Thứ Tư, 17/03/2021 09:00

Rủi ro sau đà tăng phi mã của cổ phiếu penny

Cổ phiếu tốt là cổ phiếu tăng giá, cho đến khi nó giảm giá.

Kể từ ngày 17/02 - ngày giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết - đến hết phiên giao dịch 12/03, các cổ phiếu thị giá thấp (penny) chiếm áp đảo trong danh sách cổ phiếu niêm yết tăng mạnh nhất, đặc biệt là sàn HNX. Tại HOSE, xu hướng tương tự cũng diễn ra, thể hiện qua số liệu thống kê đối với nhóm 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất.

Những cổ phiếu niêm yết tăng giá mạnh nhất
trong giai đoạn 17/02-12/03/2021

Đà tăng giá của cổ phiếu penny càng đáng chú ý khi xét tới bối cảnh thị trường chứng khoán trong những tháng gần đây. Nhà đầu tư cá nhân ít kinh nghiệm hào hứng rót tiền vào cổ phiếu. Trong khi đó, hệ thống của sàn giao dịch chứng khoán lớn nhất nước là HOSE lại liên tục quá tải, nghẽn lệnh, dẫn đến việc áp dụng nâng lô giao dịch tối thiểu từ 10 cp lên 100 cp như một giải pháp tình thế để giúp HOSE bớt “ách tắc”.

Trên các diễn đàn chứng khoán, đã có nhiều trường hợp nhà đầu tư bất bình với tình trạng nghẽn mạng của HOSE và kêu gọi chuyển sang giao dịch các cổ phiếu niêm yết tại HNX. Dù vậy, xu hướng này vẫn diễn ra chưa thực sự mạnh mẽ.

Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính tại Việt Nam (VAFI) từng đưa ra quan điểm việc nâng lô giao dịch sẽ tạo rào cản với nhà đầu tư trong việc tiếp cận cổ phiếu chất lượng do các bluechip trở nên đắt đỏ, đẩy người ít kinh nghiệm vào các mã chứng khoán thị giá thấp đầy rủi ro.

Theo dữ liệu từ VietstockFinance, trong số 25 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất HNX giai đoạn 17/02-12/03 vừa qua, có đến 16 mã khởi đầu giai đoạn với thị giá dưới 10,000 đồng/cp. Hầu hết những cổ phiếu này là của doanh nghiệp có vốn hóa thị trường nhỏ, siêu nhỏ (Small Cap, Micro Cap).

Việc nhà đầu tư đổ tiền vào những cổ phiếu Small và Micro Cap là tương đối rủi ro, bởi mức độ minh bạch thông tin hạn chế của doanh nghiệp phát hành, đồng thời, kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp này cũng không thật sự có chuyển biến rõ nét đủ để thỏa mãn các mức tăng giá phi mã của cổ phiếu gần đây.

SPI - cổ phiếu niêm yết tăng giá mạnh nhất kể từ sau Tết là chứng khoán của doanh nghiệp thua lỗ kỷ lục trong năm 2020. Theo đó, CTCP SPI (HNX: SPI) vừa báo cáo khoản lỗ 15.5 tỷ đồng, thiệt hại nặng nhất kể từ khi trở thành doanh nghiệp niêm yết vào năm 2012. Trước khi cổ phiếu SPI tăng trần liên tiếp trong tháng 2/2021, hàng loạt giao dịch của các cổ đông lớn cũng xuất hiện dày đặc.

CTCP Xây dựng Điện VNECO 1 (HNX: VE1) thua lỗ trong năm 2020 và cũng không hề công bố thông tin tích cực về hoạt động, nhưng giá cổ phiếu tăng giá hơn 68% chỉ trong ba tuần giao dịch sau Tết. Cổ phiếu đang bị kiểm soát của CTCP Chế biến Thủy sản xuất khẩu Ngô Quyền (HNX: NGC) tăng 59% trong cùng khoảng thời gian.

Một lý do dẫn đến việc dòng tiền tìm đến những cổ phiếu penny, cổ phiếu của doanh nghiệp Small & Micro Cap phần nào có thể do các cổ phiếu bluechip, cổ phiếu nền tảng cơ bản tốt đều đã trải qua các mức tăng giá hàng chục, thậm chí hàng trăm phần trăm trước đó.

Dòng tiền - mà chủ yếu từ các nhà đầu tư cá nhân - lúc này chuyển hướng sang các mục tiêu chưa tăng giá, hay thậm chí chỉ đơn thuần có thị giá thấp để tìm kiếm lợi nhuận. Theo dữ liệu từ VietstockFinance, thanh khoản giao dịch của các cổ phiếu có thành tích tốt nhất HNX tăng vọt trùng với giai đoạn giới đầu tư F0 hào hứng rót tiền vào chứng khoán cuối 2020 sang đầu 2021.

Đa phần cổ phiếu HNX tăng mạnh nhất kể từ sau Tết Nguyên Đán
đều là các mã penny, Small & Micro Cap

Thanh khoản giao dịch trung bình mỗi phiên của nhiều mã tăng vọt từ tháng 12/2020 đến nay
Nguồn: VietstockFinance

Trong quá khứ, những biến động giá cực đại của các cổ phiếu penny đã không ít lần gây thiệt hại lớn cho người nắm giữ.

Nhà đầu tư F0 là động lực chính dẫn dắt đà tăng của thị trường chứng khoán trong một năm qua. Tuy nhiên, họ cũng là đối tượng dễ bị tổn thương nhất bởi sự thiếu kinh nghiệm, thiếu khả năng tiếp cận thông tin, cũng như năng lực phân tích đầu tư hạn chế.

CTP, cổ phiếu tăng giá gần 54% kể từ sau Tết âm lịch 2021 (tính đến 12/03), từng là mã chứng khoán tàn phá nặng nề túi tiền nhà đầu tư cách đây hơn hai năm. Sau khi tăng chóng vánh trong tháng 6/2017, cổ phiếu này trải qua giai đoạn (06/07/2017-30/09/2019) sụt giá đến 92.5% từ mức đỉnh. Doanh nghiệp này lúc bấy giờ mang tên Cà phê Thương Phú và mới đổi sang cái tên Minh Khang Capital Trading Public kể từ tháng 12/2019, sau khi cổ phiếu đã tuột giá thê thảm.

Mới đây, đà tăng trần 34 phiên liên tiếp của cổ phiếu CTCP Quốc tế Hoàng Gia (HOSE: RIC) cũng dừng lại, và tiếp nối bởi 6 phiên kịch sàn tính đến ngày 12/03. Trong giai đoạn tăng nóng trước đó, giá trị thị trường của một doanh nghiệp nhiều năm thua lỗ đã tăng đột biến từ 338 tỷ đồng lên đến đỉnh điểm 3.25 ngàn tỷ đồng. Còn hiện tại, người mua RIC ở giá trần 46,150 đồng/cp trong phiên 04/03 đã mất 35% số vốn sau hơn một tuần, và nhiều khả năng những thiệt hại chưa dừng lại ở đó.

* Đừng thấy cổ phiếu liên tục kịch trần mà ham

Thừa Vân

FILI

Các tin tức khác

>   Phân tích kỹ thuật luận chiến: Công cụ “lùa gà”? (09/04/2021)

>   Cathie Wood và Warren Buffett: Sự đối lập trong phong cách đầu tư (15/03/2021)

>   Bài học từ huyền thoại Bill Miller (kỳ 2): Đừng răm rắp làm theo cái mác “đầu tư giá trị” (20/03/2021)

>   Bài học đầu tư từ huyền thoại Bill Miller (kỳ 1) (13/03/2021)

>   Ông Nguyễn Duy Hưng nói gì sau phát ngôn gây "bão" mạng? (11/03/2021)

>   Phân tích kỹ thuật luận chiến: Dài ngắn do mình (26/03/2021)

>   Binh đoàn đầu tư F0 đang “lột xác” thị trường chứng khoán ra sao? (10/03/2021)

>   Sau 13 năm đầu tư vào một công ty vô danh, Buffett bắt đầu hái quả ngọt (05/03/2021)

>   Nhà đầu tư nhỏ bị loại khỏi thị trường chứng khoán? (05/03/2021)

>   Nhà đầu tư có thật sự được bảo vệ khi nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 chứng khoán? (04/03/2021)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật