Nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu là bước lùi của thị trường chứng khoán Việt Nam?
Lý do chính để HOSE nâng lô cổ phiếu giao dịch, từ 10 lên 100 và bây giờ dự kiến là 1.000 là do hệ thống hiện hành bị quá tải, hệ thống mới KRX chưa được triển khai. Nhưng có phải quá tải từ lệnh mua, bán của các nhà đầu tư nhỏ lẻ?
Hệ thống giao dịch của HOSE được thiết kế có công suất tối đa là 900.000 lệnh/phiên. Các nhà đầu tư nhỏ lẻ chiếm bao nhiêu trong số này? Theo thống kê từ các nhà môi giới bán lẻ ở Mỹ, số lượng giao dịch trung bình trong 1 năm của nhà đầu tư cá nhân Mỹ phổ biến ở mức 15 đến 18 lệnh trong 1 năm. Với 2,73 triệu tài khoản cá nhân hiện nay và giả sử 100% các tài khoản này vẫn còn hoạt động, tần suất giao dịch như người Mỹ, cho là 20 lệnh/năm thì trung bình mỗi ngày, số lệnh đến từ nhà đầu tư cá nhân sẽ rơi vào khoảng 215.000 lệnh (2,73triệu x 20/252). Như vậy so với công suất tối đa của HOSE thì số lượng lệnh này chiếm khoảng 23,88%. Phần lớn còn lại đương nhiên đến từ các nhà đầu tư chuyên nghiệp.
Các nhà đầu tư chuyên nghiệp hiện nay đều dùng hệ thống giao dịch tự động qua các thuật toán, với tần suất cao tính bằng giây hoặc nhỏ hơn, thực hiện bởi các chương trình tự động. Và đây có lẽ là điều mà HOSE cần lưu ý.
Các hệ thống giao dịch tự động có thể bị lạm dụng để tạo ra một lượng lệnh mua hay bán giả với số lượng lớn, chi phối một chứng khoán nào đó để trục lợi bất hợp pháp. Trong số này có một thủ thuật có tên gọi là spoofing. Theo đó, spoofer sẽ đưa một lượng lớn lệnh bán hay mua lên hệ thống với chênh lệnh giá hiện tại rất nhỏ vào danh sách lệnh chờ. Lúc này thị trường sẽ có những nhà đầu tư thấy tín hiệu và lao theo. Chỉ chờ có vậy, spoofer sẽ có lệnh ngược mua vào, và hủy số lượng lớn lệnh đã đặt lúc nãy. Việc này diễn ra trong thời gian rất ngắn, có thể chỉ vài phút nhưng nếu lặp đi lặp lại hàng trăm hay hàng ngàn lần thì khoản thu lợi dồn tích sẽ rất lớn. Năm 2015, tòa án ở Chicago đã xét xử vụ Công ty HTG Capital Parners, một doanh nghiệp chuyên dùng HFT để giao dịch CK lũng đoạn thị trường, trục lợi bất hợp pháp khi dùng các lệnh mua, bán giả (đặt rồi hủy). Các gian lận thế này khá phổ biến ở nhiều thị trường chứng khoán, nên cơ quan quản lý ở các thị trường này rất chú trọng đến việc cảnh giác, phát hiện và xử lý nghiêm.
Dữ liệu từ 42 thị trường chứng khoán từ nghiên cứu cho thấy những quy định trong luật về thao túng lượng giao dịch liên quan đến tốc độ thay đổi chủ sở hữu cổ phiếu, tức tính thanh khoản, những quy định về thao túng giá liên quan đến mức độ biến động thị trường và luật quy định về giao dịch nội gián có liên quan đến sự chênh lệch giá đặt mua, bán.
Vì vậy, HOSE nên rà soát lại có hay không việc spoofing ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Nếu có thì cần các chế tài xử lý nghiêm để bảo vệ các nhà đầu tư, đảm bảo thị trường phát triển lành mạnh bền vững.
Còn về việc tăng lô lên 1.000, có lẽ không nên thực hiện dù là tạm thời vì vẫn còn những giải pháp thay thế khác, như chuyển một số công ty qua sàn HNX và quan trọng hơn là rà soát, ngăn chặn các lệnh mua bán ảo. Đối với các nhà đầu tư cá nhân, việc giữ lô giao dịch 100 hay thấp hơn đem lại cho họ nhiều thuận lợi.
Thứ nhất, với vốn đầu tư ít, họ vẫn có thể tiết kiệm đầu tư dài hạn qua chứng khoán.
Thứ hai, việc quy định lô lớn sẽ khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ chuyển sang các cổ phiếu rẻ, có mức độ rủi ro cao hơn. Tính thanh khoản và khối lượng giao dịch vì thế cũng bị giảm cho nhà đầu tư nhỏ lẻ không tham gia được với các cổ phiếu bluechips.
Việt Nam cũng đang cố gắng để thoát khỏi nhóm thị trường cận biên, chuyển sang thị trường mới nổi do đó không thể không quan tâm đến các nhà đầu tư cá nhân. Bởi lẽ, nhà đầu tư dù trong nước hay quỹ đầu tư nước ngoài họ sẽ cân nhắc các quy định pháp lý bảo vệ nhà đầu tư, sự minh bạch của thị trường trước khi tham gia.
(* ) Trường đại học Kinh tế Tp.HCM, IPAG Business School Paris và AVSE Global