các con tàu, qua đó càng làm tồi tệ thêm cuộc khủng hoảng vận tải biển hiện tại và châm ngòi cho sự gián đoạn về thương mại.
Tình trạng bùng phát dịch trên tàu biển có thể làm chuỗi cung ứng toàn cầu tê liệt trong thời điểm các nền kinh tế Mỹ và châu Âu phục hồi, và các công ty đẩy mạnh trữ hàng cho Giáng sinh. Ngành vận tải biển đang phát đi tín hiệu cảnh báo khi tình trạng lây nhiễm gia tăng và một số cảng biển tiếp tục hạn chế tiếp cận với thủy thủ từ các quốc gia đang phát triển. Được biết, các quốc gia đang phát triển là nguồn cung ứng phần lớn thủy thủ trên toàn cầu.
Vài tuần qua, hàng loạt cảng biển quốc tế hạn chế tiếp nhận thủy thủ từ các quốc gia đang phát triển do họ chưa được tiêm vaccine phòng chống Covid-19.
Cùng thời điểm đó, giao thương quốc tế trở nên rối loạn khi cảng Diêm Điền - một trong những cảng lớn nhất Trung Quốc - phải đóng cửa trong nhiều tuần vì một nhân viên mắc Covid-19. Đây là một phần của ổ dịch lớn tại Thâm Quyến.
"Đây là một cơn bão khổng lồ", Bloomberg dẫn lời ông Esben Poulsson, Chủ tịch Phòng Vận tải biển Quốc tế, nhận định. "Với biến thể Delta, tình hình càng trở nên xấu đi. Nhu cầu tiêu thụ hàng hóa vẫn cao trong khi các tàu thuyền không đủ thủy thủ".
Tất cả mọi dấu hiệu đều làm tồi tệ thêm cuộc khủng khoảng trên đại dương. Hồi tháng 5, một thủy thủ thiệt mạng vì biến chủng Delta khi một tàu hàng với thủy thủ đoàn Philippines cập cảng Indonesia. Hàng chục nhân viên y tế Indonesia cũng phải nhập viện.
Gard P&I - công ty bảo hiểm lớn nhất ngành hàng hải – chứng kiến sự tăng vọt về yêu cầu đền bù bảo hiểm liên quan đến các ca nhiễm Covid-19 trong thời gian gần đây. Chỉ trong tháng 4 và 5, có ít nhất 100 ổ dịch bùng phát trên các con tàu, theo Alice Amundsen, Phó Chủ tịch phụ trách yêu cầu đền bù bảo hiểm tại Gard. Để so sánh, trong đợt cao điểm dịch bệnh hồi tháng 7 và 8/2020, Gard chỉ ghi nhận 80 ổ dịch trên các con tàu, khiến khoảng 160 người bị lây nhiễm.
“Hiện mọi thứ giống như một ngọn lửa đang bùng cháy và có thể nhanh chóng trở thành cơn bão lửa một lần nữa”, ông Rene Piil Pedersen, CEO AP Moller-Maersk A/S, cho hay. Tháng trước, ông cảnh báo ngay cả khi ngày càng nhiều người được tiêm vắc-xin, nhiều ổ dịch sẽ tiếp tục bùng phát trên các tàu hàng và ở hải cảng, đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hơn 50% trong tổng số 1.6 triệu thủy thủ trên thế giới đến từ các quốc gia đang phát triển như Ấn Độ, Philippines và Indonesia. Các nước này vẫn đang chậm trễ trong chiến dịch tiêm chủng toàn dân.
Phòng Vận tải biển Quốc tế ước tính mới chỉ có 35,000-40,000 thủy thủ, tương đương 2,5% tổng số thủy thủ toàn cầu, được tiêm vắc-xin. Trong khi đó, hơn 23,000 thủy thủ nước này đã được tiêm vắc-xin tại Mỹ.
Tập đoàn Trung Quốc Cosco Shipping Holdings cũng khẳng định mọi thủy thủ của hãng đã được tiêm chủng. Trong khi đó, chính phủ Ấn Độ đã bắt đầu tiêm chủng cho hơn 200,000 thủy thủ nước này, nhưng chương trình này đang diễn ra chậm chạp và nhiều chủ tàu kêu gọi đẩy nhanh quá trình.
Hindu Business Line dẫn lại một ước tính trong ngành, tính đến tháng 5, mới chỉ 14% thủy thủ Ấn Độ được tiêm một mũi vắc-xin, và 1% được tiêm hai mũi.
Ở Philippines, một số hãng vận tải biển - bao gồm Maersk - cho biết đang hợp tác với chính phủ để tiêm chủng cho thủy thủ. Tuy nhiên, Philippines đang thiếu vắc-xin trầm trọng. Một số thành phố quanh thủ đô Manila đã phải dừng chương trình tiêm chủng.
Ngay cả khi có vắc-xin tại quê nhà, các thủy thủ đang trên tàu vẫn chưa tiêm được vì nhiều trong số này chưa hoàn tất hợp đồng cho tới năm 2022. Khoảng 99% thủy thủ Philippines chưa được tiêm chủng, Gerardo Borromeo, Phó Chủ tịch ICS, cho hay.
Đây là tin xấu cho ngành vận tải biển vì Philippines cung ứng khoảng 460,000 thủy thủ - tương đương 25% lực lượng lao động hàng hải toàn cầu, theo Chính phủ Philippines. Cho tới khi ngày càng nhiều thủy thủ trên thế giới được tiêm vắc-xin, tình trạng dịch bệnh sẽ tiếp tục bùng phát.
Vũ Hạo (Theo Bloomberg)
FILI
|