Yếu tố nào tác động đến thị trường chứng khoán tháng 3/2021?
Theo báo cáo chiến lược thị trường tháng 3/2021 của SSI Research, GDP, lạm phát, mặt bằng lãi suất và lợi suất trái phiếu Mỹ là các yếu tố chính có thể tác động đến thị trường chứng khoán tháng 3/2021.
GDP quý 1/2021 có thể tăng cao hơn
Tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trên HOSE phục hồi tích cực từ quý 4/2020 và khả năng tiếp cận vaccine Covid- 19 sắp tới là nhân tố nâng đỡ thị trường trong ngắn hạn.
Các ngành chiếm tỷ trọng vốn hóa lớn đều ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng trưởng vượt trội như Ngân hàng (+28.4%), Bất động sản (+10.7%), Tài Nguyên cơ bản (+222%), Dịch vụ tài chính (+150%). Sau những khó khăn ban đầu do dịch Covid-19 mang lại, các doanh nghiệp có thị trường nội địa đã nhanh chóng phục hồi và thích nghi trong điều kiện mới. Đây là bước đệm để các doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong 2 quý đầu năm 2021 so với nền tảng thấp ở quý 1 và quý 2/2020, qua đó thị trường chứng khoán sẽ nhận được tác động tích cực.
Bức tranh vĩ mô lớn hơn đã có những điểm nhấn mới với số liệu 2 tháng đầu năm phát đi những ghi nhận lạc quan về triển vọng GDP quý 1/2021 có thể tăng cao hơn cùng kỳ.
Do tháng 3/2020 là tháng chịu ảnh hưởng nặng nhất từ Covid-19, trong khi tháng 3/2021 lại là tháng Việt Nam đã kiểm soát thành công đợt bùng phát thứ 3 của đại dịch Covid-19 với hầu hết địa phương đều nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội, do đó GDP quý 1/2021 có thể tăng cao hơn cùng kỳ là khá rõ ràng, và có thể đạt được mục tiêu đề ra của Chính phủ là vào khoảng 4.7-5%.
Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất vẫn đang trong xu hướng giảm nhẹ để hỗ trợ các hoạt động kinh tế tiếp tục hồi phục và cũng tiếp tục tạo lợi thế cho kênh chứng khoán.
Mặt khác, các yếu tố rủi ro cũng bắt đầu xuất hiện: Lạm phát tháng 2 tăng khoảng 1.52% và là mức tăng khá cao nếu chỉ nhìn vào con số tuyệt đối. SSI Research cho rằng áp lực lạm phát trong thời gian tới sẽ không nhỏ khi tổng cầu đang phục hồi rõ rệt cùng với nền so sánh thấp của năm 2020.
Chi phí vận tải cũng tăng mạnh do sự đứt gãy của chuỗi cung ứng kéo dài từ năm ngoái. Mức tăng này sẽ gây áp lực lớn lên chi phí sản xuất cũng như giá tiêu dùng trong ngắn hạn.
Từ đầu năm tới nay, lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ tăng khá nhanh khoảng 0.6% và hiện ở mức gần 1.5%. Lợi suất trái phiếu Mỹ tăng trở lại về lý thuyết là không tốt cho các thị trường mới nổi. Tuy nhiên, về mặt cơ bản, tình hình hiện nay đã có các điểm khác, như mặt bằng lãi suất Chính phủ Mỹ vẫn thấp hơn so với trước dịch Covid-19, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã ở mức cao theo tiêu chuẩn của IMF, nhà đầu tư nước ngoài vẫn mua ròng trái phiếu Chính phủ, và việc bán ròng trên thị trường cổ phiếu đã diễn ra từ rất lâu nên áp lực hiện tại không còn nhiều.
Sau đợt phục hồi nửa cuối tháng 2, hệ số P/E thị trường năm 2021 tăng lên mức 15.1 lần vào ngày 03/03/2021. Số liệu kinh tế 2 tháng đầu năm khá tích cực, không chỉ đến từ xuất khẩu (tăng 23% so với cùng kỳ) hay sản xuất công nghiệp mà đặc biệt là tổng mức bán lẻ hàng hóa sau khi loại trừ lạm phát cũng tăng cao hơn cùng kỳ năm trước.
Khang Di
FILI
|