Chủ tịch Powell: Fed còn lâu mới điều chỉnh chính sách, kỳ vọng lạm phát sớm hạ nhiệt
Trong ngày 14/07, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho biết nền kinh tế cần phải cải thiện thêm trước khi NHTW quyết định thay đổi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
Trong bài phát biểu chuẩn bị từ trước cho cuộc điều trần tại Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, Chủ tịch Fed đề cập tới sự cải thiện mạnh của nền kinh tế, nhưng cho biết thị trường lao động vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với trước dịch.
Ông Powell lưu ý kinh tế Mỹ còn cách “rất xa” so với tiêu chí “tiến triển đáng kể” về mục tiêu toàn dụng nhân công và ổn định giá của Fed. Nhà lãnh đạo của Fed cho biết ít nhất thì các thành viên đã bàn về chuyện giảm bớt nhịp độ mua tài sản.
Thị trường đang dõi theo những thông điệp của Chủ tịch Powell để kiếm manh mối về thời điểm bắt đầu giảm bớt quy mô mua trái phiếu hàng tháng.
Ông Powell lưu ý hai biện pháp chính sách “cùng với những dự báo về lãi suất và bảng cân đối kế toán sẽ đảm bảo chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh cho nền kinh tế cho tới khi đà hồi phục hoàn tất”.
Cũng như những gì từng chia sẻ trước đó, ông Powell cho biết đại dịch Covid-19 gây thiệt hại nhiều nhất cho những ai có ít khả năng chịu tổn thương nhất.
“Các điều kiện trên thị trường lao động sẽ tiếp tục cải thiện, nhưng vẫn còn cách rất xa so với mục tiêu”, ông nói. “Tăng trưởng việc làm có thể ở mức cao trong vài tháng tới khi điều kiện y tế khi một số yếu tố liên quan tới đại dịch bắt đầu thuyên giảm”.
Đồng thời, ông vẫn khẳng định lại niềm tin rằng đà tăng của lạm phát hiện tại chỉ tạm thời và sẽ hạ nhiệt khi nền kinh tế trở lại trạng thái bình thường.
Ông nói thêm Fed “cũng sẽ sẵn sàng điều chỉnh lập trường chính sách tiền tệ khi cần thiết nếu xuất hiện các tín hiệu cho thấy xu hướng lạm phát hoặc kỳ vọng lạm phát dài hạn dịch chuyển vượt trên mức mục tiêu một cách liên tục”.
Các nhận định trên được đưa ra sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 5.4% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 8/2008. Đồng thời, mức tăng này cũng vượt dự báo của các chuyên gia kinh tế.
Việc nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại nhờ chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID được đẩy mạnh đã khiến lạm phát tăng do các "nút cổ chai" về nguồn cung cũng như các yếu tố các công ty cho thuê xe gặp khó khăn trong việc tăng lượng xe và tình trạng thiếu chip trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến sản xuất ôtô.
Vũ Hạo (Theo CNBC)
FILI
|