Góc nhìn 09/03: Xu hướng tăng vẫn là chủ đạo
Theo đánh giá của KBSV, xu hướng tăng hiện vẫn đang đóng vai trò chủ đạo và phiên 08/03 chỉ là một nhịp điều chỉnh ngắn hạn trong quá trình đi lên. Trong khi đó, Aseansc duy trì sự thận trọng với thị trường trong ngắn hạn cho đến khi VN-Index có thể vượt qua vùng 1,170-1,180 điểm.
Nắm giữ vị thế trung hạn
CTCK KB Việt Nam (KBSV): VN-Index mở gap tăng ngay đầu phiên 08/03 nhưng sớm chịu áp lực điều chỉnh và đánh mất toàn bộ số điểm đạt được.
Theo KBSV, diễn biến phiên 08/03 cho thấy lượng cung giá cao đang gây ra lực cản cho đà hồi phục của thị trường và khả năng mở rộng thêm nhịp điều chỉnh vẫn còn để ngỏ. Mặc dù vậy, xu hướng tăng hiện vẫn đang đóng vai trò chủ đạo nên KBSV cho rằng đây chỉ là một nhịp điều chỉnh ngắn hạn trong quá trình đi lên.
KBSV khuyên nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ vị thế trung hạn, chờ các nhịp điều chỉnh của thị trường để tích lũy và dần nâng tỷ trọng trở lại cho vị thế ngắn hạn, đặc biệt trong kịch bản VN-Index quay xuống vùng hỗ trợ đáng lưu ý tại quanh 1,100-1,110.
Thận trọng trong ngắn hạn
CTCK Asean (Aseansc): Phiên 08/03, mặc dù có lúc tăng gần 13 điểm, tuy nhiên áp lực bán tăng mạnh tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn đã làm chỉ số VN-Index quay đầu giảm nhẹ. Kết thúc phiên, chỉ số VN-Index giảm 0.42 điểm (giảm 0.04%), đóng cửa ở mức 1,168.27 điểm. Thanh khoản HOSE ở mức hơn 650 triệu cổ phiếu (tăng 8%), giá trị gần 15,600 tỷ đồng (tăng 4%). Độ rộng thị trường nghiêng về số mã tăng giá (274 mã tăng/183 mã giảm). Về phía nhà đầu tư nước ngoài, họ bán ròng gần 1,251 tỷ đồng trên HOSE, tập trung chủ yếu vào POW, VNM, và HPG.
Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến đỏ nhỏ với giá đóng cửa nằm dưới các đường trung bình động ngắn hạn 3 ngày (MA3), 5 ngày (MA5), và 10 ngày (MA10), là tín hiệu khá tiêu cực. Theo Aseansc, điều này cho thấy bên bán đang tạm thời chiếm ưu thế.
Trong kịch bản tiêu cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,150-1,160 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1,130-1,140 điểm. Trong kịch bản tích cực, vùng kháng cự gần của VN-Index dự báo ở mức 1,170-1,180 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1,190-1,200 điểm.
Số mã tăng giá áp đảo số mã giảm giá, tuy nhiên chỉ số VN-Index vẫn không thể bứt phá mạnh trong phiên 08/03 chủ yếu do nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm VN30 bị bán mạnh.
Do đó, Aseansc duy trì sự thận trọng với thị trường trong ngắn hạn (5-10 ngày) cho đến khi VN-Index có thể vượt qua vùng 1,170-1,180 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, VN-Index có thể lùi về kiểm tra vùng hỗ trợ gần 1,150-1,160 điểm, bao gồm đường trung bình động 20 ngày (MA20). Tỷ trọng danh mục đề nghị theo công thức Kelly: 50% tiền mặt/50% cổ phiếu.
Tích lũy trong vùng 1,160-1,200 điểm
CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSI): Xu hướng tích lũy kéo dài trong phiên 08/03 khi thị tường đi ngang quanh ngưỡng 1,168 điểm. Dòng tiền phân hóa chảy vào một số nhóm ngành khi chỉ có 12/19 ngành tăng điểm.
Thanh khoản phiên 08/03 tăng nhẹ so với phiên 05/03 và độ rộng thị trường tích cực cho thấy dòng tiền đầu tư đang chảy về nhóm Mid-cap. Khối ngoại bán ròng trên cả hai sàn HOSE và HNX.
Với xu hướng dòng tiền nội chảy vào nhóm Mid-cap và khối ngoại tiếp tục bán ròng, BSI đánh giá rằng VN-Index nhiều khả năng sẽ vận động tích lũy trong vùng 1,160-1,200 điểm trong các phiên giao dịch tới, kể từ 09/03.
Thừa Vân
FILI
|