Giá sản xuất tại Mỹ tăng ở mức cao nhất trong hơn 9 năm
Theo nhiều nhà quan sát, giá sản xuất tăng có khả năng đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn lạm phát cao hơn, khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại sau giai đoạn hạn chế hoạt động vì COVID-19.
Người dân mua hàng tại một siêu thị ở Missouri, Mỹ. Nguồn: Reuters
|
Một báo cáo mới nhất công bố ngày 9/4 cho thấy giá sản xuất tại Mỹ trong tháng 3/2021 tăng ở mức cao nhất của chín năm rưỡi.
Nhiều nhà quan sát nhận định đây có khả năng đánh dấu sự bắt đầu của giai đoạn lạm phát cao hơn, khi nền kinh tế Mỹ mở cửa trở lại sau giai đoạn hạn chế hoạt động vì đại dịch COVID-19.
Chỉ số giá sản xuất cho nhu cầu cuối cùng (PPI) đã tăng 1% trong tháng Ba do chi phí tăng trên hầu hết các bộ phận khác. So với cùng kỳ năm 2020, chỉ số PPI của Mỹ đã tăng 4,2% - mức tăng theo năm lớn nhất kể từ tháng 9/2011 và vượt khá xa mức tăng 2,8% của tháng Hai.
Giá hàng hóa tăng 1,7%, chiếm gần 60% mức tăng của chỉ số PPI trong tháng trước, và là mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/2009. Giá dịch vụ cũng tăng 0,7% vào cùng giai đoạn sau khi tăng 0,1% trong tháng Hai.
Cũng theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, nếu loại trừ các thành phần giá lương thực, năng lượng và dịch vụ thương mại dễ biến động, PPI cốt lõi của Mỹ chỉ tăng 0,6% trong tháng Ba, so với mức tăng 0,2% của tháng Hai. Còn tính trong 12 tháng đến tháng 3/2021, PPI cốt lõi của Mỹ tăng 3,1% - cao nhất kể từ tháng 9/2018 tới nay.
Điều đó phù hợp với các cuộc khảo sát kinh doanh cho thấy áp lực chi phí đang gia tăng khi nhu cầu trong nước mạnh lên, khiến các hạn chế về nguồn cung trầm trọng hơn.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell mới đây đã nhắc lại ý kiến rằng việc lạm phát gia tăng dự kiến sẽ chỉ mang tính tạm thời. Ông cũng khẳng định các chuỗi cung ứng sẽ thích ứng với tình hình và hoạt động hiệu quả hơn. Hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý với nhận định trên.
Bà Rubeela Farooqi, nhà kinh tế trưởng của High Frequency Economics, cho biết ngoài những tác động tạm thời, lạm phát khó có thể tiếp tục tăng tốc do thị trường lao động đang khá yếu.
Nhưng một số nhà kinh tế không chia sẻ quan điểm về lạm phát của ông Powell. Họ cho rằng các doanh nghiệp có khả năng chuyển chi phí sản xuất cao hơn sang cho người tiêu dùng. Các cuộc khảo sát kinh doanh đã chỉ ra rằng lượng hàng dự trữ của khách hàng đang ở mức thấp kỷ lục.
Ông James Knightley, nhà kinh tế trưởng tại ngân hàng ING chi nhánh New York, cho biết các nhà sản xuất đang nắm trong tay quyền định giá lớn chưa từng thấy trong nhiều năm qua. Do đó, những rủi ro đang ngày càng di chuyển theo hướng đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) lên cao hơn.
Theo một cuộc khảo sát của Reuters, CPI của Mỹ trong tháng Ba có thể tăng 0,5% so với tháng trước đó. So với cùng kỳ năm ngoái, con số này dự kiến tăng lên 2,5% từ mức 1,7% trong tháng Hai. Bản báo cáo chính thức dự kiến sẽ được công bố vào thứ Ba tuần tới (13/4 theo giờ địa phương).
H.Thủy
Vietnam+
|