Thứ Sáu, 16/07/2021 09:03

Thấy gì từ con số tăng trưởng GDP 7,9% của Trung Quốc trong quý 2?

Nền kinh tế Trung Quốc vẫn đang hồi phục, nhưng tốc độ tăng đã chậm lại nhiều trong quý 2, khi nước này đương đầu với đợt leo thang giá vật tư và gián đoạn chuỗi cung ứng...

Ảnh minh hoạ - Ảnh: Bloomberg.

Số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc (NBS) công bố ngày 15/7 cho thấy tổng sản phẩm trong nước (GDP) của nước này tăng 7,9% trong quý trước so với cùng kỳ năm 2020. Mức tăng này chậm hơn nhiều so với mức tăng kỷ lục 18,3% ghi nhận trong quý 1, và cũng thấp hơn mức dự báo tăng 8,1% mà giới phân tích đưa ra trước đó.

Trao đổi với trang CNN Business, chuyên gia kinh tế cấp cao Julian Evans-Pritchard của Capital Economics nhận định rằng nhờ đà phục hồi mạnh mẽ trong năm ngoái, kinh tế Trung Quốc hiện tại “về cơ bản đã hồi phục”.

“Thực ra, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng mạnh hơn cả xu hướng trước Covid-19”, ông Evans-Prichard nói. “Bởi vậy, dư địa để nền kinh tế tiếp tục tăng mạnh là rất hạn hẹp. Tăng trưởng đang vấp phải những hạn chế, và đó là lý do vì sao chúng ta chứng kiến sự tăng trưởng yếu đi nhiều”.

Ngoài ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế bùng nổ trong 3 tháng đầu năm nay của Trung Quốc một phần do cơ sở so sánh thấp – nền kinh tế sụt giảm vào đầu năm 2020 khi Covid-19 mới trở thành đại dịch toàn cầu.

NHỮNG TÍN HIỆU CẢNH BÁO

Trong những tháng gần đây, nền kinh tế Trung Quốc phát đi một số tín hiệu cảnh báo. Trong đó phải kể tới việc giá vật tư tăng cao kỷ lục đẩy chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) lên mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ. Những gián đoạn chuỗi cung ứng do tình trạng tắc nghẽn ở các cảng biển quan trọng và tình trạng thiếu điện tồi tệ cũng khiến các nhà máy ở nước này phải giảm công suất.

Tăng trưởng của ngành dịch vụ đã chậm lại đáng kể thời gian gần đây, do Covid-19 bùng phát ở miền Nam Trung Quốc và các biện pháp chống dịch được triển khai khiến hoạt động của người tiêu dùng và doanh nghiệp suy giảm.

“Chúng ta đang ở trong môi trường phức tạp, cả trong nước và quốc tế, nhất là giá hàng hoá cơ bản tăng, gây áp lực chi phí lớn lên doanh nghiệp”, người phát ngôn Liu Aihua của NBS phát biểu tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 15/7. Bà Liu nhấn mạnh sự cần thiết phải “xử lý tốt” các rủi ro và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Số liệu từ NBS cũng cho thấy sự chững lại của ngành sản xuất. Sản lượng công nghiệp của Trung Quốc chỉ tăng 8,3% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái, từ mức tăng 8,8% đạt được trong tháng 5. Sản lượng ngành ô tô giảm 4% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái do thiếu linh kiện bán dẫn.

Chuyên gia kinh tế Yue Su thuộc The Economist Intelligence Unit (EIU) cho rằng nhu cầu trong nước vẫn đang là một mắt xích yếu của kinh tế Trung Quốc. Tăng trưởng doanh thu bán lẻ trong tháng 6 là 12,1%, giảm từ mức 12,4% trong tháng 5 và là mức thấp nhất từ đầu năm.

“Số liệu GDP quý 2 của Trung Quốc tiếp tục cho thấy sự phục hồi không đều”, bà Yue nói, nhấn mạnh rằng doanh thu bán lẻ chưa hồi phục về được xu hướng trước đại dịch. Theo vị chuyên gia, việc thúc đẩy nhu cầu trong nước sẽ là một nhiệm vụ thách thức, bởi các hộ gia đình ở Trung Quốc vẫn phải đang phải căn cơ trong chi tiêu do thu nhập bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Chưa kể, thất nghiệp tăng cũng là một mối lo.

Trong tháng 6, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị Trung Quốc giữ ở mức 5%, không thay đổi so với tháng 5. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ tăng mạnh trong quý 2, lên mức 15,4% ở nhóm từ 16-24 tuổi, so với mức chỉ 13,6% trong 3 tháng trước đó.

“Chúng ta đang đối mặt với áp lực lớn về vấn đề việc làm”, người phát ngôn Liu của NBS nói, nhấn mạnh rằng số cử nhân tốt nghiệp ở Trung Quốc trong năm nay sẽ lập kỷ lục mới gần 9,1 triệu. “Chúng ta cần tiếp tục ưu tiên ổn định thị trường lao động và tạo thêm công ăn việc làm”.

MỤC TIÊU TĂNG TRƯỞNG CẢ NĂM TRONG TẦM TAY

Tuy tăng trưởng giảm tốc, nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới vẫn có khả năng vượt mục tiêu tăng trưởng cả năm nay.

“Nhìn chung, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục phục hồi, với mục tiêu tăng trưởng cả năm 6% trong tầm tay”, chiến lược gia Chaoping Zhu của JPMorgan Asset Management nhận định. Mục tiêu tăng trưởng này được Chính phủ Trung Quốc đưa ra hồi tháng 3.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng có một số tin tốt trong những ngày gần đây. Hôm thứ Tư, Uỷ ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết nước này đã tiêm được hơn 1,4 tỷ liều vaccine Covid-19, đồng nghĩa ít nhất một nửa dân số nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Dữ liệu công bố vào đầu tuần cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 6 tăng 30% so với cùng kỳ 2019, một dấu hiệu cho thấy nhu cầu toàn cầu đối với hàng hoá Trung Quốc vẫn đang mạnh. “Nhu cầu vững vàng từ bên ngoài có thể giúp bù lại một số sức ép trong nước và theo đó hỗ trợ tăng trưởng, cho dù mức tăng xuất khẩu mạnh như vậy có thể không bền vững”, ông Zhu nhận định.

An Huy

VnEconomy

Các tin tức khác

>   Covid-19 khiến hàng triệu người trên toàn cầu rời khỏi tầng lớp trung lưu (14/07/2021)

>   76 tổ chức kinh doanh kêu gọi Mỹ không áp thuế lên hàng Việt Nam (15/07/2021)

>   GDP Trung Quốc tăng 7.9% trong quý 2 (15/07/2021)

>   Biến thể Delta chặn đường phục hồi của nền kinh tế toàn cầu (15/07/2021)

>   Vận tải biển toàn cầu chao đảo vì phần lớn thủy thủ chưa được tiêm vắc-xin (14/07/2021)

>   Chủ tịch Powell: Fed còn lâu mới điều chỉnh chính sách, kỳ vọng lạm phát sớm hạ nhiệt (14/07/2021)

>   Lạm phát càn quét nước Mỹ, CPI tăng mạnh nhất trong vòng 13 năm (14/07/2021)

>   Doanh nghiệp Trung Quốc đổ xô mua đất khắp thế giới (14/07/2021)

>   Gỡ bỏ hạn chế phòng dịch, sống chung với Covid-19: Quá sớm, quá nguy hiểm? (13/07/2021)

>   Bloomberg: Nhà Trắng đang cân nhắc về thỏa thuận thương mại kỹ thuật số (13/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật