Thứ Hai, 12/04/2021 09:30

Gói 1.900 tỷ USD có phục hồi nền kinh tế Mỹ?

Đại dịch Covid buộc nhiều bang của Mỹ đã phải đóng cửa, kinh tế suy giảm trầm trọng. Ngày nay tỷ lệ thất nghiệp còn trên 6%, giảm so với đỉnh điểm trên 15%, khoảng 20 triệu người. Song số liệu nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp tiếp tục gia tăng trong những tuần qua. Vậy những gói chi tiêu của chính phủ có giúp cho nền kinh tế phục hồi hay cần những gói tiếp theo quy mô nhiều hơn?

Nhìn lại 4 gói cứu trợ của Trump

Tháng 3-2020, Chính phủ Mỹ đã ký 3 dự luật cứu trợ nền kinh tế gồm 8,3 tỷ USD đầu tháng, vài ngày sau ký dự luật bắt các công ty phải trả lương khi nhân viên bị nghỉ việc vì Covid trị giá 192 tỷ USD, và cuối tháng 3 ký gói cứu trợ 1.700 tỷ USD.

Giáng sinh 2020, tiếp tục đưa ra gói cứu trợ thứ 4 trị giá 480 tỷ USD. Tổng cộng 2.400 tỷ USD chưa kể phần chi tiêu trong ngân sách được quốc hội phê chuẩn trong năm tài khóa 2020.

Tính chung, tổng chi ngân sách lên đến 4.300 tỷ USD, đưa mức thâm hụt trong hơn một năm qua bằng mức nợ công tích lũy của mọi tổng thống cộng lại, từ George Washington đến Bill Clinton.

Chưa kể Fed liên tục mua vào trái phiếu kho bạc để duy trì lãi suất thấp nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Giá trị trái phiếu kho bạc Mỹ mua thêm trong năm 2020 lên đến 3.197 tỷ USD, tổng giá trị trái phiếu nắm giữ qua các chương trình mở rộng định lượng (QE) lên đến 7.363 tỷ USD.

Nhưng kết quả của chi tiêu và bơm tiền này vẫn không kích thích được nền kinh tế khi dịch bệnh vẫn được cho là nguyên nhân. Tỷ lệ tăng trưởng hàng quý đến nay là +4,3%, nhưng nếu tính trên tăng trưởng hàng năm thì vẫn -2,4%. Thất nghiệp vẫn ở mức 6%, đặc biệt là lực lượng lao động trẻ vẫn thất nghiệp 11,1%.

Lực lượng lao động trẻ đang bị tổn thất nặng nhất từ khủng hoảng Covid, tỷ lệ thất nghiệp lên đến 27,4%. Đây là lực lượng lao động chính và là đối tượng chi tiêu nhiều lại bị văng ra ngoài và nhận lấy những khoản tiền trợ cấp từ chính phủ.

1.900 tỷ USD chi vào việc gì?

Gói cứu trợ 1.900 tỷ USD được thông qua sau nhiều tháng tranh cãi, sửa đổi, thêm bớt giữa 2 đảng và ngay chính trong nội bộ Đảng Dân chủ. Lần đầu tiên gói cứu trợ được thông qua dựa trên lằn ranh đảng phái. Với một sự không đồng thuận này, liệu kinh tế Mỹ có phục hồi hay tiếp tục chờ đợi gói tiếp theo?

Mang danh là cứu trợ nên cả 2 đảng đều đồng ý cho tiền người dân, nôm na là 1.400USD mỗi người bao gồm trẻ em. Nhưng đồng thời mỗi người thất nghiệp nhận thêm 300USD mỗi tuần ngoài số tiền thất nghiệp được lãnh bình thường cho đến ngày 6-9-2021.

Điều lạ trong chính sách này là chính các nhân viên chính quyền liên bang và tiểu bang viện cớ bị nhiễm, sợ bị nhiễm, hay có triệu chứng nhiễm thì xin ở nhà vẫn được nhận lương và lãnh thêm 280USD mỗi ngày cho đến tháng 9-2021. Phải chăng chính phủ Mỹ đang giúp cho người dân có tiền để ở nhà tự giãn cách xã hội, đẩy lùi dịch bệnh?

Chưa hết, họ dành ra 350 tỷ USD cho các chính quyền tiểu bang, thành phố để bù đắp cho thâm hụt ngân sách từ tổn thất biểu tình, từ đóng cửa nền kinh tế…

Chi 125 tỷ USD cho các trường học, 45 tỷ USD để giúp người dân trả tiền mua bảo hiểm Obamacare, 20 tỷ USD trợ cấp trả tiền thuê nhà và nợ nhà, 15 tỷ USD cho tiểu thương vay mượn với lãi suất thấp, 14 tỷ USD để tiếp tục chi cho hoạt động nghiên cứu và mua vaccine ngừa Covid…

Khởi nguồn gói cứu trợ được đề xuất chỉ có 22% chi cho người dân Mỹ, 8% liên quan đến vaccine chích ngừa. Nghĩa là có 30% số tiền chi ra có liên quan trực tiếp đến virus và người dân.

Số tiền chi còn lại để chi trả cho những sai lầm của chính quốc gia họ mà phía Đảng Cộng hòa và ngay chính nội bộ Đảng Dân chủ cũng mâu thuẫn nhau. Nghĩa là những khoản chi này liên quan đến những thâm hụt ngân sách, chi tiêu hoang phí của các chính quyền tiểu bang trong dịch bệnh, trong bạo loạn, trong khủng hoảng phiếu bầu…

Những khoản chi tiêu này không tạo ra của cải cho xã hội và tăng trưởng kinh tế trong trung hạn. Nhân chuyện cứu trợ, Mỹ đã chi ra hàng trăm tỷ USD (17%, 325 tỷ USD) vào các chương trình bí mật tuyệt đối.

Nhưng nếu xét về tính khẩn cấp trong việc khôi phục kinh tế, thì gói cứu trợ 1.900 tỷ USD không phải được giải ngân ngay sau khi dự luật được ban hành. Ngoài khoản tiền trực tiếp cho người dân và chích ngừa virus thì các khoản chi khác được giải ngân nhiều năm sau đó.

Trong gói 125 tỷ USD chi cho các trường học sau khi mở cửa trở lại, chỉ có 6 tỷ USD giải ngân năm 2021, số còn lại giải ngân cho nhiều năm sau đó, đến 2028.

Nếu gọi gói cứu trợ nền kinh tế thì cớ gì chi trả tiền lương lên đến 280USD/ngày cho nhân viên chính quyền nghỉ ở nhà vì lo ngại dịch bệnh đến hết tháng 9-2021. Khoản chi khuyến khích nhân viên chính quyền nghỉ ở nhà thì sao phục hồi lại nền kinh tế sau dịch bệnh?

Phải chăng dịch bệnh còn tiếp tục bùng phát “dài dài” để họ có nhiều cơ hội làm nhiều chuyện mà bình thường không làm được?

Trong khoản chi 350 tỷ USD cho các chính quyền tiểu bang bù đắp thất thu, nhưng ngay khi dự luật ban hành thì có 18 tiểu bang bội thu ngân sách, có nhiều bang đang bội thu lại thực hiện tăng chi cho người dân để trở thành bội chi ngân sách và nhận lấy ngân sách cứu trợ của chính quyền liên bang.

Số bội chi ngân sách của các chính quyền tiểu bang ước tính giảm thu tầm 1,6% nhưng số tiền chi ra đến 8%. Nghĩa là trong những tháng tới tình hình kinh tế sẽ không hồi phục vì dịch bệnh, vì đóng cửa nền kinh tế, số thu ngân sách tiểu bang tiếp tục giảm?

Gói cứu trợ nguyên thủy của hạ viện, gói chính thức có khác ở những nội dung không liên quan Covid.

Hành vi của người dân Mỹ

Ngay khi dự luật cứu trợ 1.900 tỷ USD được ký, nhà nghiên cứu Jared Woodard của ngân hàng Bank of America đã đặt ra câu hỏi: “Các hộ gia đình Mỹ làm gì với số tiền cứu trợ khi nền kinh tế mở cửa trở lại” để thực hiện một cuộc khảo sát nhằm giải quyết 2 vấn đề: Liệu có một sự bùng nổ trong chi tiêu thực, lạm phát dịch vụ và tiền lương cao hơn, một sự gia tăng trong GDP và một sự sụt giảm của giá chứng khoán Mỹ khi Fed thắt chặt chính sách tiền tệ chống lạm phát (vì cuộc chơi tổng số bằng không).

Hoặc vấn đề thứ 2 là tiết kiệm lớn. Sau khi chi tiêu vào dịch vụ và giải trí tăng nhanh ban đầu, tiêu dùng quay trở lại xu hướng trì trệ vì họ phải dự phòng tiền mặt, trả nợ hoặc nắm giữ các tài sản tài chính để dự phòng những bất ổn tiếp theo?”.

Kết quả khảo sát này đã đưa đến chi tiêu giảm, hầu hết sẽ được tích tũy tiết kiệm. 79% người có thu nhập cao nói không chi tiêu, 53% người có chu nhập thấp cũng không chi tiêu số tiền cứu trợ. Nghĩa là rất ít người thực sự cần đến gói cứu trợ.

Điều này cũng dễ hiểu khi chỉ có cao nhất 15% người thất nghiệp trong nền kinh tế Mỹ cần giúp đỡ và họ đã nhận được 1.200USD ở gói thứ 3, 600USD ở gói thứ 4 và giờ đây 1.400USD của gói thứ 5.

Trong khi đó, nếu tính trung bình thì một người thất nghiệp nhận phụ cấp 300USD từ liên bang và trung bình 400USD mỗi tuần của chính quyền tiểu bang đã là quá lớn. Do vậy, việc trợ cấp này sẽ chỉ giúp cho người Mỹ trả bớt nợ nần. Gánh nặng nợ tư nhân giảm để chuyển sang chính phủ.

Hiện tổng nợ của nền kinh tế Mỹ lên đến gần 400% GDP, trong đó nợ của Chính phủ Mỹ là 130% GDP. Tỷ lệ nợ này đã gây cản trở cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ trong thời gian tới và họ cần thực hiện chính sách giảm nợ trong một chu kỳ nợ dài hạn.

PGS.TS LÊ THỊ PHƯƠNG VY, Khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TPHCM

Sài Gòn Đầu Tư Tài Chính

Các tin tức khác

>   IMF: Tăng chi cho vaccine là cách nhanh nhất để củng cố tài chính công (11/04/2021)

>   Giá sản xuất tại Mỹ tăng ở mức cao nhất trong hơn 9 năm (10/04/2021)

>   Singapore trở thành nước đầu tiên phê chuẩn RCEP (10/04/2021)

>   Italy dùng quyền lực vàng chặn doanh nghiệp Trung Quốc thâu tóm LPE (10/04/2021)

>   Bất chấp khủng hoảng chip, BMW và Mercedes vẫn tăng trưởng hai con số ở Trung Quốc (10/04/2021)

>   Mỹ thêm 7 công ty siêu máy tính của Trung Quốc vào danh sách đen (09/04/2021)

>   Vay tiền mua xe, nhiều người Mỹ vỡ nợ vì dịch Covid-19 (09/04/2021)

>   Kinh tế toàn cầu phục hồi có thể đẩy chi phí vận chuyển tăng cao (08/04/2021)

>   Hoạt động kinh tế tại Eurozone tháng Ba tăng trưởng trở lại (08/04/2021)

>   Trung Quốc - thách thức đối với kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng mới của Mỹ? (08/04/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật