Trung Quốc - thách thức đối với kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới của Mỹ?
Không chỉ vấp phải sự phản đối của đảng Cộng hòa ở trong nước, kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới của Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với một thách thức đến từ bên ngoài - đó là Trung Quốc.
Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay John F. Kennedy ở New York, Mỹ ngày 13/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Dù chỉ mới thông qua gói cứu trợ COVID-19 khổng lồ trị giá 1.900 tỷ USD, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiếp tục công bố kế hoạch chi tiêu lớn thứ hai trị giá hơn 2.000 tỷ USD nhằm hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng và giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Không chỉ vấp phải sự phản đối của đảng Cộng hòa ở trong nước, kế hoạch tham vọng này còn phải đối mặt với một thách thức đến từ bên ngoài - đó là Trung Quốc.
Theo phần đầu tiên của kế hoạch, số tiền trên sẽ được sử dụng nhằm nâng cấp hơn 32.000 km đường và 10.000 cây cầu, mở rộng truy cập băng thông rộng cho các cộng đồng cư dân ở nông thôn và các cộng đồng chưa được cung cấp dịch vụ, thay thế tất cả các đường ống làm bằng kẽm trong hệ thống đường ống nước quốc gia và đường ống dịch vụ nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch, đầu tư vào nghiên cứu, phát triển và sản xuất, mở rộng tiếp cận dịch vụ chăm sóc tại nhà và tại cộng đồng. Theo dự kiến, phần thứ hai của kế hoạch sẽ được Tổng thống Biden công bố trong tháng này.
Theo Bloomberg, Mỹ sẽ cần thép, xi măng và các vật liệu khác để xây dựng cầu đường, trong khi cần coban, lithium và các nguyên liệu đất hiếm để sản xuất pin. Trên hết, Mỹ sẽ cần đồng với một khối lượng tương đối lớn. Đồng được sử dụng trong sản xuất xe chạy bằng điện mà Tổng thống Biden hứa sẽ mua cho đội xe của chính phủ. Đồng cũng là vật liệu không thể thiếu ở các trạm sạc cho xe điện; trong các dây cáp kết nối các tuabin gió và các trang trại năng lượng Mặt Trời với lưới điện. Nhưng khi nói đến những nguyên vật liệu đầu vào, đặc biệt là đồng, thì Washington đã đi sau Bắc Kinh một bước.
Trung Quốc là nơi đầu tiên bị đại dịch COVID-19 tấn công, nhưng cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới bắt đầu phục hồi lại sau khi kiểm soát được dịch bệnh. Khi phần còn lại của thế giới bị phong tỏa trong khi giá nguyên vật liệu thế giới trên đà giảm mạnh vào tháng 3 và tháng 4/2020, Trung Quốc đã đẩy mạnh hoạt động thu mua. Các nhà sản xuất, thương nhân và thậm chí cả Chính phủ Trung Quốc khi đó đã ồ ạt mua sắm trong đợt “đại hạ giá” trên thị trường nguyên vật liệu toàn cầu.
Ông David Lilley, Giám đốc điều hành Drakewood Capital Management có trụ sở tại Anh, cho biết Trung Quốc đã mua rất nhiều đồng vào năm ngoái. Hành động này có thể nhằm xây dựng nguồn dự trữ đồng chiến lược cần thiết cho các kế hoạch sau này của Trung Quốc.
Trung Quốc đã nhập khẩu 6,7 triệu tấn quặng đồng trong năm 2020, tăng 1,4 triệu tấn so với mức kỷ lục ghi nhận năm trước đó. Riêng mức tăng này đã tương đương với toàn bộ lượng đồng tiêu thụ hàng năm của Mỹ. Các nhà phân tích cho rằng Cục Dự trữ Nhà nước Trung Quốc đã mua khoảng 300.000-500.000 tấn đồng trong thời kỳ giá sụt giảm.
Một phần nhờ nhu cầu của Trung Quốc, giá đồng đã tăng gấp đôi từ mức thấp nhất ghi nhận vào tháng 3/2020 lên mức hiện tại khoảng 9.000 USD/tấn. Có ý kiến cho rằng giá đồng và các mặt hàng khác sẽ ngày càng đi lên. Sự kết hợp giữa hai yếu tố, triển vọng phục hồi tăng trưởng toàn cầu và các khoản chi tiêu mạnh tay của chính phủ, đã góp phần khuyến khích xu hướng đầu cơ.
Một số nhà phân tích Phố Wall ủng hộ quan điểm cho rằng đây là sự khởi đầu của một “siêu chu kỳ” giá nguyên liệu mới; đó là khoảng thời gian trong đó giá cả hàng hóa cao hơn so với mức giá thị trường do nhu cầu cao. Tình hình hiện nay có thể so sánh với những năm 2000 khi thị trường hàng hóa bùng nổ nhờ nhu cầu của Trung Quốc hay thời kỳ tăng trưởng mạnh của kinh tế thế giới sau Chiến tranh Thế giới thứ hai.
Tuy nhiên, những người hoài nghi về một siêu chu kỳ giá dầu cho rằng, việc đẩy nhanh sản xuất các phương tiện chạy bằng điện chắc chắn sẽ dẫn đến nhu cầu dầu thô sẽ giảm đi. Nhưng đối với các mặt hàng kim loại, dường như có nhiều ý kiến đồng thuận về một siêu chu kỳ giá mới.
Tổng Giám đốc điều hành công ty giao dịch hàng hóa kim loại Concord Resources (Anh), ông Mark Hansen, dự báo giá đồng có thể vượt qua mức cao kỷ lục trước đây là 10.190 USD/tấn và tăng lên 12.000 USD/tấn trong vòng 18 tháng tới. Trafigura Group (Singapore), tập đoàn hàng đầu về kinh doanh các mặt hàng kim loại, cho rằng giá đồng sẽ lên tới 15.000 USD/tấn.
Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư một lượng tiền khổng lồ để phát triển cơ sở hạ tầng trong suốt hai thập kỷ. Quốc gia này hiện chiếm khoảng một nửa nhu cầu về kim loại của thế giới. Thực tế này cũng buộc Trung Quốc trở nên “thông minh hơn” trong chiến lược mua nguyên vật liệu.
Các nhà máy luyện đồng của Trung Quốc đã hợp tác với nhau khi đàm phán với công ty khai khoáng nước ngoài. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp trong số đó thuộc sở hữu nhà nước, đã mua lại quyền khai thác mỏ ở khắp mọi nơi từ Congo và Peru đến Indonesia và Australia. Trong những năm gần đây, họ cũng đã mua lại nhiều công ty thương mại quốc tế.
Riêng đối với đất hiếm, hay còn được gọi là nguyên liệu của tương lai, Trung Quốc cũng đang dẫn trước Mỹ. Trung Quốc là nhà sản xuất đất hiếm lớn nhất thế giới cho đến nay. Đất hiếm là nguyên liệu thiết yếu trong tất cả thiết bị ứng dụng công nghệ cao. Trung Quốc giành ưu thế trong lĩnh vực tinh luyện quặng thô như lithium, coban, nhôm và than chì để sản xuất pin lithium-ion - nền tảng của cuộc cách mạng xe điện.
Theo ông Simon Moores, Giám đốc điều hành của công ty tư vấn Benchmark Mineral Intelligence, Trung Quốc chỉ chiếm 23% sản lượng quặng đất hiếm toàn cầu, nhưng nước này lại tinh luyện đến 80% những nguyên liệu là thành phần chính sản xuất ra pin điện cho toàn thế giới.
Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 về các mục tiêu phát triển kinh tế của Trung Quốc từ năm 2021 đến năm 2025, được công bố vào tháng Ba, Bắc Kinh đã trình bày những biện pháp tăng cường hệ thống dự trữ năng lượng và hàng hóa nguyên vật liệu, bao gồm cả việc xây dựng các kho dự trữ chiến lược.
Một quan chức nước này đã nhấn mạnh quan điểm của Trung Quốc về các mặt hàng chiến lược, đó là dự trữ nhiều loại hàng hóa nguyên vật liệu bao gồm những mặt hàng nước này thiếu hụt, những mặt hàng phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, những mặt hàng có biến động giá lớn và những mặt hàng được sản xuất tại các quốc gia bất ổn về chính trị và kinh tế.
Ở Mỹ, mối lo ngại về nguồn cung cấp nguyên liệu dường như chưa được ưu tiên. Khi Washington chú ý đến tình hình địa chính trị của nguồn cung hàng hóa, nước này tập trung chủ yếu vào các nguồn dầu mỏ ở Trung Đông, và cuộc cách mạng dầu đá phiến đã giúp giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào dầu nhập khẩu. Đồng và các kim loại khác chưa được chú trọng. Các nhà phân tích tại Macquarie Group Ltd. chỉ ra rằng trong khi nhu cầu đồng của Trung Quốc đã tăng vọt trong hai thập kỷ qua, thì nhu cầu tại Mỹ lại giảm.
Giờ đây, việc triển khai các gói kích cầu chắc chắn sẽ đảo ngược xu hướng này. Trong khi các chi tiết đầy đủ về kế hoạch thúc đẩy cơ sở hạ tầng của ông Biden vẫn chưa được công bố tại Quốc hội, công ty tư vấn CRU Group ước tính việc chi tiêu 1.000 tỷ USD có thể khiến Mỹ cần thêm 6 triệu tấn thép, 110.000 tấn đồng và 140.000 tấn nhôm mỗi năm.
Ông David Lilley, Giám đốc điều hành Drakewood Capital Management, nhận xét rằng Trung Quốc đã nhìn thấy các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng của nước này trong một thời gian dài và đang gia tăng dự trữ chiến lược, trong khi các nước phương Tây thậm chí có thể chưa bắt đầu nghĩ đến điều đó.
Mai Ly (theo Bloomberg)
BNews
|