Thứ Hai, 05/04/2021 19:50

Đảo chính và những tổn thất đối với kinh tế Myanmar

Đã 2 tháng trôi qua kể từ khi quân đội Myanmar bắt giữ Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và Tổng thống Win Myint, nền kinh tế 54 triệu dân nay cũng hứng chịu nhiều những tổn thất to lớn.

Myanmar vẫn là một trong những nền kinh tế kém phát triển nhất thế giới, theo đánh giá của Liên Hợp Quốc (UN) sau 10 năm mở cửa ra thế giới. Vốn đã phải gánh chịu những tổn thất nặng nề do làn sóng Covid-19 thứ 2 bùng phát hồi tháng 8, nền kinh tế non trẻ Myanmar lại tiếp tục bị giáng thêm đòn mạnh bởi cuộc đảo chính quân sự. Giới phân tích và cộng đồng doanh nghiệp dự báo cuộc đảo chính sẽ gây ra những tổn thất nặng nề cho nền kinh tế Myanmar và khiến hàng tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại đây đối mặt với rủi ro.

Đến nay, các đường phố Myanmar mỗi ngày vẫn bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình phản đối chính quyền quân sự và tương lai của quốc gia hơn 50 triệu dân này vẫn rất khó đoán. Nhiều công nhân đã bỏ việc để tham gia biểu tình hoặc bỏ về quê nhà, làm gián đoạn hoạt động sản xuất, kinh doanh thường nhật. Không những thế, hỗn loạn còn gây cản trở cho nỗ lực kiểm soát Covid-19, làm gia tăng mối quan ngại về khả năng hồi phục của Myanmar thời hậu Covid-19.

Những dấu hiệu ban đầu đang minh chứng sự tác động của cuộc tiếp quản quân sự đến nền kinh tế quốc gia cũng như những tác động hiệu ứng quốc tế có thể xảy ra.

Chỉ số sản xuất chạm mức thấp kỷ lục

Theo thống kê của IHS Markit, chỉ số quản lý thu mua (PMI) lĩnh vực sản xuất của Myanmar đã giảm từ mức 47.8 hồi tháng 1 xuống còn 27.7 trong tháng 2. Chỉ số về hoạt động sản xuất tại Myanmar đã trượt xa khỏi ngưỡng trung bình 50 và chạm mức thấp nhất kể từ cuộc khảo sát được thực hiện hồi năm 2016.

Khảo sát PMI được thực hiện đối với các công ty nhằm thu thập thông tin, dữ liệu liên quan đến những thay đổi về sản lượng, đơn đặt hàng mới và các điều kiện kinh doanh khác tại thời điểm được khảo sát so với một tháng trước đó. Chỉ số PMI dưới 50 cho thấy hoạt động sản xuất bị thu hẹp và trên 50 là mở rộng.

Khoảng 70% công ty được khảo sát tại Myanmar cho biết sản lượng sản xuất đã giảm mạnh trong tháng 2, sau khi hoạt động tại các cơ sở sản xuất bị ngưng trệ. Một số doanh nghiệp cho biết, nhân viên của họ đã vội vã trở về quê nhà khi bất ổn chính trị xảy ra.

Shreeya Patel, Chuyên gia kinh tế tại IHS Markit cho rằng, trong khi Covid-19 đã dẫn tới hàng loạt đợt suy giảm trong năm 2020 thì diễn biến chính trị gần đây lại thể hiện một bước lùi khác cho lĩnh vực sản xuất của Myanmar.

Số doanh nghiệp mới đăng ký giảm 86%

Theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý Đầu tư và Doanh nghiệp Myanmar (DICA), trong suốt tháng 2, chỉ có 188 doanh nghiệp mới đăng ký hoạt động tại Myanmar, giảm 86% so với mức 1,298 doanh nghiệp đăng ký trong cùng kỳ năm 2020 và giảm từ mức 1,373 doanh nghiệp đăng ký hồi tháng 1. Mức sụt giảm mạnh này phản ánh rõ tác động từ bất ổn chính trị.

Phát biểu trên Nikkei Asia, Linda Liu, Chuyên gia kinh tế tại Công ty Maybank Kim Eng tại Singapore, cho rằng, sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh, được nhận thấy qua dữ liệu đăng ký doanh nghiệp mới và chỉ số PMI, có thể gây ra một số hiệu ứng lan tỏa nhất định đến các nền kinh tế khác trong khu vực.

Một trong những ngành công nghiệp then chốt của Myanmar là sản xuất may mặc, cung cấp nguồn hàng cho các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Hãng H&M của Thụy Điển hôm 08/03 thông báo họ ngừng đặt đơn hàng mới với các nhà cung cấp tại Myanmar do "những khó khăn thực tế và tình hình khó dự đoán", theo một báo cáo của hãng tin Reuters.

Tập đoàn Sembcorp Industries của Singapore lên kế hoạch phát triển một khu công nghiệp tại thành phố Yangon, nhưng các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình và lực lượng an ninh không ngừng xuất hiện có thể làm mờ nhạt nhu cầu triển khai các cơ sở sản xuất của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Chủ tịch Wong Kim Yin của Sembcorp hồi tháng 2 cho biết Tập đoàn này có lẽ sẽ "chờ đợi cho đến khi tình hình ổn định" đồng thời cũng cần xem xét thêm phản ứng từ phía khách hàng.

Nghi vấn cũng được đặt ra đối với viễn cảnh của đặc khu kinh tế Thilawa (Thilawa SEZ), dự án ở phía nam Yangon được Nhật Bản hỗ trợ nhằm mục tiêu thu hút FDI vào Myanmar. Toyota Motor, một trong những công ty nổi tiếng tại Thilawa SEZ, hồi cuối tháng 2 đã hoãn kế hoạch khai trương một nhà máy tại đây.

Đầu tư khan hiếm, FDI giảm mạnh

Các doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) tại Myanmar vẫn chưa nhận được khoản đầu tư mới nào tính đến cuối tháng 3 năm nay, theo cơ sở dữ liệu về startup của hãng thống kê Crunchbase có trụ sở tại Mỹ. Dữ liệu này có thể chưa phản ảnh đầy đủ, nhưng phần nào cho thấy được các doanh nghiệp startup non trẻ trong nước đang đối mặt với tình cảnh ảm đạm. So với cùng giai đoạn hồi năm ngoái, Crunchbase đã ghi nhận 4 thỏa thuận về vốn trong tháng 1, một thỏa thuận vào tháng 2 và hai thỏa thuận trong tháng 3, với tổng giá trị hơn một triệu USD.

Không chỉ gây ra tình trạng khan hiếm vốn đầu tư đối với các doanh nghiệp trong nước, cuộc đảo chính còn có nguy cơ làm tắc nghẽn đầu tư từ nước ngoài hoặc cũng có thể khiến các khoản FDI hiện tại tại Myanmar sớm “dứt áo ra đi”.

Đánh giá tổng thể về tình hình đầu tư tại Myanmar, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo FDI rót vào nước này sẽ giảm đáng kể trong một thời gian. Các nhà phân tích của Moody hồi đầu tháng 3 cho biết: “Bất ổn chính trị do cuộc đảo chính có khả năng cản trở FDI mới hoặc khiến một số nhà đầu tư rút các khoản đầu tư hiện tại, đặc biệt là những nơi có liên quan đến quân đội. Bất ổn càng kéo dài thì thiệt hại về đầu tư càng lớn”.

Theo DICA, vốn FDI rót vào Myanmar tăng mạnh từ 1.4 tỷ USD trong giai đoạn 2012-2013 lên gần 9.5 tỷ USD trong giai đoạn 2015-2016. Trong năm tài chính vừa qua (kết thúc vào cuối tháng 9/2020), Myanmar đã thu hút 5.5 tỷ USD vốn FDI, trong đó cả lĩnh vực bất động sản và sản xuất đều chiếm gần 20%. Tuy nhiên, các số liệu này được dự báo sẽ giảm mạnh trong năm tài chính hiện tại do ảnh hưởng kép bởi Covid-19 và đảo chính.

Khối lượng giao dịch chứng khoán giảm hơn 60%

Khối lượng giao dịch trên Sở Giao dịch Chứng khoán Yangon (YSX) giảm mạnh ngay sau khi đảo chính xảy ra.

Thị trường chứng khoán non trẻ của Myanmar đối mặt với những nghi ngờ xoáy sau khi giao dịch bất ngờ bị tạm dừng trong 2 ngày đầu tháng 2 trước làn sóng đảo chính. Tổng khối lượng giao dịch trong giai đoạn từ ngày 03/02 – 09/03 là 85,436 cổ phiếu, giảm 62% so với cùng kỳ năm ngoái, khi có 223,475 cổ phiếu được trao tay.

Trong ngày giao dịch đầu tiên sau 2 ngày gián đoạn, chỉ số giá chứng khoán Myanmar (MYANPIX ) giảm 26.47 điểm còn 417.25 điểm, giảm 6% so với mức đóng cửa ngày 29/01. Đây là lần đầu tiên MYANPIX giảm về dưới ngưỡng 420 điểm kể từ tháng 04/2020. Hiện chỉ số này đang dao động quanh 424 điểm, so với thời điểm cuối tháng 1 là trên 443 điểm.

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 03/2016, thị trường chứng khoán Myanmar vẫn còn non trẻ và hiện chỉ mới có 6 doanh nghiệp niêm yết. Năm ngoái, YSX đã cho phép nhà đầu tư nước ngoài được tham gia mua bán cổ phiếu với kỳ vọng sẽ đóng góp nhiều vào sự phát triển của thị trường vốn trong nước.

Khả năng xét nghiệm Covid-19 giảm 90%

Theo dữ liệu từ Bộ Y tế và Thể thao Myanmar, tính đến hết ngày 28/03 Myanmar ghi nhận 142,377 ca nhiễm Covid-19, trong đó có 3,206 ca tử vong. Kiểm soát mức độ lây nhiễm Covid-19 và thúc đẩy việc triển khai vắc-xin là những yếu tố quan trọng nhằm giúp phục hồi kinh tế, thế nhưng đảo chính đang cản trở khả năng ứng phó với khủng hoảng y tế của giới chức Myanmar.

Dữ liệu từ Bộ Y tế và Thể thao Myanmar cũng cho thấy số lần xét nghiệm Covid-19 trung bình mỗi ngày trong vòng 7 ngày đầu tháng 3 là khoảng 1,600 lần, giảm hơn 90% so với mức trung bình 17,000 lần/ngày trong vòng 7 ngày trước khi diễn ra cuộc đảo chính.

Tăng trưởng GDP chậm lại

Trong một báo cáo hồi tháng 12/2020, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng kinh tế Myanmar sẽ đạt 2% trong năm tài chính 2020-2021 (kết thúc vào 30/09/2021), giảm mạnh so với mức 6.8% ghi nhận trong năm tài chính liền trước. Tuy nhiên, theo dự báo của WB được công bố hôm 26/03 cho thấy nền kinh tế Myanmar sẽ suy giảm 10% trong năm nay do bị tác động nặng nề của các cuộc biểu tình, đình công và lệnh trừng phạt của các nước phương Tây đối với quân đội Myanmar.

WB cho biết: “Myanmar đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc biểu tình, đình công của công nhân cũng như các hành động quân sự; giảm khả năng di chuyển, sự gián đoạn liên tục của các dịch vụ công quan trọng và các dịch vụ ngân hàng, hậu cần và internet. Những người biểu tình ở Myanmar đã nhắm mục tiêu vào nền kinh tế như một phần của chiến dịch bất tuân dân sự của họ, làm tê liệt hệ thống ngân hàng và khuyến khích các nhà đầu tư nước ngoài rút lui cho đến khi chính phủ được bầu cử dân chủ được khôi phục”.

Giá nhu yếu phẩm tăng vọt

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của UN, tổ chức nhân đạo lớn nhất trên thế giới hiện nay trong việc hỗ trợ và giải quyết nạn đói, hôm 16/03 cảnh báo giá cả nhiên liệu và thực phẩm tăng mạnh từ cuộc đảo chính bắt đầu hôm 01/02 tại Myanmar có nguy cơ làm suy yếu khả năng tự kiếm sống của các hộ gia đình nghèo.

WFP cho biết giá thực phẩm đa số đều tăng. Giá dầu cọ tăng 20% ở một số nơi xung quanh thành phố Yangon kể từ đầu tháng 02 và giá gạo tăng 4% ở các khu vực Yangon và Mandalay kể từ cuối tháng 2.

Tại một số khu vực thuộc bang Kachin ở phía bắc, giá gạo đã tăng tới 35%, trong khi tại các khu vực thuộc bang Rakhine ở phía tây, giá dầu ăn và đậu cũng tăng vọt.

WFP cho biết, chi phí nhiên liệu trên cả nước đã tăng 15% từ ngày 01/02, làm gia tăng mối quan ngại về việc giá thực phẩm sẽ tăng hơn nữa.

Giám đốc của cơ quan WFP tại Myanmar, Stephen Anderson, cho biết, các dấu hiệu thật đáng lo ngại. Ông cho rằng, hơn cả mối lo về Covid-19, nếu xu hướng tăng giá này tiếp tục diễn ra, chúng sẽ làm suy yếu nghiêm trọng khả năng có đủ lương thực để ăn của những người nghèo nhất.

Theo dự báo của WB, tỷ lệ nghèo tại Myanmar sẽ tăng từ mức 22.4% hồi cuối 2019 lên 27% trong năm nay. Thực tế, kể từ làn sóng Covid-19 đầu tiên xuất hiện, nhiều hộ gia đình nghèo tại Myanmar đã buộc phải nỗ lực để chống chọi với các cú sốc, bao gồm cả việc giảm thiểu tiêu thụ thực phẩm mỗi ngày.

Lĩnh vực kinh doanh gặp khó khăn trong việc thanh toán do hệ thống ngân hàng tê liệt

Lĩnh vực kinh doanh tại Myanmar đang gặp nhiều khó khăn trong việc thanh toán. Các giao dịch thương mại và thanh toán tiền lương đang bị gián đoạn vì nhiều nhân viên ngân hàng vắng mặt tại văn phòng làm việc để tham gia biểu tình phản đối cuộc đảo chính.

Những người biểu tình đã kêu gọi công chức và công nhân lĩnh vực tư nhân tham gia phong trào bất tuân dân sự. Các chi nhánh ngân hàng đã đóng cửa kể từ giữa tháng 2, khiến người gửi tiền phải xếp hàng dài tại các ATM nhưng tiền mặt có sẵn tại các ATM cũng rất ít.

Sự hỗn loạn đang bắt đầu ảnh hưởng đến các công ty Nhật Bản tại Myanmar. Nhiều công ty tại Thilawa SPZ cho biết việc trả lương và mua sắm nguyên vật liệu, linh kiện và dịch vụ đã bị gián đoạn; nhiều nhà máy đã tạm ngừng hoạt động vì lý do như bảo vệ người lao động trước chính biến hoặc các vấn đề liên quan đến giao dịch với ngân hàng. Một số công ty Nhật Bản biết họ không thể thực hiện thanh toán hoặc nhận thanh toán từ khách hàn vì các ngân hàng ngưng hoạt động.

Chủ một cửa hàng điện tử tiêu dùng tại Yangon cho biết: “Tôi không thể thanh toán cho nhà cung cấp vì các ngân hàng đóng cửa. Mặc dù bên bán hiểu rõ tình hình, nhưng chủ cửa hàng lo ngại rằng vấn đề ngân hàng sẽ gây thiệt hại cho việc kinh doanh của mình nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài”.

Quân đội đang gây áp lực buộc các ngân hàng phải mở lại hoạt động và một số ngân hàng đã hoạt động trở lại nhưng số lượng chi nhánh mở lại rất hạn chế.

Một nhân viên ngân hàng 25 tuổi tham gia phong trào bất tuân dân sự cho rằng, việc tiếp tục hoạt động sẽ chỉ dẫn đến việc rất nhiều người đổ xô đến ngân hàng để rút tiền gửi. “Tôi muốn kêu gọi tất cả mọi người tiếp tục ủng hộ phong trào bất tuân dân sự cho đến khi chúng tôi đạt được điều mình muốn”, nhân viên này cho biết.

Một thập kỷ trôi qua, những cải cách dân chủ, kinh tế và chính trị đã giúp mở cửa nền kinh tế Myanmar với thế giới. Mảnh đất mới mẻ với nhiều tiềm năng chưa được khai đã nhanh chóng thu hút giới đầu tư quốc tế rót vốn vào Myanmar.

Các doanh nghiệp từ Singapore, Trung Quốc và Hồng Kông là những nhà đầu tư hàng đầu tại Myanmar, theo DICA. Các thương hiệu lớn của Mỹ như Coca-Cola, Mastercard, Ford Motor và General Electric cũng đã đặt chân vào quốc gia Đông Nam Á này. Tuy nhiên, cuộc đảo chính quân sự lần này đang làm "thay đổi mọi thứ".

Những cuộc biểu tình đẫm máu đang dần khiến giới kinh doanh, giới đầu tư trở nên e dè hơn với Myanmar. Những tổn thất do Covid-19 gây ra vẫn còn đó, một lần nữa Myanmar lại gánh chịu tác động nặng nề của cuộc đảo chính. Giới chuyên gia dự báo, khó khăn chồng khó khăn có thể khiến Myanmar rơi vào cuộc suy thoái đầy đau đớn.

Khai Tâm (Tổng hợp)

FILI

Các tin tức khác

>   Các nhà xuất khẩu Trung Quốc tăng giá bán hàng hóa cho thế giới (05/04/2021)

>   Philippines quan tâm đến việc gia nhập hiệp định CPTPP (05/04/2021)

>   Berkshire Hathaway của Warren Buffett lại phát hành trái phiếu bằng Yên Nhật (05/04/2021)

>   Cước vận tải biển lại tăng vọt khi tàu hàng châu Á tắc nghẽn tại các cảng của Mỹ (05/04/2021)

>   Ngành bán lẻ châu Âu thay đổi đáng kể trước tác động của đại dịch (05/04/2021)

>   Facebook vừa cho hàng tỷ người dùng lý do để từ bỏ (04/04/2021)

>   Khủng hoảng chíp toàn cầu: "Cơn điên" gom hàng và sự phụ thuộc vào châu Á (02/04/2021)

>   Hai biến cố 'thiên nga đen' khiến cả thế giới sực tỉnh (01/04/2021)

>   Sản xuất châu Á bùng nổ nhờ nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu (01/04/2021)

>   WTO: Kế hoạch tiêm chủng quyết định đà phục hồi thương mại toàn cầu (01/04/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật