Phân tích kỹ thuật luận chiến: Dài ngắn do mình
Phân tích kỹ thuật từ lâu đã bị gán cho “tiếng xấu” là công cụ chuyên dành cho những nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn. Vậy thì sự thực có đúng như thế hay không?
* Phân tích kỹ thuật luận chiến: Predict và react phải cùng song hành
Nhà đầu tư phải có nhận thức về Time Frame
Người Việt Nam nói chung rất dễ bị ảnh hưởng bởi định kiến xã hội. Chúng ta vẫn hay nghe những câu kết luận xanh rờn kiểu như “bất động sản toàn đám đầu cơ” hay “chứng khoán toàn bọn làm giá”… Những định kiến kiểu như vậy gây hại rất nhiều cho các nhà đầu tư mới.
Không biết từ bao giờ phân tích kỹ thuật bị gán cho “tiếng xấu” là công cụ chuyên dành cho những tay lướt sóng ngắn hạn. Ở một khía cạnh khác, nó bị một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư nhìn nhận như một trường phái phân tích không chính thống, không nghiêm túc. Tại sao lại có tình trạng này?
Theo người viết, vấn đề nằm ở nhận thức về Time Frame của nhà đầu tư. Chữ Time Frame trong tiếng Anh có thể tạm dịch là phạm vi thời gian hay khung thời gian. Nó là khoảng thời gian mà cây nến candlestick đại diện trên đồ thị giá.
Nếu bạn chọn Time Frame là 1 ngày (1D) thì một cây nến candlestick sẽ biểu thị giá trong 1 ngày. Ngày giao dịch kế tiếp sẽ xuất hiện cây nến mới tiếp theo. Nếu bạn chọn Time Frame là 1 tuần (1W) thì cứ sau 1 tuần sẽ hình thành một cây nến mới, hay một cây nến sẽ biểu thị giá trong vòng 1 tuần (tham khảo thêm hình bên dưới).
Nguồn: https://stockchart.vietstock.vn/
Dài ngắn do mình
Tùy thuộc vào tư duy và triết lý đầu tư mà mỗi người sẽ chọn cho mình một Time Frame phù hợp. Những người trẻ tuổi, năng động có nhiều thời gian “bám sàn” thì có thể chọn các khung 1 phút (1m), 5 phút (5m), 15 phút (15m)… Những nhà đầu tư lớn tuổi, không thích lướt sóng nhiều có thể xem xét các khung cao hơn như 1 ngày (1D), 1 tuần (1W)…
Điều quan trọng là bạn phải thực sự thoải mái khi phân tích và đầu tư với Time Frame đã chọn. Nếu thường xuyên cảm thấy khó chịu và đuối sức thì nhiều khả năng bạn đang sử dụng Time Frame không phù hợp với tố chất và điều kiện của mình.
Trong ví dụ dưới đây của CTCP Sữa Việt Nam (HOSE: VNM), chúng ta có thể thấy một case-study rất điển hình. Vào đầu năm 2010, trên đồ thị weekly, đường SMA 50 tuần đã vượt lên trên đường SMA 200 tuần để tạo thành điểm giao cắt vàng (golden cross). Tín hiệu này đánh dấu một thời kỳ tăng trưởng ổn định kéo dài của cổ phiếu này.
Đến tận năm 2020 người viết mới thấy tín hiệu bán xuất hiện. Tín hiệu mua và bán cách nhau đến 10 năm đã đủ thuyết phục cho các nhà đầu tư dài hạn hay chưa?
Nguồn: https://stockchart.vietstock.vn/
Nói tóm lại, bất kể nhu cầu đầu tư của bạn là gì thì đều luôn có Time Frame tương ứng với nhu cầu đó. Phân tích đồ thị nói riêng và phân tích kỹ thuật nói chung không xấu, cũng không chuyên về đầu cơ. Vấn đề ở đây là bạn chưa khai thác hết tiềm năng của nó mà thôi.
Thế Phong
FILI
|