Tại cảng biển Liên Vân Cảng, miền đông Trung Quốc, khung cảnh quen thuộc thời gian gần đây là những chiếc cần cẩu cao chót vót vận hành không nghỉ suốt 24 tiếng/ngày để xử lý hàng hóa từ các tàu chở hàng.
Không chỉ Liên Vân Cảng, toàn bộ mạng lưới vận tải biển toàn cầu đang đối mặt phép thử lớn chưa từng có: Đó là đại dịch Covid-19 và sự cố tắc nghẽn nghiêm trọng gần đây tại kênh đào Suez (Ai Cập).
Dù con tàu khổng lồ ở Suez đã được giải phóng, cuộc khủng hoảng nghiêm trọng vẫn hiện hữu với tình trạng thiếu container rỗng, giá cước vận tải tăng vọt và ùn ứ tại các cảng biển.
THIẾU CONTAINER RỖNG, ÙN Ứ CHƯA TỪNG THẤY TẠI CÁC CẢNG BIỂN
Theo AFP, cuộc khủng hoảng ngành vận tải biển bắt đầu nhen nhóm từ năm ngoái khi đại dịch ngày càng lan rộng với những diễn biến khó lường, ảnh hưởng lớn tới hoạt động của các tàu biển trên khắp thế giới.
Khi các quốc gia bắt đầu nới lỏng các biện pháp phòng dịch vào cuối hè năm ngoái, nhu cầu chi tiêu bị dồn nén dường như nổ tung với các đơn hàng dồn dập, gây ra cú sốc lớn cho mạng lưới cung ứng và vận tải hàng hóa.
Từ cuối năm 2020, các tàu chở hàng bắt đầu ùn ứ tại các cảng biển châu Âu vốn đã quá tải, buộc giới xuất khẩu châu Á phải điều cả container rỗng quay đầu để sử dụng cho các hành trình khác.
Liên Vân Cảng - cảng biển đông đúc thứ 10 tại Trung Quốc - Ảnh: Xinhua
|
Tại Liên Vân Cảng, cảng biển đông đúc thứ 10 tại Trung Quốc, các công ty vận tải tuyệt vọng tới mức đưa cả container vận tải đường sắt vào vận tải biển và gấp rút đặt đóng container mới.
Nhu cầu tiêu dùng tăng mạnh tại Mỹ, đặc biệt là nhờ các chương trình cứu trợ Covid-19, gây áp lực lớn lên mạng lưới cung ứng hàng hóa. Trong tháng 2, lượng hàng xử lý tại Cảng Los Angeles (Mỹ) đã tăng tới 47% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là tháng 2 có lượng hàng hóa lớn nhất trong lịch sử 114 năm của cảng này. Sang tháng 3, lượng hàng tăng hơn 80%.
Chia sẻ với AFP vào tuần trước, một quan chức cảng Los Angeles cho biết có thời điểm, hơn 20 tàu phải neo đậu chờ cập cảng Los Angeles và Long Beach - hai cảng biển đông đúc nhất tại Mỹ. Trung bình các tàu phải chờ hơn 1 tuần mới được vào bến. Đây là khung cảnh hiếm gặp bởi thông thường không có cảnh chờ đợi ở đây.
"Chúng tôi đang phải xử lý khối lượng công việc tương đương vài tuần, nhưng mỗi ngày vẫn có rất nhiều tàu cập cảng", một quan chức cảng West Coast nói với AFP.
Ông Jon Gold, Phó chủ tịch phụ trách chuỗi cung ứng tại Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ, cho biết hiện tại tình trạng ùn ứ đã lan từ bờ Tây khu vực bờ đông nước Mỹ, một phần do sự cố tắc nghẽn tại kênh đào Suez.
Các bến cảng châu Âu cũng đang đối mặt với nguy cơ ùn ứ nghiêm trọng khi các tàu bị mắc kẹt ở kênh đào Suez tuần trước dự kiến sẽ cập cảng cùng lúc trong tuần này. Tiếp đến là những tàu hàng đã tránh kênh đào Suez bằng cách đi vòng qua Mũi Hảo Vọng tại châu Phi.
Khó càng chồng khó khi nhiều tàu container đang phải dừng hoạt động để lắp ráp lại nhằm đáp ứng tiêu chuẩn giảm thải carbon. Chưa kể, các biện pháp giãn cách xã hội và gián đoạn việc làm do dịch bệnh của nhân viên cảng khiến quy trình xử lý hàng hóa tại các bến cảng chậm đi đáng kể.
CƯỚC VẬN TẢI TĂNG CHÓNG MẶT
Tất cả những yếu tố trên đẩy giá vận tải cao ngất ngưởng trong nhiều tháng qua. Theo Forbes, Trong giai đoạn từ 19/3/2020 đến 19/3/2021, giá cước vận tải container toàn cầu tăng gần 195%, từ trung bình 1.377 USD/container 40 foot lên 4.045 USD.
Giá cước trên các tuyến đông đúc từ Trung Quốc/Đông Á đi Bắc Âu tăng chóng mặt. Cụ thể, giá một container 40 foot từ Thượng Hải (Trung Quốc) đi Rotterdam (Hà Lan) tăng tới 418%, theo dữ liệu từ Freightos. Trong khi đó, giá cước vận chuyển một container 40 foot từ Liên Vân Cảng (Trung Quốc) đi Mỹ tăng vọt từ mức chỉ 2.000-3000 USD lên hơn 10.000 USD. Còn giá cước cũng tăng gấp đôi trên tuyến từ châu Âu đi Mỹ.
Trong một thông cáo mới đây, ông Holger Losch, Giám đốc Liên đoàn Công nghiệp Đức, cảnh báo rằng khủng hoảng ngành vận tải biển đang gây áp lực lớn tới nhiều ngành công nghiệp nước này. Đặc biệt là những lĩnh vực phụ thuộc vào hoạt động vận tải vật liệu thô và linh kiện, cũng như việc vận chuyển thành phẩm.
Sự cố kênh đào Suez góp phần khiến giá cước vận tải biển tăng vọt - Ảnh: AFP
|
Cùng với đó, các quốc gia phụ thuộc vào xuất khẩu từ Đông Nam Á cho tới Mỹ Latinh gặp không ít khó khăn trong việc xuất khẩu hàng hóa.
Đòn giáng mạnh chưa từng thấy từ đại dịch cùng sự cố kênh đào Suez khiến nhiều người bắt đầu nghĩ tới việc phải cải cách ngành công nghiệp vận tải. Trong đó, giải pháp chủ chốt là số hóa mạnh mẽ hơn nữa ngành này nhằm giúp hàng hóa lưu thông trơn tru và ứng phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng tương tự.
"Các quy trình hiện tại ngày càng được chứng minh là kém hiệu quả và tốn kém mỗi khi phải ứng phó với những thay đổi trong nhu cầu vận tải hàng hóa", Vincent Clerc, Giám đốc điều hành về vận tải biển và hậu cần của Maersk, cho biết.