Thứ Năm, 08/07/2021 11:07

Lãi suất tiền gửi 0% - Quan trọng là lộ trình

Dù việc đưa lãi suất huy động VNĐ về 0% có thể chưa chắc đạt được mục tiêu ở con số tuyệt đối, nhưng trong lộ trình thực hiện những giải pháp để hướng đến mục tiêu này sẽ làm thay đổi các điều kiện của nền kinh tế, từ đó tạo cơ hội giúp kéo giảm thêm mặt bằng lãi suất trong tương lai.

* VAFI phản hồi gì trước ý kiến trái chiều về việc đưa lãi suất tiền gửi VND về 0%/năm? 

* VAFI đề xuất hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm

Những điều kiện cần

Gần đây, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) có văn bản đề xuất giải pháp hạ dần lãi suất tiền gửi VNĐ về mức 0%/năm, mà đã gặp khá nhiều phản ứng và cho rằng đó là mục tiêu viễn vông. Phần lớn ý kiến cho rằng chính sách này sẽ gây ra hậu quả tiêu cực, như kéo dòng tiền rút khỏi hệ thống ngân hàng, đổ vào các kênh đầu cơ tài sản và mang lại những bất ổn cho nền kinh tế.

Nhưng hầu hết những phản bác đều dựa trên những điều kiện hiện tại của nền kinh tế Việt Nam để làm cơ sở, như lạm phát còn cao, định mức tín nhiệm Việt Nam thấp, vốn cho nền kinh tế vẫn phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng,… trong khi mục tiêu cần hướng đến này được đưa ra kèm với các điều kiện cần phải đạt được trong tương lai.

Cụ thể, các giải pháp đi kèm mà VAFI đưa ra gồm kiểm soát các thị trường tài sản như nhà đất, ngoại tệ để hạn chế dòng tiền đầu cơ từ tiền gửi ngân hàng chạy sang, cũng như có các chính sách khuyến khích chuyển dịch dòng tiền nhàn rỗi vào kênh trái phiếu để mang lại cơ hội cho các ngân hàng huy động vốn trung dài hạn với lãi suất thấp như ở mức 2%/năm.

Về cơ bản, lạm phát Việt Nam tuy vẫn còn biến động quanh mức 4% mỗi năm, nhưng lạm phát lõi - loại trừ giá lương thực, thực phẩm và năng lượng do chịu sự tác động chung từ thị trường quốc tế như các nền kinh tế khác, thấp hơn rất nhiều chỉ từ 1-2% mỗi năm. Đáng lưu ý là lãi suất tiền gửi thực âm (lãi suất tiền gửi danh nghĩa – trừ lạm phát kỳ vọng), đã không còn quá hiếm hoi trên toàn cầu trong một vài năm trở lại đây, trong bối cảnh nguồn vốn hoạt động của nhiều ngân hàng ngày càng giảm bớt sự phụ thuộc vào tiền gửi tiết kiệm của khách hàng.

Như tại Việt Nam, nếu như cách đây 10 năm, tỷ lệ dư nợ tín dụng/tiền gửi của toàn ngành thường xuyên trên mức 110%, thì giờ đây chỉ còn quanh 94%. Ngoài việc đáp ứng các tỷ lệ an toàn ngày càng thắt chặt hơn, không thể phủ nhận việc các ngân hàng đã nâng mạnh vốn điều lệ, phát hành trái phiếu dài hạn và tăng nguồn vốn tài trợ từ các định chế tài chính quốc tế trong những năm qua, đã giúp các ngân hàng ngày càng đa dạng hóa nguồn vốn đầu vào.

Thực tế một trong những giải pháp mà VAFI đề xuất về bản chất là nhằm chuyển dịch dòng tiền gửi tiết kiệm sang huy động bằng trái phiếu dài hạn của các ngân hàng. Về phần mình, các ngân hàng đã, đang và sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ, cũng như ngày càng gia tăng nguồn tiền gửi không kỳ hạn, dựa trên định hướng thanh toán không dùng tiền mặt, triển khai tiền di động, chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, xu hướng phát triển đại lý ngân hàng,..do đó trong tương lai có thể giảm bớt sự phụ thuộc vào việc huy động tiền gửi tiết kiệm.

Thử hình dung như sau, nếu như trước đây các ngân hàng khi cho khách hàng vay vốn, nguồn tiền này có thể bị rút ra khỏi hệ thống ngân hàng chuyển thành tiền mặt để thanh toán, chi trả phục vụ hoạt động kinh doanh, tiêu dùng, theo đó tỷ lệ tiền mặt lưu thông trong nền kinh tế khá lớn. Nhưng với các quy định về giải ngân qua tài khoản hiện nay, người vay sau đó có thể chuyển trả cho đối tác, đại lý, khách hàng,…nhưng dù là gì thì các giao dịch trên đều thông qua tài khoản ngân hàng, nên dòng tiền này phần lớn sẽ vẫn nằm trong hệ thống ngân hàng, do đó thanh khoản của hệ thống vấn được đảm bảo. 

Về câu chuyện định mức tín nhiệm, dù đây là một trong những yếu tố quan trọng để xác định chi phí đi vay vốn trên thị trường quốc tế, nhưng không phải là vấn đề then chốt ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ nội địa của một nước, mà mặt bằng lãi suất đồng bản tệ của một nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng hơn bởi các yếu tố vĩ mô đặc thù của từng quốc gia, trong đó yếu tố thanh khoản của hệ thống và các chỉ số an toàn theo quy định ở từng thời kỳ là có sức ảnh hưởng đáng kể.

Đơn cử như những nền kinh tế đang có lãi suất cực thấp hiện nay như Mỹ, Nhật hiện có mức xếp hạng tín nhiệm theo S&P tương ứng là AA+ và A+, thấp hơn so với nhiều quốc gia khác vốn đang có lãi suất cao hơn. Hoặc nhiều trường hợp xếp hạng tín nhiệm của quốc gia đó giảm so với trước, nhưng lãi suất cơ bản đồng nội tệ của nước đó cũng liên tục giảm chứ không gia tăng, do đó sự liên hệ giữa lãi suất đồng nội tệ và xếp hạng tín nhiệm của quốc gia là không chặt chẽ. Ngoài ra, với những điều kiện vĩ mô ngày càng cải thiện, dự trữ ngoại hối gia tăng, dòng vốn đầu tư rót vào mạnh, xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam trong tương lai được kỳ vọng sẽ tiếp tục được nâng lên.

Trong khi đó, việc kiểm soát các thị trường tài sản mang tính đầu cơ cao, đồng thời có các giải pháp thúc đẩy thị trường vốn phát triển, hướng nguồn vốn nhàn rỗi tập trung nhiều hơn vào thị trường chứng khoán (trái phiếu, cổ phiếu,…), nếu có hiệu quả sẽ giúp hoạt động trong nền kinh tế nói chung và doanh nghiệp nói riêng giảm bớt sự phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng.  Dĩ nhiên điều kiện quan trọng kèm theo là phải nâng cao dân trí về tài chính, đầu tư, vì hoạt động đầu tư chứng khoán luôn tiềm ẩn rủi ro lớn hơn nhiều so với gửi tiền ngân hàng vốn an toàn.

Cần có những mục tiêu tham vọng

Nhớ lại cách đây gần 6 năm, thời điểm cuối năm 2015 khi NHNN chính thức giảm trần lãi suất tiền gửi USD về 0%, cũng đã từng có những lo ngại dòng tiền ngoại tệ có thể rút ra khỏi hệ thống ngân hàng, hoặc thậm chí chạy sang các quốc gia khác để hưởng lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, thực tế đến nay đã cho thấy hiệu quả như thế nào, khi các giải pháp hạn chế đô la hóa trong nền kinh tế đã góp phần mang lại thành công cho chính sách này và đến lượt nó quay lại giúp ngày càng xóa bỏ tình trạng đô la hóa.

Hay sau đó là mục tiêu kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5% vào năm 2020, được đưa ra trong Đề án tái cơ cấu nền kinh tế 2016-2020 cách đây 5 năm, mà được cho là bất khả thi vào thời điểm đó, nhưng rốt cuộc nhà điều hành cũng đã đạt được những thành quả nhất định, với trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên đã về còn 4.5%/ năm từ tháng 10 năm 2020, trong khi lãi suất cho vay ngắn hạn các lĩnh vực thông thường hiện nay được nhiều nhà băng triển khai theo các chương trình cho vay ưu đãi gần đây cũng chỉ còn 5%/năm.

Liên hệ, so sánh với chính sách trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ hay trần lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên có thể không tránh khỏi khập khiễng, khi mà việc huy động vốn tiền đồng có những đặc thù khác, trong đó đặc biệt là tâm lý của khách hàng. Tuy nhiên, nhắc lại để thấy rằng bất kỳ một mục tiêu nào mới được đề xuất ban đầu sẽ luôn bị mổ xẻ và mang đến sự nghi ngờ.

Cũng cần hiểu rằng dù việc đưa lãi suất huy động VNĐ về 0% có thể chưa chắc đạt được mục tiêu ở con số tuyệt đối, nhưng trong lộ trình thực hiện những giải pháp để hướng đến mục tiêu này sẽ làm thay đổi các điều kiện kể trên của nền kinh tế, từ đó tạo cơ hội giúp kéo giảm thêm mặt bằng lãi suất trong tương lai, nhất là khi thực trạng hiện nay cho thấy dư địa giảm lãi suất là không còn như một số phân tích đã chỉ ra.

Ngoài ra, việc giảm lãi suất tiền gửi VNĐ về 0% không có nghĩa là phải đạt được mục tiêu ở tất cả các kỳ hạn. Nếu chỉ cần đưa các kỳ hạn ngắn như 1-3 tháng về được 0%, từ đó sẽ khuyến khích khách hàng gửi các kỳ hạn dài hơn, kéo đường cong lãi suất hạ xuống, giúp lãi suất kỳ hạn dài cũng giảm xuống theo và từ đó giảm chi phí vốn cho nền kinh tế. Thực tế trước đây khi lãi suất tiền gửi không kỳ hạn còn 2.5-3%/ năm, ít ai dám nghĩ rằng có ngày khi để tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng sẽ không còn được hưởng lãi suất, như chính sách mà nhiều ngân hàng hiện nay đang áp dụng.

Đứng ở góc độ khách hàng gửi tiền, dĩ nhiên sẽ không thích tương lai này, nhưng đáng lưu ý là chính bản thân các ngân hàng có lẽ cũng không mặn mà gì với viễn cảnh trên. Bởi vì khi các kênh đầu tư như trái phiếu, cổ phiếu phát triển, nhu cầu vốn tín dụng ngân hàng giảm dần, các ngân hàng sẽ không còn phải huy động vốn bằng mọi giá, nhưng điều đó đồng nghĩa với cơ hội kinh doanh sẽ giảm bớt, trong bối cảnh lợi nhuận của các ngân hàng vẫn còn phụ thuộc chủ yếu vào hoạt động tín dụng.

Nhưng đó có lẽ là tương lai tất yếu của dòng vốn, khi Việt Nam rồi cũng sẽ đi theo xu hướng của các nước phát triển, dần chuyển từ thời đại tiết kiệm sang thời đại đầu tư và đi vay nhiều hơn, để tận dụng đòn bẫy tài chính và mặt bằng lãi suất thấp trong nền kinh tế. Với các ngân hàng, có lẽ cũng sẽ phải đi theo xu hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng, tăng nguồn thu nhập phi lãi, các hoạt động bảo lãnh, đầu tư, bảo hiểm, hay tư vấn và quản lý tài sản,…

Việc giảm lãi suất tiền gửi VNĐ về 0% không có nghĩa là phải đạt được mục tiêu ở tất cả các kỳ hạn. Nếu chỉ cần đưa các kỳ hạn ngắn như 1-3 tháng về được 0%, từ đó sẽ khuyến khích khách hàng gửi các kỳ hạn dài hơn, kéo đường cong lãi suất hạ xuống, giúp lãi suất kỳ hạn dài cũng giảm xuống theo và từ đó giảm chi phí vốn cho nền kinh tế.

Phan Thụy

FILI

Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ bất thường Eximbank trình phương án miễn nhiệm hàng loạt nhân sự HĐQT  (08/07/2021)

>   Hơn 3.7 triệu cp ACB của bầu Kiên được rao bán để thi hành án  (08/07/2021)

>   NCB được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm 1,500 tỷ đồng  (07/07/2021)

>   Dưới 10% TCTD lo ngại kết quả kinh doanh giảm trong quý 3/2021 (07/07/2021)

>   MB nới room ngoại lên mức 23.24% (07/07/2021)

>   Con gái Chủ tịch Techcombank dự chi hơn 1,200 tỷ đồng để sở hữu cổ phiếu (07/07/2021)

>   Vi phạm công bố thông tin, SCB bị phạt tiền (06/07/2021)

>   Huy động vốn tăng thấp hơn tín dụng, vì đâu thanh khoản hệ thống vẫn ổn định? (06/07/2021)

>   Các chuyên gia nói gì về động thái tăng lãi suất của nhiều quốc gia trên thế giới (13/07/2021)

>   Sàn mua bán nợ xấu: Vẫn vướng hành lang pháp lý (06/07/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật